“Đẹp, cầu kì, tinh xảo tới mức hoàn hảo...” là lời khen, lời ngợi ca có cánh của giới chơi chim dành cho các tác phẩm của ông Đoàn Minh Căn (xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế). Ông được nhiều người biết đến bởi tài nghệ chế tác lồng chim độc đáo có một không hai tại Việt Nam.
Lão nông có đam mê điêu khắc
Sinh năm 1966 tại vùng quê nắng gió miền Cố đô, từ nhỏ, ông Đoàn Minh Căn đã có niềm đam mê với nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt là những chiếc lồng chim được chạm trổ cầu kỳ, đẹp mắt.
Từ nhỏ, ông Đoàn Minh Căn đã có niềm đam mê với nghệ thuật điêu khắc.
Tuy nhiên, gia đình ông từ xưa đã nổi tiếng “ăn còn chả đủ” thì lấy đâu ra chi phí để ông theo đuổi ước mơ. Chính vì vậy, niềm đam mê của ông đành nhường lại cho cuộc sống cơm áo gạo tiền.
Cho đến năm 1982, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông Căn quyết định đi thi theo sở thích là học điêu khắc. Ông đã xin theo học tại xưởng điêu khắc của ông Lê Đăng Duân, một nghệ nhân nổi tiếng lúc bấy giờ.
“Khoảng thời gian khi bắt đầu học, tôi thường xuyên thất bại trong việc đục đẽo những thanh gỗ, nhiều khi tôi cảm thấy chán nản vô cùng và chỉ muốn dừng lại. Bởi lúc đấy tôi nghĩ rằng mình không hợp với nghề.
Nhưng khi nhìn những sản phẩm mà thầy tôi làm được, trong lòng tôi lại bùng lên niềm mơ ước ngày nào đó sẽ làm được như thầy. Từ đó tôi cố gắng chăm chỉ, miệt mài tập luyện để học cho bằng được. Nghề điêu khắc đã bắt đầu ‘ăn’ vào máu tôi từ đấy...” - ông Căn kể lại.
Sau khi đã học hỏi và tích lũy được một số kinh nghiệm nghề cho bản thân, ông bắt đầu lập gia đình và mở một xưởng nhỏ ở nhà để điêu khắc bàn ghế nhưng những sản phẩm làm ra vẫn chưa lọt vào tầm ngắm của khách hàng.
Ông Căn quyết định nâng cao tay nghề bằng cách xin học nghề ở xưởng chạm khắc mỹ nghệ của nghệ nhân Phạm Thế Huề, một thợ điêu khắc nức tiếng trong các công trình trong hoàng cung thời Nguyễn.
Càng ngày nguồn gỗ để tạo hình càng trở nên khan hiếm, công việc điêu khắc của ông Căn cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. "Trong một lần đến nhà người quen thì tôi thấy một gốc tre được chạm trổ hình ông Bụt, tôi giật mình nghĩ: mình hoàn toàn có thể chạm chổ bằng tre được mà?.
Nhưng bởi vì tre rất dễ nứt nên việc thử nghiệm với tre không hề đơn giản. Sau nhiều lần thất bại, tôi phát hiện chạm trổ tre phải theo thớ của nó, dụng cụ chạm cũng phải nhỏ, nếu không thì sẽ bị hỏng", ông Căn chia sẻ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, những chiếc lồng chim mà ông Căn tạo dáng đã gây chấn động những người nuôi chim trong nước.
Sau một khoảng thời gian miệt mài tập luyện, các hình hài được ông chạm trổ trên thân tre đẹp mắt với nhiều mẫu mã, ông Căn bắt đầu nhận được đơn đặt hàng thử làm lồng chim. Sau đó ông đã tự nghiên cứu, sáng chế ra toàn bộ dụng cụ để phục vụ cho công việc của mình.
Chỉ trong một thời gian ngắn, những chiếc lồng chim mà ông Căn tạo dáng đã gây chấn động những giới nuôi chim trong nước. Từ đó, biệt danh “Căn lồng chim” được ra đời và đã trở thành “thương hiệu” gắn liền với ông cho đến nay.
Hơn 25 năm trong nghề, một khoảng thời gian dài gắn bó với công việc tạo ra những chiếc lồng chim cầu kì, độc đáo, điều không phải là một ai cũng làm được.
Những chiếc lồng giá trăm triệu
Ông Căn cho biết, xưởng chạm khắc của ông chuyên sản xuất những sản phẩm cao cấp, được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước nhưng chủ yếu vẫn là các tỉnh phía nam như: TP.HCM, Đà Lạt, Cà Mau, Sóc Trăng… Hơn nữa, sản phẩm lồng chim của ông còn xuất khẩu ra cả thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…
Thông thường một chiếc lồng có giá từ 5-25 triệu đồng.
Ông Căn chia sẻ: “Cái nghề này không phải là ai cũng làm được, nên chúng tôi không bao giờ hết việc và lúc nào cũng có đơn đặt hàng. Nguyên liệu là yếu tố quan trọng nhất để làm nên một chiếc lồng chim bền, đẹp. Chúng tôi tìm mua tre, gỗ chủ yếu ở Nam Đông (Thừa Thiên Huế), tỉnh Đắc Nông, và cả bên Lào nữa”.
Có lẽ nhờ sự chăm chỉ, tỉ mẩn trong việc chế tác, ông Căn ngày càng sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới. Những sản phẩm của ông thường có giá rất cao. Thông thường một chiếc lồng có giá từ 5-25 triệu đồng.
Còn những chiếc đặc biệt do khách hàng đến tận nơi đặt phải làm trong thời gian dài vì độ công phu cũng như phải mất công tìm đúng nguyên liệu thường có giá từ 40-60 triệu đồng, đôi khi có giá lên tới cả trăm triệu. Đôi khi có những vị khách yêu thích cái đẹp, sẵn sàng chi cả tỷ đồng để mua cho bằng được những chiếc lồng chim của ông.
Đôi khi có những vị khách yêu thích cái đẹp, sẵn sàng chi cả tỷ đồng để mua cho bằng được những chiếc lồng chim của ông.
Một trong những sản phẩm ưng ý nhất của nghệ nhân người Huế chính là mẫu lồng chim khắc 9 con rồng vươn mình bay lên. Ngay từ thời điểm ra mắt thị trường, rất nhiều đại gia trong nước sẵn sàng chi bộn tiền ra mua về. Ngay cả khi đã hoàn thành giao dịch, ông Căn vẫn tiếc hùi hụi sản phẩm mà mình tâm đắc nhất.
Vào năm 1997, ông Căn đã bắt đầu tham gia các cuộc thi điêu khắc. Đến nay ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có bốn giải thưởng lớn gồm: một giải nhất tại Festival Huế năm 2010, hai giải nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một giải nhất của Cục Mỹ thuật.
Nghề chế tác lồng chim của ông Căn không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương cũng như du khách gần xa. Đồng thời, tô điểm thêm bản sắc vốn có của Cố đô Huế, thành phố này vẫn còn vương vấn nét đặc trưng văn hóa cung đình thời phong kiến.
Với bàn tay, khối óc của một người con xứ Huế, nhờ sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó, những sản phẩm của ông không những chỉ có mặt ở Huế, ở Việt Nam mà còn có mặt khắp nơi trên thế giới. Với khả năng sáng tạo nghệ thuật không giới hạn trong việc chế tác lồng chim, ông xứng đáng với tên gọi “Đệ nhất lồng chim xứ Huế”.