Dân Việt

Lấp sông Hà Thanh, nông dân lao đao: Vi phạm pháp luật

Dũ Tuấn 24/05/2017 20:22 GMT+7
Chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, doanh nghiệp vẫn dùng xe tải đổ đất, đá lấp dòng chảy nhánh sông Hà Thanh (TP.Quy Nhơn, Bình Định) để thi công cầu Điện Biên Phủ khiến người dân bức xúc.

Đây là hạng mục thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài do Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - Thành An làm nhà đầu tư, Công ty TNHH Ðầu tư Phát triển Phú Hòa làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Phúc Lộc (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, trụ sở tại Ninh Bình) làm đơn vị thi công.

img

Xe tải đổ đất, đá chặn dòng nhánh sông Hà Thanh để thi công cầu Điện Biên Phủ, khiến dòng chảy bị gián đoạn. Ảnh: Dũ Tuấn

“Cầm đèn chạy trước ô tô”

Thời gian qua, đơn vị thi công cầu Điện Biên Phủ đã dùng xe tải chở đất, đá lấp dòng chảy của nhánh sông Hà Thanh khiến người dân địa phương phản ứng gay gắt.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (trú phường Đống Đa, TP.Quy Nhơn) bức xúc: “Sự việc lấp sông diễn ra hơn 1 tháng nay, người dân đứng ngồi không yên vì lo sợ. Dòng chảy của nhánh sông đang tự nhiên bỗng dưng bị lấp đi, trời mưa lớn chắc chắn sẽ gây ngập úng. Rồi ai sẽ gánh chịu hậu quả, làm gì thì làm phải nghĩ đến người dân. Chưa kể đến việc thi công xe tải chở đất đá gây bụi tứ tung, dân không biết kêu ai, oằn lưng chịu đựng”.

img

Máy múc hoạt động liên tục để ngăn dòng chảy của nhánh sông Hà Thanh. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo ông Nguyễn Đình Đàm- Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú, việc thi công cầu đường Điện Biên Phủ được triển khai từ đầu năm 2017 nhưng đơn vị thi công không thông báo thời gian cụ thể với lãnh đạo phường.

“Sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc đổ đất ngăn dòng chảy lên xuống của thủy triều, UBND phường Nhơn Phú đã kiểm tra và có làm báo cáo vào ngày 5.5 gửi lên cấp trên đề nghị xem xét, sớm giải quyết vụ việc”- ông Đàm cho hay.

Theo biên bản làm việc của đoàn kiểm tra do Sở Xây dựng Bình Định cùng các cơ quan liên quan kiểm tra thực tế (ngày 18.5) tại dự án công trình cầu Điện Biên Phủ, dòng chảy của nhánh sông Hà Thanh đã được đơn vị thi công lấp gần như toàn bộ, chỉ chừa lại 1 đoạn khoảng 5m và 2 cống đường kính 1.000mm. Nhà đầu tư đã triển khai thi công nhưng hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, biện pháp thi công lại chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chưa có ý kiến của đơn vị quản lý nhà nước.

Đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo công ty TNHH Phúc Lộc tạm dừng thi công. Trong quá trình đó đề nghị chủ đầu tư có biện pháp đảm bảo tiêu thoát lũ cho nhánh sông Hà Thanh và người dân phường Nhơn Phú phía thượng lưu, lấy nước mặn để nuôi thủy sản. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý về điều kiện khởi công xây dựng công trình, khi nào đầy đủ mới được tiếp tục thi công.

img

Dù chưa có đầy đủ các thủ tục pháp lý nhưng đơn vị thi công vẫn tự ý lấp dòng chảy của nhánh sông Hà Thanh. Ảnh: Dũ Tuấn

Ông Nguyễn Danh Dũng- Chánh văn phòng Sở Xây dựng Bình Định xác nhận, đoàn kiểm tra đã đề xuất UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo tạm dừng thi công dự án công trình cầu Điện Biên Phủ và chờ thẩm định, hoàn thiện thủ tục mới được tiếp tục thi công. Tuy nhiên, đến ngày 22.5, tỉnh Bình Định vẫn chưa có văn bản chính thức.

“Trong khi hồ sơ chưa có mà đơn vị thi công đã lấp sông là quá ẩu. Việc thi công qua mặt cơ quan chức năng như thế chắc chắn sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 10-15 triệu đồng”- ông Dũng cho hay.

Vi phạm pháp luật!

Ông Đinh Văn Kỳ- Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Lộc (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc) thừa nhận đơn vị đã đắp mặt bằng lấp dòng chảy của nhánh sông Hà Thanh để thi công cầu Điện Biên Phủ khi chưa có hồ sơ phê duyệt của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, ông Kỳ cho rằng: “Việc đắp mặt bằng thi công vẫn đảm bảo tiêu thoát nước trên sông vì đơn vị đắp theo đúng biện pháp, cao hơn mực nước thường xuyên 50cm để trường hợp có lũ sẽ tràn qua theo đúng biện pháp phê duyệt và có lắp cống thoát nước. Do đó, người dân nhìn không đảm bảo thì chỉ là cảm quan”.

img

Ông Đinh Văn Kỳ- Phó giám đốc Công ty TNHH Phúc Lộc (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc). Ảnh: Dũ Tuấn 

Trả lời câu hỏi vì sao hồ sơ thiết kế chưa được phê duyệt mà đơn vị thi công lại thi công rầm rộ, ông Kỳ lý giải: “Chủ trương chung của tỉnh cũng rất muốn đẩy nhanh dự án này, hoàn thiện tuyến đường Điện Biên Phủ để đấu nối sang tuyến đường Tây Sơn tạo cảnh quan cho thành phố. Nên song song với việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, đơn vị đã thi công một số phần hạ bộ cầu để cho chạy trước mùa mưa năm nay và hoàn thiện hạ tầng cho đẹp (?)”.

img Hồ sơ chưa được phê duyệt nhưng Công ty TNHH Phúc Lộc dùng xe tải chở đất, đá lấp dòng chảy của nhánh sông Hà Thanh để thi công cầu Điện Biên Phủ. Ảnh: Dũ Tuấn

Tuy nhiên, ông Lê Văn Lịch- Giám đốc Ban Quản lý dự án Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Bình Định (đơn vị được UBND tỉnh giao làm đại diện quản lý dự án trên) cho rằng: “Trong khi hồ sơ chưa hoàn thành mà Công ty TNHH Phúc Lộc đã tự ý đổ đất lấp nhánh sông Hà Thanh để thi công là vi phạm pháp luật. Theo quy định, khi nào nhà đầu tư có đầy đủ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công và được sự chấp thuận từ cơ quan quản lý nhà nước đại diện cho UBND tỉnh mới được thi công. Ðằng này hồ sơ chưa có mà đã đổ đất lấp sông để thi công là việc làm không thể chấp nhận được”.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên!

Yêu cầu đền bù thiệt hại cho dân

img

Thời gian qua, việc đơn vị thi công cầu Điện Biên Phủ và cầu Hoa Lư đổ đất lấp dòng chảy của sông Hà Thanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân nuôi trồng thủy sản tại địa phương (Báo Điện tử Dân Việt đã phản ánh). Đến nay, tại khu vực 6 (phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn) có đến 9,5ha/10 hộ nuôi trồng thủy sản không thể nuôi trồng vì độ mặn của nước không đảm bảo.

Bà Hồ Thị Nữ- cán bộ Khuyến ngư phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) cho hay: “Việc đơn vị thi công cầu Hoa Lư và cầu Ðiện Biên Phủ đổ đất, cát chặn dòng sông Hà Thanh làm thay đổi nguồn nước gây thiệt hại cho bà con nuôi trồng thủy sản là vấn đề cần được các đơn vị liên quan của tỉnh vào cuộc kiểm tra, đánh giá. Ðơn vị nào làm sai, làm ảnh hưởng đến dân thì phải đứng ra đền bù hoặc hỗ trợ cho bà con, tạo điều kiện cho dân tái sản xuất, ổn định cuộc sống”.