Tuy nhiên, trong dự án phát triển Khu đô thị - công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, xã Dương Quan đã sử dụng phương pháp dân vận khéo và kết quả là đã hoàn thành tốt công tác GPMB để bàn giao cho dự án.
Trong khoảng thời gian năm 2008-2009, xã Dương Quan có 363 hộ dân bị thu hồi trên diện tích khoảng 52ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản để phục vụ cho dự án phát triển Khu đô thị - công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng giai đoạn I. Tại giai đoạn này, xã đã bàn giao đủ số diện tích mặt bằng để nhà đầu tư kịp khởi công dự án. Điều này đã tác động mạnh và tạo ra sự chuyển biến tích cực về công tác GPMB của hàng chục dự án đầu tư phát triển trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên nói riêng và Hải Phòng nói chung.
Phối cảnh Khu đô thị - công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng. |
Khu đất được chọn xây dựng Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ VSIP Hải Phòng thuộc diện "bờ xôi ruộng mật", người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích đất trồng lúa cũng như đời sống người nông dân địa phương. Đây chính là những day dứt, lo lắng thường trực không chỉ của bà con nông dân và cấp uỷ, chính quyền xã Dương Quan mà còn của lãnh đạo huyện Thuỷ Nguyên.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2011, cơ quan chức năng lại tiếp tục triển khai, tiến hành kiểm kê và đền bù gần 90ha đất với 588 hộ để phục vụ công tác GPMB giai đoạn 2 của dự án trên địa bàn xã. Kết quả tại giai đoạn này, xã cũng đã bàn giao mặt bằng với 100% số hộ đã nhận tiền đền bù.
Sở dĩ có được thành công kể trên là do địa phương thực hiện tốt công tác “dân vận”. Sau khi được biết có dự án đầu tư vào địa phương, xã Dương Quan tổ chức họp dân thông báo chủ trương của thành phố về quy hoạch xây dựng "Khu đô thị - công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng", kế hoạch giải toả, phương hướng đền bù đến từng người dân. Ai chưa thông, chưa hiểu được quyền kiến nghị. Hầu hết cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị của địa phương và anh chị em cán bộ, đảng viên là người xã Dương Quan đang công tác, học tập ở huyện, thành phố đều vì sự đổi thay của quê hương mà nỗ lực ủng hộ dự án bằng cách tuyên truyền vận động, thuyết phục từ người thân.
Thời điểm xã Dương Quan thực hiện công tác GPMB, trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên nói riêng và TP.Hải Phòng nói chung đang khá nóng về tình trạng nhiều người dân sau nhiều đời làm nghề nông giờ bị mất đất nên không đủ sức để chuyển đổi công việc khác dẫn đến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Nắm bắt được tình hình này, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, Ban GPMB huyện, Tổ công tác kiểm kê lập phương án bồi thường huyện cùng với UBND xã tiến hành các bước như: Tổ chức họp với các hộ dân có đất nằm trong vùng quy hoạch dự án; thông báo công khai cho mọi người biết lý do thu hồi đất, mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư, biện pháp chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm; thời gian bàn giao đất thu hồi…
Cùng với đó là việc niêm yết công khai chủ trương, quyết định của UBND thành phố, kế hoạch của UBND huyện và các văn bản có liên quan về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ tại trụ sở UBND xã và nhà của các trưởng thôn, Ban giải phóng mặt bằng còn phát bản tự khai đến từng hộ dân.
Theo ông Trần Bá Bính - Chủ tịch UBND xã Dương Quan: Sở dĩ việc bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, đạt 100% hộ dân nhận tiền đền bù là nhờ có cơ chế, chính sách hợp lòng dân và lãnh đạo địa phương thực hiện tốt khẩu hiệu “sai đâu, sửa đó”, bảo đảm điều kiện cho nhân dân khi bị thu hồi đất và an sinh xã hội, không buông lỏng công tác kiểm tra giám sát, phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu nên người dân sẵn sàng giao đất cho dự án.
Phương An