Học hỏi nhiều điều hay
Lần đầu có cơ hội xuất ngoại sang nông trại Hàn Quốc học làm nông nghiệp công nghệ cao, ông Cao Xuân Lãng, Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Bắc Kạn tỏ ra rất hào hứng. Ông luôn tận dụng thời gian trong các ngày làm việc tại xứ sở nhân sâm để tìm tòi, học tập các kiến thức về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Ông Lãng cho hay: “Là một hộ có diện tích đất trồng cây ăn quả khá lớn tại Bắc Kạn, mỗi năm gia đình tôi trồng khoảng 3,5ha cam, ổi, quýt, ước tính mỗi năm thu hoạch khoảng trên dưới 100 tấn quả các loại. Nhưng việc canh tác, thu hoạch vẫn còn thủ công khiến mẫu mã quả chưa thực sự bắt mắt và đảm bảo được chất lượng. Sau chuyến đi này, tôi đã học hỏi thêm được nhiều kiến thức hay về áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để cải thiện những công đoạn sản xuất còn yếu của gia đình…”.
Các nông dân Việt Nam xuất sắc tham quan, tìm hiểu tại khu trồng nhân sâm nổi tiếng ở tỉnh Kang Hwa (Hàn Quốc). ảnh: Trần Quang.
Các kiến thức mà nông dân Hàn Quốc chia sẻ quá bổ ích và thực tế. Tôi và các nông dân khác sẽ phải nhìn nhận lại thói quen sản xuất của mình để kịp thời điều chỉnh phương pháp sản xuất cho phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của thị trường”. Ông Lê Đình Hưởng - |
Nhận được lời đề nghị chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao từ ông Lãng, ông Seo Jae Hoon - chủ nông trại Four Season vui vẻ đáp lời: “Sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng cây ăn quả nói riêng vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Để đảm bảo được yếu tố này, tôi khuyên các nông dân Việt nên áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nên xây dựng nhà kính để trồng cây. Việc làm này không chỉ giúp chủ vườn có thể điều chỉnh được nhiệt độ vườn theo ý muốn mà các sản phẩm làm ra cũng sẽ ngon, chất lượng hơn…”.
Vừa nói, ông Seo Jae Hoon vừa nhiệt tình dẫn ông Lãng và các thành viên đoàn nông dân Việt Nam xuất sắc đi thăm các khu vườn trồng cà chua, dâu tây tại nông trại của mình. “Trái ngược với thói quen sản xuất tự phát của các bạn, mông dân Hàn Quốc chúng tôi sản xuất theo quy chuẩn rõ ràng ở tất cả các khâu từ sản xuất, bảo quản, tiêu thụ… Đặc biệt, việc phòng, trừ sâu bệnh cho cây, chúng tôi sử dụng một loại vitamin phun 2 ngày/lần. Nhờ thế, các quả cà chua, dâu tây luôn to, đẹp, sạch 100%” – ông Seo Jae Hoon tiết lộ.
Sản xuất theo quy hoạch rõ ràng
Chia sẻ thêm về bí quyết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, ông Seo Jae Hoon cho rằng: “Việt Nam là đất nước có nhiều lợi thế sản xuất nông nghiệp, nông dân cũng rất cần cù và ham học hỏi. Tuy nhiên, để nền nông nghiệp phát triển đúng hướng, sản phẩm của nông dân làm ra tiêu thụ dễ dàng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đặc biệt là việc tổ chức sản xuất theo quy hoạch. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng rất quan trọng, đó là khâu tiên quyết để giảm chi phí nhân công và tăng chất lượng sản phẩm…”.
Các Nông dân Việt Nam xuất sắc tham quan khu bày bán nông sản tại một siêu thị ở Kang Hwa (Hàn Quốc). Ảnh: Trần Quang
Theo các chủ trang trại Hàn Quốc, để các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát huy tác dụng, nông dân cũng cần có sự thay đổi nhất định mới có thể thành công. “Các bạn cần chú trọng sản xuất các sản phẩm nông sản đặc trưng theo vùng, khí hậu; sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ để tiêu thụ tốt ở trong nước và hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài” - ông Seo Jae Hoon chia sẻ.
Trước những lời chia sẻ và các kiến thức am hiểu sâu rộng về con người, đất nước Việt Nam của chủ nông trại Four Season, các nông dân Việt Nam xuất sắc tỏ ra rất khâm phục. “Các kiến thức mà nông dân Hàn Quốc chia sẻ quá bổ ích và thực tế. Tôi và các nông dân Việt Nam khác sẽ phải nhìn nhận lại các thói quen sản xuất của mình để kịp thời điều chỉnh và thay đổi lại phương pháp sản xuất cho phù hợp với nhu cầu, yêu cầu ngày càng cao của thị trường” – ông Lê Đình Hưởng, nông dân Việt Nam xuất sắc ở Phú Thọ nói. |
Sau thời gian làm việc, học tập tại nông trại Four Season, đoàn nông dân Việt Nam xuất sắc đến khu sản xuất nông nghiệp tại Kang Hwa - một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển, nhất là việc phát triển nghề trồng sâm cao ly. Điều khiến các nông dân Việt mãn nhãn và thú vị khi đến đây là các tuyến đường, kênh mương nội đồng được xây dựng khang trang, hiện đại và rất đẹp mắt.
Các thành viên của đoàn còn được tận mắt chứng kiến các công nghệ tiên tiến mà người Hàn lắp đặt để chăm sóc cây trồng. “Tôi rất tâm đắc với sản phẩm pin mặt trời mà nông dân Hàn Quốc lắp đặt để phát điện phục vụ việc tưới tiêu, phun thuốc, chăm sóc cây trồng. Tôi thấy hiện ở Việt Nam có nhiều hãng kinh doanh mặt hàng này và người dân Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để mua và áp dụng vào việc sản xuất của mình” – anh Phạm Đình Thắng, nông dân Việt Nam xuất sắc ở Tuyên Quang tâm sự.
Học cách phân phối, tiêu thụ nông sản
Ngoài việc đi tham quan, học hỏi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại một số tỉnh của Hàn Quốc, trong chuyến xuất ngoại lần này, các nông dân Việt Nam xuất sắc còn được trải nghiệm cách người Hàn tổ chức phân phối, tiêu thụ nông sản. Đến các khu bày bán nông sản tại các siêu thị ở Kang Hwa, khu chợ đấu giá Garak (ở thủ đô Seoul), các thành viên đều chăm chú ghi chép tỉ mỉ cách thức tổ chức mô hình tiêu thụ sản phẩm.
Ông Cao Xuân Lãng, Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Bắc Kạn chăm chỉ học tập, ghi chép các thông tin kỹ thuật về việc trồng nhân sâm ở một khu trồng nhân sâm tại Kang Hwa (Hàn Quốc). Ảnh: Trần Quang
Anh Đỗ Ngọc Quý - nông dân Việt Nam xuất sắc ở Phú Thọ cho hay: Việc tổ chức tiêu thụ của họ rất bài bản và khoa học. Ví như đơn vị phân phối nông sản của Hàn Quốc đầu tiên là từ các trang trại, sau đó là các trung tâm sơ chế nông sản do các hợp tác xã đứng ra tổ chức. Tiếp đó có 2 kênh phân phối trực tiếp là chợ bán buôn và trung tâm phân phối nông sản của hợp tác xã. Nếu đưa vào chợ bán buôn, họ bán đấu giá, chất lượng sản phẩm tương đối đồng đều. Những người mua sau đó đưa vào hệ thống siêu thị bán lẻ, hoặc các nơi chế biến thực phẩm…
“Các kênh phân phối nông sản hợp tác xã tại Hàn Quốc đi từ các bên có nhu cầu như siêu thị, khách hàng lớn, đơn hàng lớn và họ đặt hàng ngược trở lại các trang trại. Khâu vận chuyển được xử lý rất nhanh, chỉ trong vòng 1 ngày sau khi có đơn hàng… Cái này Việt Nam cần tham khảo, học hỏi, áp dụng…” - anh Đỗ Ngọc Quý bày tỏ.
Hiện ở Hàn Quốc có 32 chợ bán buôn, hợp tác xã liên minh xây dựng 6 trung tâm hợp tác xã lớn rải rác trên khắp cả nước. Năm 2005, Hàn Quốc đã dừng các chợ bán buôn theo phương thức đấu giá, chuyển đổi sang tập trung phân phối tại các trung tâm thương mại. Hệ thống bán lẻ thông qua các siêu thị phát triển nhanh chóng.
“Hiện nay việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi ở Việt Nam rất kém. Minh chứng rõ nhất là việc chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm lợn của Việt Nam trong thời gian qua quá yếu, không chỉ từ khâu sản xuất mà việc tiêu thụ còn qua quá nhiều khâu trung gian. Mong rằng, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần sớm hỗ trợ để nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp cũng như việc định hướng thị trường để nông dân yên tâm sản xuất và làm giàu” – ông Lê Đình Hưởng, một chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở Phú Thọ bộc bạch. |