Dân Việt

Thăm làng Việt ở đảo Palawan

23/09/2011 06:33 GMT+7
Những ngày đặt chân đến tỉnh đảo Palawan của Philippines, điều để lại ấn tượng mạnh nhất trong tôi chính là những dấu ấn Việt đậm nét tại nơi này.

Người dân tại đảo, nhiều người mà tôi gặp, đều nói về người Việt, về ẩm thực Việt tồn tại mấy chục năm qua ở đây.

Từ tài xế những chiếc xe máy ba bánh chở khách, những người bán hàng, tiếp tân… cho đến bảo vệ khách sạn, tất cả đều rất hứng thú khi nói chuyện với du khách đến từ Việt Nam. Họ kể về những người Việt mà họ quen biết hoặc cùng học chung trường chung lớp. Hay ít nhất họ cũng kể về một vài người Việt đâu đó tại Palawan mà họ từng nghe tiếng, từng biết đến.

img
Phở - món ăn khoái khẩu của dân bản xứ trên đảo Palawan

Làng Việt và những người bạn

Họ kể những câu chuyện về cuộc sống đời thường của người Việt di cư và sinh sống tại đây, rồi nhiều trẻ em Việt đến trường học cùng người bản địa… Giờ, thì có người đã đi các thành phố khác, định cư ở nước khác hoặc người đã về Việt Nam. Cũng có người lập gia đình với người bản xứ hoặc đi làm ăn xa; người thì đầu tư kinh doanh vào Puerto Princesa, thủ phủ của tỉnh đảo này.

Nhiều người Việt hiện rất thành công, mở các nhà hàng, quán ăn hoặc mở công ty kinh doanh. Một mảnh đất nhỏ mà người bản xứ khuyên tôi nên đến thăm đó là khu đất mà chính quyền ở đảo Palawan cấp cho người Việt xây dựng thành ngôi làng Việt, sinh sống chờ định cư ở nước khác ba bốn chục năm về trước.

Cách trung tâm thành phố Puerto Princesa hơn 10km về phía tây bắc, làng Việt hiện gần như bỏ hoang sau khi bà con từng sống ở đây đã định cư gần hết ở những nơi khác. Cỏ phủ phần lớn những đoạn đường nhỏ quanh làng. Lấp ló tại các ngã tư có mấy cột gắn bảng chỉ đường: Hồng Bàng, Âu Cơ, Hùng Vương… đã bạc màu. Hầu hết các căn nhà ở đây đều hư mục và xiêu vẹo, ngoại trừ vài căn có người đang ở, có cả người Việt và người bản địa.

Cư dân còn ở lại làng trồng nhiều rau củ quanh nhà như cà pháo, húng quế, đu đủ… và nuôi thả gà vịt quanh vườn. Bà Minh – người Việt sống trong làng cho hay: “Hồi đông nhất, số người Việt lên đến cả ngàn, giờ còn khoảng chục người, chủ yếu làm việc tại nhà hàng Làng Việt”. Họ ở đây, duy trì ngôi làng như một điểm đến du lịch mang tính lịch sử của đảo.

Những người Việt hiện còn lại ở tỉnh đảo nằm về phía tây nam của Philippines này phần lớn là người Việt lập gia đình với người dân bản xứ và kinh doanh ngay tại chỗ. Nhiều bảng hiệu có những cái tên thật thân thương và đầy chất Việt như “Saigon, Viet, Vietnam”...

Tân, một thanh niên ngoài 20 tuổi, quê Nghệ An, chỉ mới đến Philippines từ năm 2008, gặp tôi tại chợ ở thành phố Puerto Princesa. Tân cho hay, cậu cùng vài người bạn bỏ vốn mua hàng gia dụng và quần áo từ Manila về giao lại cho các cửa hàng trong chợ. “Chúng tôi không sống trong làng Việt mà tự thuê nhà trọ ngay trung tâm thành phố cho tiện. Ở đây, nếu chăm chỉ thì làm ăn cũng tốt lắm”, Tân tâm sự.

Phở hay cháo lòng?

Dù đảo Palawan gần Việt Nam hơn so với Manila, nhưng hiện chưa có chuyến bay thẳng từ Việt Nam sang. Khách muốn đến đảo này cần phải quá cảnh tại Manila trước khi bay thêm hai tiếng đến Puerto Princesa. Có thể đi tàu từ Manila đến Palawan, nhưng thời gian sẽ lâu hơn.

Phương tiện di chuyển thông dụng và rẻ tiền tại Puerto Princesa chủ yếu là tricycle hoặc jeepney. Bản đồ chỉ dẫn từ sân bay Puerto Princesa đến các điểm trong tỉnh Palawan đều được vẽ hướng và quãng thời gian di chuyển. Giá đi xe tricycle vào khoảng 7 peso/2km.

Một điều khá thú vị là cư dân bản địa khi nhắc đến món cháo lòng của Việt Nam luôn khen tấm tắc và cho biết, họ thường cùng bạn bè, gia đình thưởng thức món này. Họ kể, “Tại Palawan có nhiều quán bán cháo lòng rất ngon”. Và, họ chỉ cho tôi đến một quán nhỏ nằm cạnh chợ tên “Pham Chao Long”, cách bài trí không khác gì quán ăn bình dân tại Việt Nam hiện nay.

Gọi món cháo lòng để thưởng thức theo lời bà con nơi đây giới thiệu, tôi bất ngờ khi chủ quán bưng ra một… tô phở! Tôi thắc mắc, “phở” – món ăn đã được ghi vào từ điển Oxford ba bốn năm nay và được giới thiệu trong tất cả các cuốn sách hướng dẫn về du lịch Việt Nam – lại được người dân nơi đây gọi là “chao long”.

Không gặp được chủ quán Pham Chao Long, tôi tìm đến nhà hàng Làng Việt, và được chủ quán quê ở Sài Gòn sang đây 30 năm trước giải thích: “Ban đầu có người lấy tên quán cháo lòng nhưng bán chung các món phở, bún và cháo. Vì vậy, người bản địa quen miệng gọi quán “chao long” để chỉ nơi bán cả các món nói trên. “Nhiều năm qua, các quán ăn như Nhà hàng Việt hay Phở Sài Gòn đã dùng đúng tên cho các món ăn Việt, nhất là phở, giúp khách hàng không bị nhầm. Chỉ có điều, việc này cũng không dễ vì bà con đã quen với cái tên cháo lòng. Nhưng dù sao, chúng tôi đang cố gắng làm để ẩm thực Việt Nam được gọi chính tên”, bà chủ quán cười.

Những hàng quán, những con đường, những luống rau, những người bản xứ cởi mở và cả những người Việt ở tỉnh đảo xa xôi này làm tôi cứ bâng khuâng, quyến luyến. Ra xứ người mà cứ ngỡ như ở quê nhà.

Theo SGTT