Giá cà phê liên tục biến động mạnh
Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, mặc dù trong tuần vừa qua giá cà phê liên tục biến động mạnh, với một số phiên giảm sâu, song tính chung cả tuần và cả tháng 5.2017, giá cà phê vẫn tăng theo xu hướng tăng của thị trường cà phê thế giới. Cụ thể, so với cuối tháng 4.2017, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đã tăng 900 đồng/kg lên mức 43.200 – 43.700 đồng/kg.
Trong ngày 27.5, giá cà phê robusta loại 2, 5% hạt đen và vỡ tại cảng TP.HCM (FOB) được chào bán ở mức cộng 30 - 40 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE London, một tuần trước đó mức cộng là 20 - 40 USD/tấn. Mặc dù tăng giá, song giao dịch cà phê tại thị trường Việt Nam trong tháng qua vẫn tiếp tục trầm lắng.
Cũng theo ước tính của Bộ NNPTNT, xuất khẩu cà phê tháng 5.2017 ước đạt 105 nghìn tấn với giá trị đạt 233 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 693 nghìn tấn và 1,57 tỷ USD, giảm 15,9% về khối lượng nhưng tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2017 đạt 2.267 USD/tấn, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 16,9% và 15,4%.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh là: Bỉ (46,6%), Hoa Kỳ (42,5%), Angieri (38,8%), Đức (29,1%), Italia (26%), Nhật Bản (21,8%) và Tây Ban Nha (11,7%).
Diễn biến giá cà phê Tây Nguyên tuần tư 22.5 - 27.5. Nguồn: Vinanet
Giá hồ tiêu chạm đáy trong vòng 6 năm
Theo thông tin mới đây của Bộ NNPTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 5.2017 ước đạt 22 nghìn tấn, với giá trị đạt 119 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 99 nghìn tấn và 586 triệu USD, tăng 9,9% về khối lượng nhưng giảm 18,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2017 đạt 6.106 USD/tấn, giảm tới 24,7% so với cùng kỳ năm 2016. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2017 là Hoa Kỳ, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Pakistan, Ấn Độ và Đức với 40,1% thị phần.
Nông dân chăm sóc hồ tiêu trong bối cảnh giá tiêu liên tục lao dốc, khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Đáng chú ý là trong xu thế giảm giá của thị trường thế giới, giá hạt tiêu tại Việt Nam cũng đang giảm mạnh ở các vùng nguyên liệu lớn, thậm chí có thời điểm chỉ còn dưới 80.000 đồng/kg - mức giá này chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2016 và là mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua.
Bộ NNPTNT lý giải giá hồ tiêu chạm đáy là do nhu cầu thu mua của các thương lái, nhà buôn giảm, kèm theo việc gia tăng diện tích trong những năm qua khiến sản lượng hồ tiêu của Việt Nam tăng tương đối khá, đóng góp vào thị trường thế giới khoảng 30.000 tấn tiêu nguyên liệu.