Dân Việt

Thanh long vào siêu thị Mỹ

12/08/2012 07:00 GMT+7
Người trồng thanh long tỉnh Bình Thuận vui mừng trước tin từ ngày 20.8, thanh long là mặt hàng trái cây duy nhất của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Mỹ, bán tại các siêu thị cao cấp

Giữa tháng 8 là đầu mùa mưa nhưng nắng vẫn như đổ lửa trên nhiều vùng đất ở Bình Thuận. Nắng càng làm bật lên màu xanh bạt ngàn của những vườn thanh long đang độ sung sức nơi đây.

Đổ mồ hôi, sôi nước mắt

Dưới bóng râm giữa những hàng trụ thanh long đan dày hoa, ông Nguyễn Văn Thông (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) lúi húi ghi chép nhật ký tưới tiêu, phân thuốc của từng ô trong vườn thanh long gần 1.200 gốc của gia đình. Ông Thông là một trong hàng chục hộ của địa phương tham gia trồng thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGap (nông nghiệp tốt và trái cây ngon theo tiêu chuẩn Việt Nam).

img
Nông dân ở Bình Thuận chăm sóc thanh long

Là dân cự phách trồng thanh long, hơn 10 năm gắn bó với vườn cây, ông Thông nói mình như “mừng hết lớn” khi thông tin trái thanh long đã được phép xuất thẳng sang Mỹ để chiếu xạ, trước khi đưa vào hệ thống siêu thị cao cấp của nước này. “Biết rằng sản xuất trái cây sạch không dễ dàng nhưng tôi nghĩ nếu mình quyết tâm thì cũng không có gì là khó” - ông Thông quả quyết.

Lão nông Nguyễn Văn Túy (xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết hơn 4 năm qua ông đã có bước… “đón đầu” bằng cách chi gần nửa tỉ đồng thực hành sản xuất thanh long sạch theo các tiêu chuẩn toàn cầu (GlobalGap - trái cây sạch tiêu chuẩn toàn cầu) cho 2 ha thanh long của gia đình. “Mười mấy năm trong nghề rồi, chỉ chờ có ngày này. Cơ hội đến thì mình phải chớp lấy. Muốn làm giàu thì phải chịu khó, chịu khổ...” - ông Túy nói.

Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết sau khi chương trình VietGap được thí điểm tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc vào tháng 6.2009, hiện toàn tỉnh đã hình thành được 387 tổ hợp tác, nhóm liên kết sản xuất thanh long với trên 10.000 nông hộ tham gia, đạt tổng diện tích hơn 7.500 ha. Đến cuối tháng 7.2012, Trung tâm Thanh long Bình Thuận đã cấp chứng nhận đạt chuẩn cho gần 5.400 ha của trên 6.700 hộ.

Vừa mừng vừa lo

Hiện toàn tỉnh có khoảng 15.000 ha cây thanh long, sản lượng 280.000 - 300.000 tấn/năm. Hơn 70% số này xuất khẩu sang các nước châu Á qua đường tiểu ngạch, còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa. Ông Huỳnh Thanh Cảnh cho rằng việc Mỹ chấp thuận cho trái thanh long Việt Nam được chiếu xạ tại nước này là một việc chưa có tiền lệ, đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.

Hiện nay chưa có doanh nghiệp Mỹ nào ký kết hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu thanh long nên trước mắt chưa biết số lượng thanh long vào thị trường “khó tính” này là bao nhiêu mỗi năm.

Hơn nữa, thanh long là loại trái cây “đỏng đảnh”, rất dễ bị hư, úng, thời gian vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ dài nên vấn đề bảo đảm chất lượng sản phẩm không phải dễ dàng. “Chưa kể, để vào được các siêu thị Mỹ, đòi hỏi trái thanh long phải bảo đảm những tiêu chuẩn cần thiết do phía Mỹ đặt ra” - ông Cảnh bày tỏ.

Cũng theo ông Cảnh, để chuẩn bị cho bước đột phá vào thị trường Mỹ, ngày 17.8 tới, Sở NN-PTNT và Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, cùng với các doanh nghiệp trong tỉnh bàn kế hoạch để đưa trái thanh long sang thị trường Mỹ theo hướng bền vững. “Vấn đề là làm sao để có giá thu mua hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân phấn khởi canh tác, đặc biệt theo tiêu chuẩn VietGap” - ông Cảnh nói.

Đã được bảo hộ nhãn hiệu

Tháng 11.2011, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã cấp văn bằng bảo hộ cho “Thanh long Bình Thuận”. Nhãn hiệu được bảo hộ gồm các từ “Bình Thuận”, “Dragon Fruit” và hình trái thanh long. Theo quy định của Luật Nhãn hiệu Hoa Kỳ, thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là 10 năm và được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm.

Theo văn bằng này, quyền sử dụng nhãn hiệu thuộc về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái thanh long được chứng nhận có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, nhà sản xuất phải tuân thủ điều kiện bảo đảm sản xuất sản phẩm đúng với yêu cầu bảo hộ.

Theo Người lao động