Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 22.5, dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm cổ phiếu Large cap và Bluechip khiến cho chỉ số VN-Index (+10,28 điểm) có phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu năm.
Bên cạnh đó, thanh khoản vẫn giữ ở mức rất cao (giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 6.800 tỷ đồng) với giá trị giao dịch trên sàn HOSE lẫn HNX đều tăng so với phiên giao dịch trước.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, dòng cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm của thị trường thì tới phiên hôm nay, dòng cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn dắt đà tăng chính của các chỉ số, ngoài ra, các cổ phiếu ngành dầu khí cũng có sự phục hồi tích cực nhờ giá dầu tiếp tục tăng trở lại.
Sự luân chuyển nhanh của dòng tiền tạo ra sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, bên cạnh việc tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu Large cap khác, có khá nhiều cổ phiếu nằm trong nhóm đầu cơ, bất động sản và một số mã đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua bị NĐT tiếp tục bán ra. Trong đó tiêu biểu là các mã như ROS, JVC, FLC, KLF, HVG, DXG, LDG, SJS, STG, GMD, TCM, GTN,…
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng rất mạnh trên sàn HOSE trong phiên với giá trị mua ròng đạt 467 tỷ đồng, trong đó, PLX và ROS là hai mã được mua ròng mạnh nhất với giá trị mua ròng ở mỗi mã đều trên 100 tỷ đồng, tiếp đến là các cổ phiếu như VNM, HCM và BCG.
MSCI mới thông báo kết quả cơ cấu rổ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index, theo đó, tỷ trọng của rổ cổ phiếu Việt Nam tăng mạnh từ 8,01% lên mức 12,63%. Số lượng cổ phiếu được thêm mới là 9 cổ phiếu, bao gồm SSI, ROS, HSG, TCH, KBC, NVL, DPM, PVS và SAB, nâng tổng số cổ phiếu Việt Nam trong danh mục lên con số 15.
Sở dĩ lại có sự thay đổi đáng kể này là bởi Pakistan được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, tỷ trọng của các cổ phiếu Pakistan trong rổ chỉ số được thay mới bởi cổ phiếu của các quốc gia hiện có trong danh mục.
Theo tính toán thì với việc thay đổi tỷ trọng trên, MSCI Frotier Market 100 ETF sẽ rót thêm 27,8 triệu USD vào các cổ phiếu Việt Nam trong danh mục mới. Sự kiện này cũng là một phần nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu Large cap và Bluechip trên thị trường tăng mạnh trong hai phiên vừa qua.
Về cổ phiếu nông nghiệp, hai cổ phiếu của Bầu Đức là HAG và HNG mới vừa công bố BCTC quý I.2017. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của hai công ty trên đều ghi nhận lỗ, tuy nhiên do có khoản lợi nhuận đến từ việc thanh lý tài sản nên lợi nhuận trước thuế của HAG và HNG đều ghi nhận lãi sau 3 quý lỗ liên tục.
Điểm thay đổi dễ nhận ra đó là HAGL đã thu hẹp quy mô của mảng bò so với cùng kỳ, doanh thu từ mảng bò trong kỳ chỉ còn 196 tỷ đồng thay vì 1.233 tỷ đồng so với quý I.2016.
Trong quý I.2016, HNG không có doanh thu từ việc bán mủ cao su nhưng trong quý vừa qua, doanh tu từ việc bán mua đạt 56,7 tỷ đồng, xấp xỉ một nửa doanh thu từ việc bán mủ của năm 2016.
Đây có thể được xem là một tín hiệu tích cực đối với HAGL bởi việc khai thác cao su thường diễn ra chủ yếu bắt đầu từ đầu quý 2 cho tới hết năm, do vậy, doanh thu từ mảng cao su được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong những quý sau.