Dân Việt

600 nghìn tỷ nợ xấu ở các vụ án trọng điểm và ngân hàng yếu kém

Trần Giang 23/05/2017 11:51 GMT+7
Thống đốc NNHN Lê Minh Hưng cho biết nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu tại các ngân hàng yếu kém, trong khi hầu hết các khoản nợ xấu có liên quan đến các vụ án trọng điểm đang trong quá trình điều tra, tố tụng, nên quá trình xử lý nợ xấu bị kéo dài.

Trước thực trạng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao và công tác xử lý còn chậm, gặp nhiều trở ngại như trong thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội Nghị quyết mới về xử lý nợ xấu. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ, giải phóng lượng vốn khổng lồ lên tới hơn 600 nghìn tỷ đồng.

Nếu không gian nan thì không làm Nghị quyết

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, hiện vẫn tồn tại một số tổ chức tín dụng (TCTD) có tỷ lệ nợ xấu cao, chủ yếu tập trung ở các TCTD được kiểm soát đặc biệt, công ty tài chính, cho thuê tài chính yếu kém.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, nhận định sau 4 năm chúng ta đã làm được rất nhiều việc mà vẫn phải ban hành Nghị quyết chuyên đề về xử lý nợ xấu, nghĩa là bối cảnh 4 năm trước khủng khiếp thế nào.

img

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội (Ảnh: MH)

“610 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý trong thời gian 4 năm vừa qua, trong đó 56% các TCTD tự xử lý, 44% thông qua các hoạt động của NHNN ở VAMC. Điều đó cho thấy nhận định của chúng ta ở năm 2012 về thực trạng nền kinh tế Việt Nam là rất chuẩn xác. Và thành quả lớn nhất là giữ ổn định, không cho nó bị sụp đổ, đảm bảo tốc độ tăng trưởng của các TCTD, thành công rất lớn trong lĩnh vực ngân hàng”, ông Kiên nhận định.

Theo ông Kiên việc xử lý số nợ xấu còn tồn đọng rất gian nan. “Vì nếu mà không gian nan thì chúng ta không làm Nghị quyết. Xử lý nợ xấu hiện tại gian nan hơn 4 năm trước rất nhiều”.

Cùng quan điểm, TS, Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện quản lý kinh tế trung ương, cho rằng không phải đến bây giờ chúng ta mới đề cập đến vấn đề cần phải có một văn bản pháp lý đặc thù để xử lý nợ xấu, mà nó đã được nói khá nhiều trong vài năm trước.

“Đến bây giờ chúng ta không thể trì hoãn được, phải nhanh chóng triển khai đưa vào cuộc sống. Có hai lý do cơ bản ở đây. Lý do trước hết là, dù có bước tiến, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chưa đủ thực chất, vấn đề nợ xấu còn nghiêm trọng, gây nhiều hệ lụy xấu đến nền kinh tế”, ông Thành nhấn mạnh.

Nợ xấu xử lý chậm phí tốn càng cao

Theo ông Thành, nếu nợ xấu càng xử lý chậm thì phí tổn phát sinh cang cao. Bất cứ một nước nào đều phải trả giá khi xử lý vấn đề nợ xấu và/hoặc khủng hoảng. Giá đắt hay rẻ còn tùy thuộc tính chất nghiêm trọng cũng như cách thức xử lý và nguồn lực có được của nước đó. Có thể rút ra hai bài học từ kinh nghiệm của quốc tế và của chính Việt Nam (vào những năm 1990, đầu 2000).

“Một là mặc dù nợ xấu, rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tín dụng là chuyện không thể nào tránh khỏi, luôn tồn tại song hành. Song để nợ xấu quá lớn mà thiếu hoặc không có các giải pháp xử lý thích đáng thì phí tổn phải trả là vô cùng lớn. Hai là quan hệ phí tổn và tốc độ xử lý nợ xấu; xử lý càng chậm, phí tổn cho cả nền kinh tế càng lớn”, ông Thành phân tích.

Ông Thành cho rằng, việc thông qua một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu không phải là sự ưu ái cho ngành ngân hàng, mà là sự “ưu ái” cần thiết cho cả nền kinh tế.

img

TS. Võ Trí Thành, nguyên Viện Phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: MH)

“Nguyên tắc ở đây là quyền hạn, cách làm quyết liệt hơn đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch. Quan trọng, những người gây ra tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách tường minh, chứ không có sự bao che hay dung túng bất kỳ ai ở đây”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo ông Thành, để Nghị quyết đi vào cuộc sống hiệu quả, NHNN giữ vai trò cực kỳ quan trọng với tư cách là người thực thi chính sách tiền tệ. Song điều ấy không có nghĩa chỉ là NHNN. Xử lý nợ xấu, nhất tài sản đảm bảo liên quan đến bất động sản, đất đai, thuế, phí… lại gắn thủ tục quy trình pháp lý thuộc phạm vi điều chỉnh các Luật, của nhiều Bộ ngành khác nhau.

“Như thời điểm này Bộ chính trị, Chính phủ và bây giờ là Quốc hội cũng thấy vấn đề xử lý nợ xấu cần được đẩy nhanh, triển khai quyết liệt. Với tinh thần như vậy, các bộ ngành liên quan, đặc biệt là thủ trưởng các bộ ngành, phải rất quyết liệt trong thực thi trách nhiệm đảm bảo xử lý nợ xấu một cách hiệu quả”, ông Thành bình luận. 

Bình luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu mới trình Quốc hội, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá Nghị quyết lần này đã gỡ được rất nhiều nút thắt hiện nay trong việc xử lý nợ xấu.

Thứ nhất, dự thảo nghị quyết cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường.

Thứ hai, về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, nhiều nút thắt trong luật đất đai hiện hành đã được xử lý.

Cụ thể, bên có tài sản phải có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho các TCTD để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Thêm vào đó, Nghị quyết mới đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD. Điều này giúp các TCTD rút ngắn thời giam thu hồi nợ, giảm thiểu tình trạng chây ỳ của người vay nợ.