Trước những thông tin không chính thức về việc người dân xã Hà Mãn đang muốn bán cây sưa đỏ hơn 400 tuổi, phóng viên đã tìm về tận thôn và trực tiếp hỏi bà con tại đây.
Cây sưa hơn 400 tuổi nằm trong khuôn viên di tích lịch sử được xếp hạng
Nhưng kì lạ thay, không giống như lời một cán bộ xã phát biểu trên báo, phóng viên đã đi tìm hiểu khá nhiều người trong thôn, nhưng đều nhận được cùng câu trả lời là họ nhất quyết không bán.
Người dân trong thôn còn cho biết, mọi tin đồn về việc bán cây sưa đỏ còn lại đều là sai sự thật. Vì cây sưa hơn 400 tuổi này nằm trong quần thể di tích văn hóa đã được xếp hạng và bà con trong thôn đều đồng lòng không bán.
Cổng vào đình Đông Cốc
Người dân còn cho biết, cách đây 1 thời gian, việc bán cây sưa hơn 200 tuổi cũng đã gây rất nhiều tranh cãi, uẩn khúc. Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Khuyến, một người dân thôn Đông Cốc, "đã từng có người đến trả giá cây sưa 200 tuổi lên tới 50 tỷ đồng, nhưng người dân không phải là người đứng ra chịu trách nhiệm mua bán mà do UBND Tỉnh Bắc Ninh có văn bản giao cho UBND huyện và xã hướng dẫn cho nhân dân xã Đông Cốc.”
Người dân cũng không biết chính xác cây sưa bao nhiêu tuổi
“Lạ thay cây sưa đã bị âm thầm đem đi đấu giá rồi về báo với dân làng là bán 24,5 tỷ đồng. Sau đó, rất nhiều cuộc họp mở ra, nhưng người dân trong thôn vẫn kiên quyết không bán với giá đó, bởi nó quá thấp so với giá trị của cây mà nhiều người đã trả giá, các cuộc họp đều có biên bản ghi lại”, ông Khuyến cho biết thêm.
Ông còn kể: “Mãi cho đến ngày 28 Tết âm lịch năm ngoái, sau nhiều ngày họp dân và xin chữ kí của dân về việc đồng ý bán cây với giá đó không thành, thì một hình thức khác được đưa ra lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để nhằm lấy được chữ kí. Đó là, chuyển sang hình thức “hỗ trợ và phát triển sản xuất nông nghiệp”, mỗi khẩu trong thôn sẽ nhận được 10 triệu đồng và người dân phải kí vào 1 biên bản nhận tiền. Nhưng người dân thôn Đông Cốc không biết được đó chính là kí vào biên bản đồng ý bán cây sưa đỏ 200 tuổi với giá 24,5 tỷ đồng”, ông Khuyến nói.
Thân cây sưa đỏ quý hiếm
Giống ông Khuyến, ông Phạm Minh Hải, là một người dân thôn Đông Cốc cũng là một người đấu tranh mạnh mẽ để tìm ra sự thật sau vụ việc này cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang nộp đơn tố cáo công ty cho đấu giá bán cây sưa này lên Công an do chúng tôi nghi ngờ đã có sai phạm trong quá trình đấu giá.”
“Sau khi bán xong, người dân trong thôn Đông Cốc mới được thông báo thì sự cũng đã rồi. Trong việc mua bán này có quá nhiều uẩn khúc và khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng thì lại mang danh nghĩa là người dân làng Đông Cốc bán cây. Nhưng thực tình không phải vậy, cây bị bán bao nhiêu, bán như thế nào người dân đều không được biết”, ông Hải nói.
Khi phóng viên có mặt tại đây, thì gần như ngay lập tức đã có một số người xuất hiện tra hỏi và nói rằng, cây sưa đỏ hơn 200 tuổi bị bán là do vướng cổng, vướng đường điện và bị chết nên phải bán. Nhưng khi được hỏi những người dân khác trong thôn thì tình trạng cây vấn sống tốt và khỏe mạnh.