Dân Việt

Giá nông sản 24.5: Cà phê giảm giá sốc, tiêu không có hi vọng tăng đột biến

Minh Huệ 24/05/2017 03:07 GMT+7
Trong ngày hôm qua 23.5, thị trường cà phê trong nước ghi nhận phiên giảm giá "sốc" khi giá cà phê nhân xô giảm tới 1.200 đồng/kg. Có thể nói đây là phiên có mức giảm cao nhất từ đầu năm đến nay và dự báo thị trường cà phê hôm nay rất khó tăng trở lại. Trong khi đó, giá hồ tiêu vẫn đang giao dịch ở mức thấp, từ 81.000 - 82.000 đồng/kg.

img

Cà phê Robusta (cà phê vối) chứa hàm lượng cafein cao hơn so với cà phê Arabica. Ảnh minh hoạ

Giá cà phê giảm mạnh vì dự báo nguồn cung từ Brazil

Trong ngày 23.5, hầu hết các thị trường và nhà buôn cà phê đều bị "sốc" trước thông tin về nguồn cung cà phê từ Brazil - cường quốc cà phê hàng đầu thế giới. Theo đó, giá cà phê đã giảm mạnh trên sàn Robusta London khi Coffee Network dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng, vụ 2017/2018 Brazil sẽ có khoảng 40,5 triệu bao Arbica và 11,6 triệu bao Robusta. Cộng với tồn kho đầu kỳ là 5,4 triệu bao, tổng lượng cà phê Brazil trong niên vụ bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 6 năm sau là 57,5 triệu bao. 

Thêm vào đó, lượng tồn kho tại các nước nhập khẩu cũng tăng. Dù ngày trước đó Rabobank vẫn khẳng định theo nguồn của Cơ quan quản lý cao su Brazil - Conab là nguồn cung cà phê của Brazil chỉ tầm khoảng 45,6 triệu bao và quan trọng nhất là các thương nhân gần như chấp nhận con số dự báo 51,460 triệu bao (cao nhất là 52,357 triệu bao và thấp nhất là 50,646 triệu bao)...

Sàn giao dịch Robusta đã phản ứng rất mạnh với thông tin này. Cụ thể, giá cà phê kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 52 USD, xuống 1.925 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 54 USD, còn 1.944 USD/tấn, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.

img

Biểu đồ giá kỳ hạn tháng 7 sàn London cuối phiên 22/05/2017. Nguồn: giacaphe.com

Tong khi đó, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng đảo chiều, giảm cùng với sàn London. Kỳ hạn giao tháng 7 giảm 1,5 cent, xuống 130,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 1,55 cent, còn 132,95 cent/lb. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. 

Ở trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 23.5 giảm sâu 1.200 đồng, xuống dao động ở 41.800 – 42.300 đồng/kg.

Thị trường Giá Thay đổi
FOB (TP.HCM) 1,855 USD -70 trừ lùi
Đăk Lăk 42,300 -1,200
Lâm Đồng 41,800 -1,200
Gia Lai 42,300 -1,200
Đăk Nông 42,200 -1,200

Nguồn: giacaphe.com

Trong khi dự báo nguồn cung cà phê ở Brazil tăng thì dự báo nguồn cung ở một số nước giảm. Colombia – nước trồng cà phê arabica chất lượng cao hàng đầu thế giới bị khan hiếm nguồn cung do cuộc đình công tại cảng Buenaventura gây trì hoãn xuất khẩu tại thời điểm mưa lớn làm chậm lại việc thu hoạch. Bộ trưởng tài chính Mauricio Cardenas cho biết, Colombia đã dự kiến sản xuất tăng lên 15 triệu bao cà phê (loại 60kg) trong năm tới, từ 14,7 triệu bao năm nay.

Sản lượng cà phê vụ 2017/18 của Guatemala được dự báo ở mức 3,1 triệu bao (loại 60kg), giảm khoảng 3% mỗi năm do diện tích cây trồng giảm năm thứ ba liên tiếp. Guatemala được dự báo xuất khẩu 2,8 triệu bao trong năm 2018, giảm 4% so với ước tính đã sửa đổi trong năm 2017 do giảm diện tích trồng. Mỹ, Nhật và Canada vẫn tiếp tục là những thị trường xuất khẩu hàng đầu.

Giá tiêu không có hi vọng tăng đột biến?

Trên thị trường hồ tiêu, giá tiêu nguyên liệu tại Đăk Nông và Đồng Nai tiếp tục giảm nhẹ 1.000 đồng/kg trong ngày 23.5. Tại các tỉnh còn lại, giá tiêu thu mua không đổi so với ngày 22.5. Cụ thể, giá tiêu tại Đăk Lăk, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng ở mức 82.000 đồng/kg; giá tiêu tại Gia Lai, Đăk Nông, Đồng Nai cùng ở mức 81.000 đồng/kg. 

Mức giá trên đã tăng nhẹ so với thời điểm cuối tuần trước, nhưng so với hồi đầu tháng 5.2017 thì giá hồ tiêu trong nước đã giảm tới 20.000 đồng/kg, và giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2016 (dao động trong khoảng 180.000 đồng/kg).

img

Giá hồ tiêu tham khảo tại thị trường trong nước ngày 23.5. Nguồn: tintaynguyen.com

Không chỉ vậy, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam cũng liên tục giảm trong những tháng qua. Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, nếu như trong tháng 3 giá bình quân giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam là 5.881 USD/tấn, thì sang tháng 4 giảm xuống còn 5.672 USD/tấn, và nửa đầu tháng 5 đã giảm xuống còn 5.376 USD/tấn. So với giá xuất khẩu bình quân của cả năm ngoái là 8.034 USD/tấn, thì rõ ràng giá tiêu xuất khẩu hiện nay đã giảm quá nhiều.

Theo nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá tiêu xuất khẩu giảm do sản lượng tiêu tăng mạnh trên toàn cầu. Ngoài Việt Nam tăng sản lượng tới 30.000 tấn, một số nước sản xuất tiêu lớn cũng tăng mạnh sản lượng. Ở Ấn Độ, ước tính sản lượng tiêu năm 2017 tăng khoảng 3.000 tấn so với năm 2016. Brazil cũng tăng sản lượng thêm khoảng 10.000 tấn. Campuchia năm nay dự kiến cung ứng vào thị trường thế giới khoảng 10.000 tấn.

Cũng theo VPA, tháng 5 - 6 là thời điểm các nước giảm giao dịch hạt tiêu, nhất là các nước Hồi giáo do vào tháng Ramadan (tháng ăn kiêng), do vậy lượng hồ tiêu xuất khẩu vào các thị trường này sẽ giảm. Điều này sẽ tác động thêm vào giá tiêu trong nước, khiến cho giá tiêu khó có khả năng bật dậy trong quý 2.

Bà Nguyễn Mai Oanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VPA cho rằng, mặc dù nông dân trồng hồ tiêu chưa bị lỗ từ việc giá tiêu giảm mạnh, song bà con không nên mở rộng diện tích trồng tiêu nữa, khi diện tích tiêu hiện nay đã vượt quy hoạch quá xa. Giá tiêu cũng sẽ khó có cơ hội trở lại ở mức cao như thời kỳ 2014/2015 và sẽ còn những biến động khó dự đoán. Theo bà Oanh, ít nhất cũng phải tới tháng 9 mới có thể đưa ra cái nhìn rõ hơn về thị trường cà phê năm nay, bởi tháng 7-8 Indonesia, Trung Quốc mới bắt đầu thu hoạch hồ tiêu.