Dân Việt

Ông Nguyễn Văn Bình: Cán bộ ngân hàng có đi tù thì nợ xấu vẫn là nợ xấu

Trần Giang 26/05/2017 18:21 GMT+7
Tại phiên thảo luận tổ về Nghị quyết xử lý nợ xấu chiều nay, đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng: Giả sử có người đi vay móc ngoặc với ngân hàng để vay một khoản, cuối cùng cán bộ ngân hàng đi tù, ông đi vay cũng đi tù, tài sản cũng thu hết, nhưng khoản nợ đó vẫn là nợ xấu.

Theo ông Bình trách nhiệm của cơ quan liên quan đến nợ xấu phải xử lý nghiêm theo pháp luật, không phải có Nghị quyết xử lý nợ xấu mà các ông kia thoát tội.

“Nhưng dù ông đó có đi tù, dù chúng ta đã xử lý hết các vấn đề thì còn lại vẫn là nợ xấu và vấn đề xử lý ở đây là xử lý nợ xấu. Nghị quyết này không bao che cho những ông làm ăn sai trái”, đại biểu Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Bình cho biết thêm: Các tổ chức tín dụng phải dùng bằng lợi nhuận của mình để trích lập dự phòng rủi ro cho đến khi đủ xử lý hết khoản nợ xấu.

img

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương (Ảnh: Đàm Duy)

Liên quan đến nội dung trong Nghị quyết xử lý nợ xấu có nội dung đề nghị bán đầu giá tài sản thấp hơn so với giá trị ghi nợ, đại biểu Nguyễn Văn Bình cho biết, với những khoản nợ xấu, ngân hàng đã phải trích lập dự phòng rủi ro lên đến 80% từ lợi nhuận của mình, tương đương 80 tỷ đồng cho khoản vay 100 tỷ đồng.

“Giờ đây với tài sản đảm bảo kia chỉ cần bán được 20 tỷ đồng là hòa vốn, nếu bán được 50 tỷ đồng thì họ đã đưa được vào lợi nhuận 30 tỷ đồng; nên họ sẵn sàng bán giá thấp và điều này không ảnh hưởng gì đến họ cả, chứ không phải bán thấp như vậy là ăn hụt vào tiền của dân”, ông Bình phân tích thêm.

Thậm chí tài sản 100 tỷ đồng, nợ lại 100 tỷ đồng, nếu có khách hàng trả 80 tỷ đồng, nếu bình thường ta tính là bị lỗ 20 tỷ đồng. “Nhưng ở đây phải nghĩ, nếu không bán cho khách hàng này thì không thu được 80 tỷ đồng là rõ rồi, nhưng quan trọng hơn là sẽ không bán được cho ai khác, 5 hay 10 năm sau cũng không bán được. Vây thì tốt nhất nên bán để thu 80 tỷ đồng, còn thiếu hụt 20 tỷ đồng sẽ trích lập dự phòng ở các năm sau”, đại biểu Nguyễn Văn Bình phân tích.

Nói thêm về việc bán nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách, ông Bình cho biết bán 1 tài sản trong ngân hàng không dễ, cũng phải thông quan quy trình đầy đủ, đấu giá theo giá thị trường, chứ không thể nói muốn bán kiểu nào cũng được, sau này còn các cơ quan thanh tra xuống.

“Ở đây phải nói thêm 1 điều nữa, đó là vai trò của VAMC rất quan trọng. Ví dụ, tôi biết tài sản này lúc bình thường có giá là 100 đồng, nhưng như người ta nói “một miếng khi đói bằng 1 gói khi no” thế nhưng lúc này ngân hàng cần thanh khoản nên sẵn sàng bán 20 đồng. Nếu VAMC sẵn sàng mua vào luôn 20 đồng và biết là sau sẽ bán được hơn 20 đồng thậm chí là 100 đồng, chỗ này chính là đảm bảo quyền lợi của nhà nước của xã hội”, đại biểu Nguyễn Văn Bình phân tích thêm.

Đại biểu Bình dẫn ví dụ có tổ chức nước ngoài vào sẵn sàng bỏ 10 tỷ USD để mua toàn bộ nợ xấu của Việt Nam. Ở đây có 2 khả năng, một là mua luôn như thế, sau này lời thì hưởng lỗ thì chịu. Nhưng người mua chỉ có một đề nghị những tài sản của ông phải hợp thức giấy tờ bởi vì doanh nghiệp của ta nhiều khi giấy tờ không rõ ràng.

“Việc không bán được tài sản một phần vướng mắc do giấy tờ như thế. Vai trò VAMC chính là   cầm cân này mực, tạo sự thông thoáng cho thị trường. Thứ hai giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại của Nhà nước, của người dân với các khoản tiền đó”, đại biểu Bình phân tích thêm.