Dân Việt

Sử dụng mẫu bán nude để PR thương hiệu, có vi phạm?

Hồng Nhung 02/06/2017 06:45 GMT+7
Mặc dù, hiện tại Việt Nam không có quy định hay luật về truyền thông, tiếp thị cấm PR sản phẩm bằng những chiêu trò, hình ảnh phản cả, tuy nhiên, những chiêu trò thế này không nên kéo dài vì đó là cách làm truyền thông không đẹp.

img

Các nam thanh niên body khủng bán nude phục vụ đồ ăn.

Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh dàn trai đẹp body 6 múi cởi trần, khoe cơ bắp rắn chắc với dòng chữ “Đây là sườn” và bưng khay đồ ăn phục vụ đến tận bàn cho các vị khách.

Được biết, màn phục vụ đồ ăn “siêu độc” này diễn ra tại nhà hàng Food House 85 Thái Hà, Hà Nội vào trưa ngày 31.5.

Theo như quản lý nhà hàng, thì đây là bữa tiệc dành riêng cho 120 khách hàng được mời nhân dịp ra mắt món ăn mới. Món ăn được chế biến từ sườn nên đã lấy cảm hứng và lên ý tưởng đưa các “promotion boy” bưng bê đồ ăn và dùng khò nướng thịt ngay tại bàn. Dàn trai đẹp 6 múi này không phải nhân viên phục vụ của cửa hàng. Họ chỉ xuất hiện 2 phút trong thời gian diễn ra sự kiện, sau đó các nhân viên của quán mặc đồng phục vẫn phục vụ bình thường.

Cũng theo quản lý nhà hàng này, đây không phải chiêu trò PR, đơn giản nhà hàng chỉ muốn mang đến không khí vui vẻ và ấn tượng cho các thực khách tham gia bữa tiệc này. Chất lượng món ăn mới là điều kiện tiên quyết để chiếm lòng tin của thực khách.

Sau sự kiện “chơi trội”, hôm nay PV Dân Việt có mặt tại cửa hàng và thấy lượng khách khá ra vào khá đông mặc dù là giữa trời trưa nắng 37-38 độ. Đa số thực khách ở đây là các bạn trẻ.

Bạn Khuê – thực khách tại cửa hàng cho biết: “Tối qua mình xem clip dàn trai đẹp phục vụ đồ ăn ở trên mạng nên muốn đến đây xem thử nó như thế nào. Ngoài ra thì đồ ăn được quay trong clip cũng khá hấp dẫn nên cũng muốn ăn thử”.

Theo nhân viên phục vụ tại quán ăn, thì lượng khách ngày hôm nay không đông được như trưa qua khi diễn ra sự kiện. Nhưng so với buổi trưa thường  ngày thì đông hơn rất nhiều.

Với những “chiêu trò” này, chủ cửa hàng chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí ban đầu, cộng đồng mạng sẽ lan truyền và duy trì nó bằng những lượt like, share. Nhiều người sau khi xem clip trên cũng thể hiện sự thích thú, số khác lại có những phản ánh trái chiều cho rằng đây là những “trò lố” gây phản cảm.

Những “chiêu trò” khá phổ biến ở các nước như Nhật Bản và Thái Lan, thế nhưng liệu khi về tới Việt Nam thì những hình ảnh như vậy có phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Chị Vũ Kim Oanh – Giám đốc chi nhánh Hà Nội, công ty Adways Việt Nam, chuyên về mobile marketing đã có 8 năm kinh nghiệm trong nghề, chia sẻ: “Cách PR thương hiệu, sản phẩm của nhà hàng này hơi thô, không có chiến lược dài hơi chỉ đơn thuần là để khách hàng biết đến bằng mọi cách, chưa quan tâm đến những tác động trái chiều. Nhưng ở một góc độ nào đó thì cũng đã đạt được hiệu quả khi cho mọi người biết đến thương hiệu của mình. Tuy nhiên, nếu họ quan tâm đến vấn đề định vị thương hiệu trên thị trường thì nên chọn con đường đi khác và tinh tế hơn. Để tạo nên thương hiệu thì nên chú trọng về chất lượng, đề cao giá trị cốt lõi và thế mạnh của thương hiệu đấy để truyền thông và đáp ứng cho người tiêu dùng”.

Cũng theo chị Vũ Kim Oanh, nhận thức của người Việt Nam khá đa dạng, sẽ có người không thích và tẩy chay, nhưng cũng sẽ có người chấp nhận và coi đó chỉ là yếu tố vui vẻ, giải trí. Những hình thức PR như thế vẫn tồn tại được là phụ thuộc vào người đón nhận. Nhưng đa phần, thực khách khi lựa chọn một nhà hàng thì họ sẽ đặt các yếu tố: đồ ăn ngon, hợp vệ sinh, giá phải chăng, không gian đẹp,… lên đầu; và sẽ không bị tác động, thu hút bởi những chiêu trò khác. Những thực khách tò mò sẽ chỉ đến 1 lần để chiêm ngưỡng, nhưng nếu món ăn không ngon, giá tiền đắt đỏ thì cũng không thể níu chân họ đến lần 2.

Mặc dù, hiện tại Việt Nam không có quy định hay luật về truyền thông, tiếp thị cấm PR sản phẩm bằng những chiêu trò, hình ảnh phản cảm. Tuy nhiên, những chiêu trò thế này không nên kéo dài vì đó là cách làm truyền thông không đẹp. Theo chị Vũ Kim Oanh thì cũng không nên có những quy định thắt chặt truyền thông, vì như thế sẽ giết chết sự sáng tạo trong nó; hãy để chính thị trường chấm điểm.

“Sử dung mỹ nam, mỹ nữ body gợi cảm, ăn mặc thiếu vải để PR thương hiệu còn khá là mới ở Việt Nam. Nhưng để đi đường dài trên thương trường thì đó không phải là cách tốt, thậm chí đó là cách làm thiếu chuyên nghiệp. Cái gì mới mẻ cũng thu hút thị hiếu của người tiêu dùng, thế nhưng khi 1 người làm rồi đến 5 – 6 người làm theo thì nó sẽ trở nên nhàm chán, không còn mới mẻ nữa và không ai quan tâm nữa”, một chuyên gia trong lĩnh vực marketting đưa ra nhận định.