Chương trình do Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH DFS Việt Nam phối hợp tổ chức tổ chức, nhằm hỗ trợ người chăn nuôi lợn trong cả nước đang gặp khó khăn do giá lợn sụt giảm mạnh.
Nhiều chương trình hỗ trợ đã ra đời nhằm tiêu thụ bớt lượng thịt còn tồn đọng trong hộ chăn nuôi
Mục tiêu nói trên được đặt ra để phòng ngừa tình trạng khan hiếm thịt lợn vào cuối năm như đã từng xảy ra hồi năm 2012 sau khi các bộ ngành kêu gọi giảm đàn ở các hộ, trại chăn nuôi nhằm cân đối cung cầu. Theo số liệu công bố, hiện cả nước đã thu mua hơn 3 triệu con lợn hơi, tiêu thụ hơn 200.000 tấn thịt.
Trong khi đó, ngay tại Đồng Nai, địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước, nhiều hộ chăn nuôi đánh giá lượng lợn được “giải cứu” thời gian qua chưa đáng kể, lượng lợn thịt tồn đọng trong dân còn nhiều.
“Dự kiến phải đến cuối 2017, đầu 2018, cung cầu mới cân bằng trở lại”, bà Phạm Thị Hoa, hộ chăn nuôi lợn ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đánh giá.
Chương trình hỗ trợ của Hội Liên hiệp Thanh niên dự kiến sẽ kéo dài từ nay đến cuối tháng 6 với nhiều sự kiện hỗ trợ được tích hợp. Trước mắt, chương trình sẽ xây dựng các gian hàng bán sản phẩm thịt lợn trợ giá trên cả nước.
Bước đầu, sẽ có 20 điểm bán thịt lợn được mở tại các khu vực trọng điểm về khó khăn trong tiêu thụ lợn ở 5 tỉnh thành: TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Bình Dương. Sau đó sẽ tiến tới lập các cửa hàng mua bán thịt lợn online.
Giao diện của trang thông tin kết nối "Hỗ trợ hộ chăn nuôi - Trợ giá người tiêu dùng"
Thông qua trang thông tin kết nối www.porkpork.vn, chương trình sẽ thu mua với giá 30.000 đồng/kg và bán trợ giá 35.000 đồng/kg theo mức tính toán là giúp nông dân cắt được lỗ.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết mục tiêu trước mắt là hỗ trợ người dân chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm tồn đọng với mức giá phù hợp; trợ giá người tiêu dùng đối với sản phẩm thịt lợn.
Về lâu dài, chương trình khuyến khích tiếp tục tái đàn, phòng ngừa tình trạng khan hiếm thịt lợn trong thời gian tới; tư vấn cho người dân chăn nuôi lợn theo quy hoạch và phát triển bền vững theo chuỗi; xây dựng quy chuẩn thịt lợn đảm bảo chất lượng; hướng đến phục vụ xuất khấu, góp phần xóa đói giảm nghèo.
“Để giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, chúng tôi kêu gọi sự đồng hành và hỗ trợ của các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, sản xuất, chế biến sản phẩm từ thịt lợn và người dân tích cực tham gia hỗ trợ”, bà Vân nói.
Chương trình hỗ trợ của Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam sẽ kéo dài trong 1 tháng
Sau 1 tháng, chương trình sẽ tiếp tục các hoạt động mang tính an sinh xã hội như dùng kinh phí và vật phẩm nhận được từ các cá nhân, tổ chức ủng hộ để hỗ trợ các bếp ăn từ thiện, người nghèo hoặc góp vào quỹ “Cơm có thịt”.
Công ty cổ phần chăn nuôi C.P là đơn vị đầu tiên tham gia ủng hộ sự kiện này. Ông Trần Tiến, Phó tổng giám đốc C.P cho biết sau khi hạ giá bán 200 đồng/kg thức ăn chăn nuôi lợn, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn trong các siêu thị, đưa vào chế biến những sản phẩm thức ăn sẵn.
“Để đồng hành, công ty thuê kho cấp đông thịt lợn để đưa vào dự trữ, bảo quản làm nguyên liệu chế biến thực phẩm sau này; mở rộng các điểm bán lẻ trên cả nước; hỗ trợ các hội chợ tiêu dùng nguồn thịt lợn mảnh, thịt lợn pha lóc với giá “không lợi nhuận” để kích thích sức mua”, ông Tiến hứa.
Chia sẻ nỗ lực nêu trên, ông Mai Thế Hào, chuyên viên Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đánh giá: “Dù các ngành chức năng đã và đang vào cuộc, nhưng phải có lộ trình lâu dài chứ không thể một sớm một chiều. Hoạt động này rất cần các doanh nghiệp tham gia hưởng ứng tích cực”.