Năm 2012, Công ty Phương Nam do ông Đỗ Quang Bốn làm giám đốc triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại Thái Bình”. Công ty đã liên kết với hộ dân để thực hiện dự án này.
Ông Phạm Văn Chính, một hộ tham gia nuôi tôm cho hay: “Bình thường nuôi tôm theo cách truyền thống, chỉ làm được 2 vụ/năm. Nay làm theo công nghệ mới, được 3 – 4 vụ/năm, năng suất cũng tăng gấp đôi, lợi nhuận thu về cao gấp 4 – 5 lần so với trước đây”.
Nuôi tôm sú trong nhà kính đã giảm thiểu tối đa những tác động của môi trường tới con tôm. Ảnh: B.H
Theo ông Đỗ Quang Bốn, bí quyết để có thể nuôi tôm quanh năm là các ao nuôi được thiết kế hình chữ nhật với diện tích khoảng 2.000m2, đáy bổ bê tông hình lòng chảo, giữa đáy ao có hố ga để xả cặn hàng ngày. Mái ao lợp kín bằng lớp plastic đảm bảo che mưa và giữ nhiệt, phía trên có lớp màn che nắng cơ động để điều chỉnh ánh sáng; xung quanh là hệ thống cửa sổ thông gió và điều chỉnh nhiệt độ.
Mái trong nhà kính có hệ thống đèn chiếu sáng vào những ngày tối trời để cho tảo trong nhà nuôi phát triển. Đặc biệt, phải có hệ thống máy cho tôm ăn hoạt động tự động, chế độ ăn được lập trình theo từng giai đoạn phát triển của tôm. Nước cấp cho ao nuôi tôm nhà kính được lấy từ ao cấp nước có diện tích 1.000m2.
“Tôm là loài rất nhạy cảm với thời tiết, dễ xảy ra dịch bệnh nếu có biến đổi khí hậu. Việc người nuôi chủ động kiểm soát nhiệt độ, môi trường đã hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi, giảm thiểu được dịch bệnh. Bên cạnh đó, người nuôi còn chủ động được thời điểm thu hoạch, tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa” – ông Bốn cho hay.
Tuy nhiên, theo các hộ chăn nuôi, trở ngại lớn để nhân rộng mô hình này là vốn đầu tư ban đầu khá cao. “Với diện tích 1ha phải đầu tư từ 8 – 9 tỷ đồng. Ngoài ra hộ nuôi phải có kiến thức mới vận hành, quản lý được hệ thống nuôi trồng trong nhà kính” – ông Phạm Văn Chính chia sẻ.