Giá vàng hôm nay 29.5: Cả chuyên gia và nhà đầu tư nhận định tăng mạnh? (Ảnh IT)
Chốt phiên giao dịch ngày 28.5, giá vàng thế giới tiếp tục niêm yết ở mốc đỉnh của 3 tuần, trong khi giá vàng trong nước cũng tăng 20.000 đồng/lượng. Dù giá vàng trong nước giảm ở các phiên đầu tuần nhưng lại hồi phục ở các phiên cuối tuần, tính chung cả tuần vẫn tăng 150.000 đồng/lượng.
Cụ thể: giá vàng SJC 1kg của Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 36,380 – 36,600 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng so với chốt phiên của ngày hôm trước.
Còn giá vàng miếng SJC của Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tại khu vực thị trường Hà Nội, được niêm yết ở mức 36,400 (mua vào) – 36,600 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch của ngày hôm trước.
Trong khi đó, giá vàng của Tập đoàn Doji lẻ tại khu vực Hà Nội niêm yết ở mức giá 36,460 – 36,540 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng mạnh thêm 10.000 đồng/lượng so với chốt phiên của ngày hôm trước.
Giá vàng Rồng Thăng Long 999,9 (24k) của Bảo Tín Minh Châu cũng tăng mạnh thêm 10.000 đồng so với chốt phiên ngày hôm trước, niêm yết ở mức 34,540 – 34,990 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao theo hợp đồng bán buôn trong phiên giao dịch đêm 28.5 (giờ Việt Nam) giữ nguyên mốc giao dịch so với chốt phiên giao dịch ngày hôm trước, niêm yết ở mốc 1.267, 25 USD/oz.
Trong tuần qua giá vàng thế giới điều chỉnh tăng giảm đan xen và chịu chi phối bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất trong tháng 6. Tuy nhiên tại biên bản cuộc họp đầu tháng Năm của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, cho thấy các nhà hoạch định chính sách nhất trí không thắt chặt tín dụng cho tới khi họ thấy được các bằng chứng cho thấy đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ vừa qua chỉ là tạm thời.
Giới giao dịch cho rằng có 83% khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong tháng Sáu và 46% khả năng ngân hàng này sẽ tiến hành hai lần tăng lãi suất nữa vào cuối năm. Triển vọng FED nâng lãi suất luôn là một yếu tố chính giữ giá vàng ở dưới mức kháng cự 1.300 USD/ounce trong năm nay.
Nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng mạnh trong những phiên gần đây là do sự kiện Brexit tại Anh đang dấy lên những lo ngại bất ổn kinh tế chính trị tại EU khi tiến trình đàm phán bắt đầu. Cùng với đó, là những bất ổn trong chính sách điều hành của Chính phủ Mỹ khiến nhà đầu tư không tin tưởng vào những hứa hẹn cắt giảm thuế của ông Trump.
Bên cạnh đồng USD thấp, hiện nay giá dầu tăng trong bối cảnh bất ổn chính trị chưa có dấu hiệu giảm tại Mỹ và một số nước trên thế giới cũng tạo áp lực lên giá vàng. Đồng bạc xanh phiên vừa qua lại mất giá và tính từ tuần trước đến nay đã mất 2,2%
Tại Mỹ, phiên điều trần công khai đối với ông Comey-cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey dự kiến sẽ được tổ chức sau ngày 29.5 trong phạm vi cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Cùng với đó những vụ thử tên lửa liên tiếp tại Triều Tiên cũng là yếu tố hỗ trợ giá vàng trong những phiên tới.
Hôm thứ Năm, số liệu thất nghiệp cho thấy thị trường lao động Mỹ đang tích cực 8 năm sau khi kinh tế phục hồi, đồng thời làm tăng kỳ vọng FED sẽ nâng lãi suất gần nhất vào tháng Sáu.
Khảo sát tuần này của Kitco cho thấy, có tới 72% chuyên gia nhận định giá vàng tăng, chỉ 6% dự đoán giá giảm và có 22% nhà phân tích giữ quan điểm trung lập.
Còn đối với giới đầu tư, cũng có tới 62% nhà đầu tư nhận định giá vàng tăng mạnh tuần tới, chỉ 28% cho rằng giá giảm và 10% cho rằng giá đi ngang.