Bao Chửng - Công tử danh gia vọng tộc luôn tận hiếu với cha mẹ
Bao Công tên thật là Bao Chửng sinh ngày 11.4.999, mất ngày 20.5.1062, tự là Hy Nhân.
Ngoài ra, ông còn được gọi là Bao Thanh Thiên, Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, Bao Học Sĩ hay Bao Long Đồ. Ông nổi tiếng là một vị quan "thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình" dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022-1063).
Bao Chửng sinh ra dưới vương triều Đại Tống, trong một gia đình danh gia vọng tộc họ Bao ở Hợp Phì, An Huy, Trung Quốc. Lúc chào đời, ông không phải là một “quái thai dị dạng”, cũng không có anh trai hay chị dâu, càng không tồn tại một thời niên thiếu khó khăn, vất vả.
Cha ông là Bao Nghi, từng giữ chức đại phu trong triều. Sau khi qua đời, Bao Nghi được phong Hình bộ thị lang.
Theo trang mạng WangYi, ông là con một trong một gia đình phú quý, được cha mẹ vô cùng nâng niu. Thuở thiếu thời, Bao Công sống hạnh phúc trong nhung lụa.
Chân dung Bao Chửng
Lúc nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, đôn hậu, sống mực thước. Năm 1027, ông thi đậu tiến sĩ, được cử đến nhậm chức Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây), nhưng vì song thân già yếu, ông không nỡ làm quan xa nên xin khoan nhận việc, để ở nhà chăm sóc cho cha mẹ.
Quãng thời gian quanh quẩn bên gia đình ấy kéo dài hơn 10 năm. Ngay cả khi song thân đã qua đời, ông vẫn dành 5 năm chỉ để chịu tang và chăm sóc mộ phần cha mẹ.
Sau khi cha mẹ qua đời, ông mới đi nhậm chức Tri huyện Thiên Trường (nay thuộc tỉnh An Huy), sau đó là Tri phủ Đoan Châu (nay thuộc TP. Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông).
Dưới triều Tống, cả người dân và triều đình đều vô cùng coi trọng chữ “hiếu”. Đảm nhiệm một chức quan, được xếp vào hàng ngũ những người có phẩm đức và tiếng tăm trong xã hội, nếu vì tham chức quyền mà bỏ mặc song thân, sẽ bị người đời tẩy chay.
Theo luật lệ và lễ nghi thời Bắc Tống, bất luận là làm đến chức quan nào trong xã hội, khi phụ mẫu qua đời phải chịu tang 3 năm.
Chính vì vậy, việc Bao Công dành suốt những tháng năm tuổi trẻ của mình để báo hiếu cha mẹ, đã đáp ứng tốt những quan niệm đạo đức, lý luận xã hội Nho giáo đương thời.
Nghe tiếng Bao Công tận tụy và thanh liêm, nhà vua cho triệu ông về kinh giao cho chức Trung thừa, rồi lần lượt thăng các chức Giám sát ngự sử, Trực học sĩ Long đồ các, Tam tư Hộ bộ Phó sử, đến Thiên Chương các Thị chế (nên người đời sau còn gọi ông là Bao Thị Chế).
Năm 1062, ông lâm bệnh mất ở nơi làm việc, hưởng thọ 64 tuổi, điều đáng nói ở đây, là thời gian từ lúc lâm bệnh cho đến khi mất chỉ có 13 ngày, nên người ta nghi ngờ rằng ông mất một phần do thuốc của hoàng đế ban cho, do lúc sinh thời Bao Chửng từng xử những vụ án vạch mặt bọn thái y, nên bị bọn chúng căm ghét (từ lúc uống thuốc đến khi phát bệnh mất chỉ là 9 ngày). Hoàng đế Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, phong cho Bao Công là Lại bộ Thượng thư, ban cho thụy hiệu "Hiếu Túc", có nghĩa là hiếu đạo và thiết diện vô tư và còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cửu ông về mai táng ở quê nhà ông.