Đặc nhiệm Hải quân SEAL của Mỹ
Những giờ trước bình minh, các đặc công "Tia chớp" của Somali lần lượt nhảy ra khỏi những chiếc trực thăng quân sự và âm thầm lẩn vào trong bóng tối về phía một khu nhà cũ kỹ, đổ nát bên trong khu đất nông nghiệp trồng toàn chuối.
Theo nguồn tin tình báo, Moalin Osman Abdi Badi, bị tình nghi là thủ lĩnh của tổ chức khủng bố al-Shabab khét tiếng đang ẩn náu trong khu nhà này. al-Shabab liên quan đến các âm mưu chống lại các lực lượng Mỹ và đồng minh của Mỹ ở Somalia.
Do đó, một đội đặc nhiệm Hải quân SEAL cũng tham gia vào chiến dịch đột kích cùng với đặc công Somalia với hy vọng sẽ gây bất ngờ cho các chiến binh khủng bố.
Tuy nhiên, lính canh đã nghe hoặc nhìn thấy họ và một cuộc giao tranh ác liệt đã nổ ra trong đêm tối.
Lầu Năm góc cho biết, các chiến binh khủng bố đã giết hại một đặc nhiệm SEAL và làm bị thương 2 người khác trong cuộc đột kích ngày 5.5 gần Barii, phía tây thủ đô Mogadishu. Kyle Milliken, 38 tuổi, Trưởng ban Hoạt Động Chiến Tranh Đặc Biệt của SEAL đã thiệt mạng.
Các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ ngày càng đối diện nhiều nguy hiểm, rủi ro khi thực hiện các sứ mệnh trên toàn cầu.
Cái chết của Milliken không chỉ phản ánh việc một quân nhân Mỹ đầu tiên đã thiệt mạng trong chiến sự ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này kể từ một trận chiến chết chóc vào năm 1993. Nó còn phản ánh rằng, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hoạt động ở các vùng chiến sự trên khắp thế giới ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn.
Đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Barack Obama ngày càng kỳ vọng nhiều hơn và giao phó nhiều trọng trách chiến đấu hơn cho Bộ Tư lệnh Các chiến dịch đặc biệt của Lầu Năm góc để săn lùng và tiêu diệt các phần tử cực đoan trên toàn cầu.
Sự nguy hiểm của các tổ chức khủng bố khét tiếng đặt ra nhiều nguy cơ cho các đặc nhiệm Mỹ ở những vùng chiến sự.
5 trong số 6 quân nhân Mỹ bị thiệt mạng trong khi đang làm nhiệm vụ do bị kẻ thù giết hại trong năm nay thuộc các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ bao gồm: Hải quân SEAL; Lực lượng Mũ nồi xanh (Green Berets) hay còn được biết đến là lực lượng tác chiến đặc biệt thuộc Lục quân Mỹ và Trung đoàn biệt động quân 75 thuộc Lục quân Mỹ.
Hơn một nửa trong số 33 quân nhân Mỹ thiệt mạng kể từ năm 2015 cũng thuộc các lực lượng đặc nhiệm. Trong khi, xét về tỷ lệ thì các lực lượng đặc nhiệm Mỹ với quân số là 8.600 người chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 200.000 binh sĩ Mỹ được triển khai ở nước ngoài.
Cuộc sống "vào sinh ra tử" của các đặc nhiệm Mỹ trong các vùng xung đột trên toàn cầu ngày càng khắc nghiệt hơn cũng được chứng minh qua sự kiện xảy ra tuần trước, khi 3 đặc nhiệm SEAL bị thương trong một cuộc đột kích hang ổ của phiến quân ở Marib, phía Tây Yemen. Cuộc đột kích nhằm thu giữ các điện thoại di động, máy tính và các thiết bị khác của al-Qaeda ở bán đảo Ả-rập sau khi nguồn tin tình báo tiết lộ nhóm khủng bố này đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công mới nhắm vào các mục tiêu phương tây, bao gồm cả máy bay thương mại.
Cuộc đột kích là điển hình cho nhiệm vụ của đặc nhiệm Mỹ. Họ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan tình báo trung ương (CIA) và các cơ quan gián điệp khác để thu thập các nguồn tin tình báo để tiến hành các chiến dịch truy lùng, bắt giữ hoạc tiêu diệt các thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan, những kẻ chế tạo bom, các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, Iraq, Taliban ở Afghanistan cũng như các phần tử thánh chiến liên quan đến al-Qaeda ở Somalia và Yemen...
Số lượng các cuộc đột kích mà các đặc nhiệm Mỹ đã tiến hành là một bí mật, song một vài vụ vẫn được cho là đã mắc sai lầm khủng khiếp.
Các quan chức Lầu Năm góc vẫn đang điều tra cái chết của 2 đặc nhiệm thuộc Trung đoàn biệt động quân 75 trong một vụ đột kích ở miền đông Afghanistan cuối tháng 4 vừa qua. Các quan chức nói rằng, họ có thể đã bị thiệt mạng vì trúng đạn lạc từ phía đồng đội trong một cuộc chiến kéo dài 3 tiếng với IS.
Ngoài ra, Lầu Năm góc cũng đang điều tra vụ đột kích ban đêm ở Yemen vào cuối tháng 1 khiến đặc nhiệm SEAL William "Ryan" Owens thiệt mạng. Vụ đột kích bị nghi là đã phạm sai lầm cực kỳ nghiêm trọng.
Các máy bay Mỹ có nhiệm vụ ném bom các phần tử khủng bố bị cáo buộc giết nhầm hàng chục dân thường bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Một chiếc máy bay 70 triệu USD cũng bị phá hủy.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ bình luận cuộc đột kích là "một thất bại".
Tướng Raymond Thomas, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt cũng nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào tháng này rằng, lực lượng của ông đang bị kéo giãn, dàn mỏng, với các lần triển khai bị gián đoạn - một tình huống mà ông gọi là "không bền vững". Ngoài ra, Tướng Thomas cũng nhận định rằng, các lực lượng đặc nhiệm đang ngày càng được lệnh dấn sâu hơn vào chiến tuyến trong các nhiệm vụ chiến đấu".
"Chúng tôi không phải là thuốc chữa bách bệnh. Chúng tôi không phải là giải pháp cuối cùng cho mọi vấn đề", ông Thomas nhấn mạnh khi nói về việc triển khai quá mức các lực lượng đặc nhiệm tại những khu vực bị xem là hang ổ của khủng bố trên toàn cầu.
Scott Taylor, một cựu hải quân SEAL cũng cho rằng, việc triển khai các lực lượng đặc nhiệm trong những năm gần đây là quá mức và đôi khi sai mục đích.