Đặc biệt, từ năm 2015, UBND huyện Hà Quảng đã ký Biên bản thỏa thuận với Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung hợp tác đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm gừng trâu cho nông dân tại một số xã vùng cao Lục Khu. Qua đó, người dân yên tâm phát triển cây gừng trâu, nâng cao thu nhập.
TRỒNG GỪNG TRÂU HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO
Giữa tháng 5/2017, chúng tôi đến một số xóm của vùng cao Lục Khu. Dọc 2 bên đường từ chợ Nặm Nhũng, xã Lũng Nặm vào xã Vân An, xen giữa những rẫy ngô xanh mướt là các bãi gừng trâu đang mọc tốt. Anh Hứa Văn Dùng, người dân xóm Lũng Rẩu, xã Vân An chia sẻ: Lũng Rẩu là một trong những xóm trồng gừng trâu đầu tiên của xã Vân An và cả vùng Lục Khu.
Người dân xóm Lũng Rẩu, xã Vân An trồng gừng trâu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Nhật.
Năm 2008, người dân địa phương đưa cây gừng trâu vào trồng. Do điều kiện đất đai, khí hậu ở đây phù hợp nên cây gừng trâu phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng ngô, lạc, đỗ tương 3 - 4 lần. Gừng trâu dễ trồng nhưng rủi ro cao và rất “khó tính”. Đất trồng gừng phải luân canh, sau 3 năm mới quay lại trồng được trên diện tích cũ. Thời vụ trồng gừng trâu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Nếu thời tiết thuận lợi mưa ẩm thì cây mọc đều, phát triển tốt, năng suất đạt cao.
Ngược lại, hạn hán kéo dài, đất khô thì tỷ lệ gừng mọc thấp, chậm phát triển, năng suất đạt thấp. Đặc biệt, đến tháng 8 - 9, trời mưa nhiều, một số diện tích gừng bị bệnh thối củ, không được thu hoạch. Trước đây, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái, thường được mùa thì mất giá. Tuy nhiên, năm nào thuận lợi được mùa, được giá thì cây gừng cũng đem lại một khoản thu nhập khá lớn. Năm 2014, gia đình tôi trồng gần 1 tấn củ giống (tương đương 3.000 m2), cây phát triển tốt, không bị thối củ, thu hoạch được 7 tấn củ, thương lái đến thu mua tại xóm, bán được trên 100 triệu đồng/vụ.
Người dân xóm Nặm Đin, xã Vân An (Hà Quảng) chăm sóc gừng trồng.
Trước đó, năm 2012, gừng được mùa nhưng không được giá, thương lái đến thu chỉ với giá 2 nghìn đồng/kg, thu nhập từ gừng chỉ được trên dưới 10 triệu đồng/vụ, nhưng còn cao hơn trồng ngô. Năm nay, gia đình tiếp tục trồng 1 tấn giống gừng trâu.
Chi phí cho trồng gừng chủ yếu là giống. Trồng 1 ha gừng cần đến 3 tấn giống, với đơn giá hiện nay 5 nghìn đồng/kg, bà con chi phí 15 triệu đồng mua giống. Ngoài ra, bà con phải chi phí thêm 1 tấn phân NPK trị giá 5,6 triệu đồng. Trung bình, nếu chưa kể công lao động, chi phí cho 1 ha gừng hơn 20 triệu đồng. Bình quân 1 ha rừng chăm sóc đúng kỹ thuật, không bị sâu bệnh sẽ cho thu hoạch 18 - 20 tấn cho thu nhập 90 - 100 triệu đồng/ha. Hiện bà con tự để giống cho vụ sau hoặc chuyển nhượng giống cho nhau bằng giá thu mua của Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung.
Không chỉ Cao Bằng, nhiều nông dân ở các địa phương khác cũng đang đầu tư trồng gừng, nhưng thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên vẫn có thời điểm mất giá.
Trong khi đó, 1 ha ngô hàng hóa năng suất bình quân 35 tạ/ha, giá bán 7 nghìn đồng/kg chỉ cho thu nhập 24,5 triệu đồng (chưa trừ chi phí giống, vật tư phân bón, công chăm sóc). Như vậy, hiệu quả của trồng gừng gấp 4 - 5 lần trồng ngô. Thậm chí nếu giá gừng giảm sâu đến 2 nghìn đồng/kg, thu nhập từ bán gừng cũng được 36 - 40 triệu đồng/ha, trừ chi phí giống, phân bón, người trồng gừng thu khoảng 20 triệu đồng/ha.
Anh Trương Văn Dậu, Trưởng xóm Lũng Rẩu cho biết: Xóm Lũng Rẩu có 20 hộ đều trồng gừng trâu, hộ trồng ít 400 kg giống, hộ trồng nhiều 1 tấn giống, có hộ thu hoạch 7 - 8 tấn/vụ. Năm gừng được giá từ 15 - 21 nghìn đồng/kg, nhiều hộ thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/vụ. Vụ gừng mất giá xuống đến 2 nghìn đồng/kg, các hộ trồng khoảng 3.000 m2 cũng thu trên 10 triệu đồng, cao hơn trồng ngô nên cả xóm vẫn duy trì và phát triển diện tích gừng trâu.
Từ năm 2015 đến nay, được Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tuy giá không cao như trước nhưng ổn định, bước đầu giúp người dân yên tâm trồng gừng.
2 năm (2015 - 2016), xã Vân An có 5/10 xóm với 171/219 hộ trồng gừng trâu, được Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm, ước trị giá đạt 1,4 tỷ đồng. Riêng năm 2016, Vân An có 149 hộ trồng 20 ha gừng, thu được 780 triệu đồng. Năm 2017, cả xã trồng trên 20 ha. Hiện nay, Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung đang khảo sát diện tích gừng sinh thái và chuẩn bị ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
NHƯNG CÒN NHIỀU RỦI RO
Khác với Vân An, Lũng Rỳ, xã Nội Thôn lại là xóm “thất bát” về cây gừng. Ông Nông Văn Slổng, Trưởng xóm Lũng Rỳ bức xúc: Trước đây, người dân xóm Lũng Rỳ chưa trồng gừng trâu. Năm 2016, huyện Hà Quảng sử dụng nguồn vốn Nghị quyết 30a hỗ trợ cho 41 hộ dân trong xóm trồng 3 ha gừng DV09 ruột vàng (giống nhập khẩu từ Indonesia), được Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên tỷ lệ mọc thấp, cây héo, bị thối củ nhiều.
Bình quân mỗi hộ trồng 330 kg giống, tương đương hơn 1.000 m2, chỉ thu trên 2,4 tạ gừng, bán cho Công ty được hơn 1 triệu đồng. Mô hình thất bại, năm nay xóm không trồng gừng nữa mà quay lại với cây ngô, cây lạc.
Giải thích về nguyên nhân mô hình trồng gừng ở Lũng Rỳ thất bại, Chủ tịch UBND xã Nội Thôn Vương Văn Vinh cho rằng: Năm 2016, xã có 8/11 xóm trồng gừng trâu với diện tích 18 ha (cả diện tích mô hình trồng thử nghiệm giống gừng mới - DV09), Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Do thời tiết khắc nghiệt, hơn 5,4 ha gừng trâu bị thối củ. Số còn lại thu được 216 tấn bán cho Công ty bình quân 4,6 nghìn đồng/kg... Ngoài yếu tố thời tiết, có thể điều kiện đất đai ở Lũng Rỳ không phù hợp với giống gừng DV09.
Gừng trâu-giống gừng địa phương phù hợp trồng ở vùng cao Lục Khu, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Rút kinh nghiệm, năm 2017, xã không triển khai trồng giống mới mà chỉ trồng giống gừng trâu địa phương. Hiện xã có 5 xóm với 138 hộ trồng gần 23 ha gừng. Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung đang rà soát, kiểm kê diện tích và chuẩn bị ký hợp đồng cam kết với các hộ dân để bao tiêu sản phẩm.
Qua trao đổi với Giám đốc Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung Chu Thế Giang, được biết, bệnh thối củ trên cây gừng là do nấm và chưa có thuốc phòng trừ. Để hạn chế bệnh, người dân cần rải vôi xuống đất trước khi trồng. Khi cây trồng mắc bệnh cần khoanh vùng, nhổ cây lên và đem tiêu hủy để tránh lây lan. Về mô hình trồng thử nghiệm giống gừng DV09 ở Lũng Rỳ, cơ bản đây là giống mới, chưa được triển khai trồng trước đó. Ngoài ra, một nguyên nhân khác có thể do đất đai ở Lũng Rỳ không hợp với cây gừng.
Tuy nhiên, vì giống gừng DV09 khi chế biến bột gừng lại có giá trị cao hơn giống gừng trâu địa phương nên năm 2017, Công ty đã lựa chọn 6 tấn gừng DV09 đem trồng thử nghiệm tại xã Vân An. Nếu mô hình này hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng ra các xóm. Về việc Công ty chậm triển khai thu mua và giá thu mua thấp hơn cam kết, do thời tiết năm 2016 hạn hán kéo dài, cây gừng sinh trưởng chậm nên kế hoạch thu mua chậm gần 1 tháng.
Quá trình thu mua, trời lại mưa nhiều, trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, đối tác cũng ngừng nhập hàng về sản xuất. Mặt khác, thị trường gừng trong nước năm 2016 giá cũng xuống còn 3 - 3,5 nghìn đồng/kg nên một số đối tác đã phá hợp đồng mua sản phẩm của Công ty. Do vậy, năm 2016, Công ty chỉ mua được 400 tấn gừng cho bà con tại 6 xã vùng Lục Khu với giá 4 - 5 nghìn đồng/kg.
Năm 2017, Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Đức Chung triển khai ký hợp đồng với 5 xã: Vân An, Cải Viên, Nội Thôn, Lũng Nặm, Tổng Cọt trồng 66 ha gừng trâu. Hiện nay, Công ty đang rà soát diện tích trồng gừng trâu sinh thái và chuẩn bị ký hợp đồng cam kết với người dân bao tiêu sản phẩm. Có thể khẳng định rằng, cây gừng trâu ở Lục Khu đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, để cây gừng trâu phát triển bền vững cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện cam kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.