Tại sự kiện “Vietnam Game Summit 2017” vừa tổ chức tại Đà Nẵng, ông Lê Hồng Minh, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VNG đặt câu hỏi với giới làm game và kinh doanh game: “Mười năm nữa, chúng ta có thể xuất khẩu được 1 tỉ USD hay không?” Cử toạ ồ lên. Ông Minh đưa ra con số như để thuyết phục người nghe: “Doanh thu của các game studio (trung tâm sản xuất game) Việt Nam đến từ Google Play, Apple Store… trong năm 2017 khoảng 80 triệu USD”.
Phải biết… lãng mạn!
“Những ai muốn làm game, muốn gắn bó lâu dài với game, phải biết liều mạng, mà theo cách những anh em làm game ở VNG hay nói đó chính là sự… lãng mạn”, ông Minh nói. Vị tổng giám đốc VNG đặt thêm câu hỏi với những người làm game, kinh doanh game có mặt tại sự kiện này: “Bao nhiêu người làm game đủ đam mê với trò chơi này sẽ chấp nhận tất cả những thất bại, sẽ học tất cả các bài học trong năm năm, mười năm để cuối cùng làm được một sản phẩm game tầm thế giới?”.
Trung tâm sản xuất game của VNG.
Một câu hỏi khó mà có lẽ chính ông Minh cũng chưa tìm ra được câu trả lời thoả đáng trong tình cảnh hiện tại về cuộc sống, hệ thống pháp lý… của những người làm game Việt. Nói thêm với giới làm game, ông Minh đã ví von giữa công việc làm game với cuộc thi Ironman đã 4 lần tổ chức tại Đà Nẵng: “Game là sân chơi của giới trẻ. Ironman cũng là sân chơi của giới trẻ. Các bạn hãy làm game như khi tham gia Ironman để biết những vất vả của nó, nhưng cũng chứa nhiều điều thú vị”.
Về doanh số xuất khẩu 1 tỉ USD vào năm 2027, đó cũng là một mục tiêu lãng mạn mà ông Minh đặt ra cho chính VNG cũng như nhiều nhà sản xuất game Việt khác phải tìm cách để đạt được. “Không có cơ sở nào để xác định con số đó vì tôi là doanh nghiệp, không phải là nhà quản lý. Việc cùng nhau xác định mục tiêu như vậy, nếu dám suy nghĩ về những mục tiêu rất xa, rất điên rồ, lúc đó sẽ có những câu hỏi đủ sâu để suy nghĩ, để làm nhằm đạt được khát vọng lãng mạn đó”, ông Minh cười.
Vượt qua những rào cản
Để về đích trong cuộc thi Ironman, người tham gia phải bơi, đạp xe và chạy bộ. Với những người làm game Việt cũng vậy, phải vượt qua các “vòng thi”, từ khâu viết kịch bản, đồ hoạ, sản xuất, tiếp thị sản phẩm đến tận tay game thủ và phải bán hàng cho bằng được. Ông Minh đã nhiều lần đăng đàn nói về thất bại của VNG trong lĩnh vực sản xuất game, như là bài học cho doanh nghiệp của ông và giới làm game Việt. Theo lời ông Minh, có một game online của VNG đã được đầu tư trong bốn năm với kịch bản, đồ hoạ hoàn chỉnh. Ngân sách quảng bá rầm rộ, thậm chí mời cả hoa hậu Việt Nam làm gương mặt đại diện. Vậy mà khi phát hành game này thì lại “thất bại thảm hại vì người dùng không chơi”. Khi khách hàng không chơi, theo ông Minh không phải là do nội dung dở mà là sản phẩm không hấp dẫn, không có tính sáng tạo…
Rào cản mà nhiều nhà làm game Việt đang trăn trở chính là nguồn nhân lực. Câu chuyện này được nói đi nói lại trong những kỳ đại hội của giới làm game, nhưng đến nay vẫn còn “nóng”. Ông Đinh Viết Phong, giám đốc trung tâm Game di động (VTC Intecom) cho rằng, hiện nay giới làm game Việt “rất tài tử”, tìm người từ các trường đại học hoặc cao đẳng, vừa làm vừa học, có những lĩnh vực như phân tích game hiện kiếm không ra người. “Nhiều trung tâm như NIIT, FPT đã có đào tạo về ngành game nhưng chất lượng nhân lực chưa cao. Vậy bao giờ có trường đào tạo chuyên nghiệp về game để nguồn lực chuyên nghiệp hơn?”, ông Phong tiếp tục câu chuyện về đào tạo nhân lực.
Làm game đã không bằng ai, nhưng khi đã có game rồi, lại “không biết đưa game ra chợ”. Ông Nguyễn Minh Quang (Apota) nói rằng, bốn năm kinh doanh game tại thị trường Việt Nam và cách đây hai năm phát hành game Việt ra thị trường các quốc gia Đông Nam Á, nhưng “thành công thì ít mà bài học đau thương thì nhiều”. Ông Phong của VTC Game thừa nhận tình cảnh của mình tương tự như Apota. Ông Minh tiết lộ, có nhiều bạn trẻ làm game rất hay, “ngang cơ thậm chí là hơn Flappy Bird” của Nguyễn Hà Đông, nhưng vì không biết cách kinh doanh mà những game đó “chết yểu” hoặc bán không được giá! Sơn, một nhà sản xuất mobile game, cho rằng, vừa làm vừa phát hành rất “khó nuốt” vì phải tích cực tiếp thị do nhiều sản phẩm xuất hiện cùng lúc… Nhưng chọn nhà phát hành chuyên nghiệp cũng “khó gặm”, vì nhà phát hành muốn thấy ngay kết quả trong bối cảnh thị trường quá nhiều sản phẩm mới, còn người chơi lại nhảy game liên tục. “Muốn kiếm thêm tiền cho game Việt, một sản phẩm phải tìm cách phân phối ở nhiều thị trường khác nhau”, Sơn nói.
Yếu tố sáng tạo cũng là điểm yếu của những người làm game Việt từ nhiều năm nay. Có những sản phẩm game, người chơi chỉ cần nhìn qua là biết “copy” từ đâu huống hồ dân trong nghề. Ông Minh nói rằng, có lần bản phác thảo đồ hoạ của VNG đã bị các đối tác Nhật Bản trả lại với tỷ lệ trên 50%, vì họ biết những chi tiết trong bản phác thảo đó được “truy xuất” từ đâu!
Chưa có thống kê về số lượng người làm game tại Việt Nam. Có nguồn tin nói rằng, hiện nay có vài ngàn người làm game, nhưng để có game “tầm cỡ quốc tế” chỉ tính trên hai bàn tay. Ông Nguyễn Quang Thanh, giám đốc sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng, xác nhận, Nhà nước chỉ nói chung chung, còn cụ thể cho lĩnh vực game thì chưa. Ông Thanh đề nghị FPT đào tạo người làm game theo giáo án riêng để có nguồn nhân lực giỏi.
Xem ra, để hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỉ USD/năm, người làm game và kinh doanh game tại Việt Nam phải chạy đua… marathon. Còn theo cách nói của ông Minh, “phải yêu nhiều lắm, phải chấp nhận hy sinh nhiều lắm, kể cả những lời thị phi”.