Quân đội Triều Tiên diễn tập phóng hàng loạt tên lửa cùng lúc.
Quân đội Mỹ ngày 30.5 đã thử nghiệm thành công hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (GMD). Tên lửa đánh chặn được phóng đi từ căn cứ không quân Vandenberg ở bang California, đã bắn hạ mục tiêu mô phỏng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được phóng từ quần đảo Marshall.
Vụ thử nằm trong kế hoạch tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ Mỹ khỏi các vụ tấn công tên lửa, nhưng khả năng ngăn chặn cuộc tấn công thực sự từ kẻ thù như Triều Tiên của hệ thống này vẫn chưa rõ ràng.
Chris Johnson, một quan chức của Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ, nói với trang Business Insider rằng hệ thống GMD có thể dùng tên lửa đánh chặn bắn hạ tên lửa đạn đạo, nhưng “trong kịch bản thực tế, chúng ta phải sử dụng nhiều tên lửa đánh chặn hơn”.
Ông Johnson tiết lộ rằng Washington hiện đang sở hữu 36 tên lửa đánh chặn. Nhưng nếu đe dọa là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thực sự, quân đội Mỹ cần phóng vài tên lửa đánh chặn vào một mục tiêu.
Nên để đánh bại hệ thống GMD của Mỹ, Triều Tiên hay các kẻ thù khác đơn giản chỉ cần làm cạn kiệt nguồn cung cấp tên lửa đánh chặn bằng cách sử dụng các mục tiêu “chim mồi” rẻ tiền.
Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng trị giá 58 triệu USD với tập đoàn Boeing để chế tạo loại tên lửa đánh chặn mới có khả năng bắn hạ nhiều mục tiêu cùng lúc. Nhưng Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ chưa có kế hoạch thử nghiệm khả năng này đến năm 2025.
Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán rằng Triều Tiên có thể bắt đầu thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào năm tới. Bình Nhưỡng đã chứng minh khả năng phóng nhiều tên lửa đạn đạo trong một lần tấn công.
Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm thành công hệ thống đánh chặn có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.