Dân Việt

Đừng nhìn Sơn Trà với con mắt “nhà buôn”

Ngô Nguyệt Hữu 30/05/2017 05:56 GMT+7
Mất hàng trăm năm, hàng nghìn năm thì Đà Nẵng mới có được Sơn Trà. Mất vài năm với “lá bùa” viết vẻn vẹn hai từ “phát triển”, người ta lăm le “trấn yểm” để gỡ luôn cái bàn thiêng của Đà Nẵng.

Sẽ thật khó khăn để thu hút sự qua tâm của dư luận về lo ngại các công trình xây dựng ảnh hưởng thế nào đến cảnh quan tự nhiên, an ninh quốc phòng ở bán đảo Sơn Trà. 

Trước khi Sơn Trà trở thành điểm nóng, đã có quá nhiều cảnh quan tự nhiên của nước ta bị “hiến tế” cho du lịch, từ Nha Trang, Hạ Long rồi đến Sapa, Phú Quốc, rồi Cù Lam Chàm, Cát Bà….

Cơn cuồng tín về sự phát triển thông qua du lịch khiến lãnh đạo các địa phương như chìm đắm trong giấc mộng mơ hồ, chăm chăm ngồi vào bàn tiệc với thực đơn là những cánh rừng, hang động, ngọn núi hay bán đảo. Đang cơn say cơn vui, họ an ủi nhau, phát triển bền vững là được, phải có xây dựng mới phát triển chứ để không vậy thì lấy gì địa phương phát triển.

Trên thực tế, đến lúc người ta đặt lên bàn làm việc một quy hoạch nghìn phòng cho bán đảo Sơn Trà, tính cáp treo cho một hang động nghìn năm, tin rằng một vườn quốc gia sẽ tốt hơn với khu du lịch thì không còn quá nhiều hy vọng vào tư duy giữ gìn miếng bánh cho con cháu nữa. 

img

Một góc Sơn Trà bị cày xới xây móng biệt thự. Ảnh: VNN

Và thật độc đáo đến hoang đường, khi người ta nghĩ ra cụm từ “di dời rừng”, như cái cách mà lãnh đạo tỉnh Thái Bình đang sử dụng. 

Với Sơn Trà, tầm quan trọng của bán đảo tự nhiên liên kết với Hải Vân quan để chắn cái lạnh cho một vùng Quảng Nam - Đà Nẵng, chống luôn cơn gió lào cho một vùng Đà Nẵng - Quảng Nam là điều hẳn nhiên ai cũng đã am tường. 

Tầm quan trọng của lá phổi cho người dân Đà Nẵng, tầm quan trọng của vùng đất với hàng nghìn loại thực vật, linh trưởng lẫn con voọc chà vá chân nấu cũng là điều hẳn nhiên ai cũng rõ ràng. Thậm chí, là tầm quan trọng của một vùng ký ức lẫn tự hào hơn cả hiện kim của nơi từng được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. 

Trong nỗi hăng hái nhìn thấy túi tiền của du khách, rất nhiều lãnh đạo địa phương (bao gồm cả lãnh đạo thành phố Đà Nẵng) đã không giữ cho mình đủ sự bình tĩnh để nhớ rằng, tác động vào một cảnh quan thiên nhiên tức là tác động một chiều. 

Đó là tác động vĩnh viễn không thể hồi phục lại được nguyên bản, kiểu như ngày hôm nay không thể là ngày hôm qua. Dẫu có cỗ máy thời gian thì cũng không khiến ngày hôm qua trở lại được nữa.

Quan trọng hơn hết, cảnh quan thiên nhiên ở bất cứ quốc gia nào cũng chính là phần dành cho hậu sinh, phần để dành cho thế hệ tiếp theo.

img

voọc chà vá Sơn Trà. Ảnh: VNE

Sẽ thật sự sai lầm lẫn vô cùng tham lam nếu như lấy tư duy chủ quan lẫn ý chí quyền lực của giai đoạn hiện tại để xà xẻo hết phần để dành này của con cháu như cách thức hiện tại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sau khi thị sát bán đảo Sơn Trà vào cuối tuần rồi trong cuộc họp vào hôm Chủ nhật có chỉ đạo: “Đề nghị chưa triển khai quy hoạch Sơn Trà trong 3 tháng tới để việc tiếp thu ý kiến được khách quan, toàn diện”.

Phó Thủ tướng chỉ đạo điều này rất khác với ông Hà Văn Siêu - Tổng Cục Phó Tổng cục Du lịch khi làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã được ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thuật lại như sau, “Chúng tôi đã mời các thành viên của Tổng cục Du lịch cùng đi xem Voọc chà vá chân nâu nhưng các anh từ chối, trả lời là chưa anh nào thấy Voọc và không cần nhìn thấy Voọc thì vẫn làm được quy hoạch. 

Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã kiến nghị tiếp tục điều chỉnh quy hoạch Sơn Trà theo hướng bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ an ninh - quốc phòng và bảo vệ được báu vật Sơn Trà của người dân Đà Nẵng. Tuy nhiên, Tổng cục du lịch vẫn giữ quan điểm không điều chỉnh quy hoạch và tiếp tục triển khai.

“Chúng tôi kiến nghị Tổng cục Du lịch tổ chức hội thảo gồm các nhà khoa học, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tại Đà Nẵng để thu thập toàn bộ ý kiến của công luận nhưng họ từ chối” - ông Vinh cho hay.

Dĩ nhiên muốn phát triển phải có đánh đổi, nhưng đánh đổi đến đâu cần phải nghiên cứu cẩn thận, kỹ càng. Nếu chưa thấy hợp lý thì phải dừng lại, thậm chí nếu cần thiết thì để phần đó cho thế hệ kế tiếp luận bàn.

Cuối cùng, sẽ thật dị dạng nếu chúng ta hết lần này đến lần khác xâm phạm vào các cảnh quan thiên nhiên để rồi vung tiền nhằm tận hưởng một vùng du lịch với cảnh quan rất gần với thiên nhiên.

Và khi còn nhìn cảnh quan thiên nhiên với con mắt của nhà buôn, thì hãy biết xấu hổ với cụm từ đầu môi chót lưỡi, “phát triển bền vững”.