Vừa mới tới đầu hẻm, tiếng “cạp cạp” của bầy vịt đã kêu vang, làm huyên náo cả một vùng quê yên ắng. Đến nơi, chúng tôi được anh Nguyễn Duy Trinh nhiệt tình giới thiệu mô hình nuôi vịt trời của mình.
Anh Trinh thường kiểm đếm số lượng đàn vịt trời trước mỗi buổi sáng đưa vịt đi ăn. Ảnh: Thiên Lý.
Năm 2010, anh Trinh tốt nghiệp đại học chuyên ngành Xây dựng cầu đường, Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Sau đó, anh đã có thời gian làm cán bộ kỹ thuật cho nhiều công trình ở Phú Yên và TP Hồ Chí Minh. Những tưởng nghề này sẽ gắn bó lâu dài với chàng kỹ sư trẻ tuổi nhưng sau 4 năm trải nghiệm, anh Trinh cảm thấy cuộc sống “nay đây mai đó” nhiều bấp bênh nên quyết định tìm hướng đi mới.
“Tôi tình cờ biết đến mô hình nuôi vịt trời trong chương trình truyền hình thực tế “Sinh ra từ làng” trên kênh VTV6 và VTV1. Nuôi vịt trời ở nhiều nơi đã có nhưng đối với Phú Yên, đây là mô hình khá mới mẻ, thậm chí nhiều người còn cho rằng nuôi vịt trời là việc làm không tưởng, điên rồ... Nhưng sau quá trình tìm hiểu, tôi lại thấy nuôi vịt trời không khó, thậm chí còn dễ hơn cả vịt nhà”, anh Trinh chia sẻ.
Dù vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình nhưng nói là làm, anh Trinh khăn gói đến cơ sở nuôi vịt trời của anh Tô Văn Dần ở tỉnh Tây Ninh, một trong những nhân vật trong chương trình “Sinh ra từ làng”, để học hỏi cách làm. Sau gần một tháng chịu khó học hỏi, quan sát, anh Trinh về quê xây dựng trại vịt trời với diện tích 200m2.
Ban đầu, anh Trinh kết hợp lấy vịt trời thương phẩm từ Tây Ninh về cung cấp cho các quán, nhà hàng trên địa bàn tỉnh; trong số đó, anh chọn những con lớn, có sức khỏe tốt giữ lại làm giống. Từ 100 con được chọn lọc cẩn thận, anh Trinh thả nuôi và đầu tư gần 30 triệu đồng mua máy, lò ấp trứng vịt trời tự động.
Đến nay, đàn vịt của anh Trinh có hơn 2.000 con. Mỗi tháng anh xuất bán khoảng 500 con vịt thương phẩm. Bình quân, giá bán mỗi con vịt trời là 200.000 đồng. Trừ chi phí, anh Trinh thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Thời gian gần đây, anh Trinh còn thuê thêm ruộng của bà con để thả vịt trời chạy đồng.
Theo kinh nghiệm của anh Trinh, để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, nên chăn thả vịt trời ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, người nuôi phải dùng “chiêu” cắt lông cánh và cho vịt ăn đầy đủ để chúng không “bận tâm” bay đi kiếm thức ăn. “Khi vịt được một tháng tuổi thì bắt đầu cho ăn các loại như: bắp, chuối, rau muống… Vịt trời ăn rất ít, chỉ bằng khoảng 10% khẩu phần ăn của vịt nhà. Từ khi nở ra đến khi xuất bán, chi phí thức ăn cho mỗi con vịt trời khoảng 50.000 đồng”, anh Trinh cho biết thêm.
Thịt vịt trời ngon, dai, ít mỡ nên nhiều người ưa chuộng. Hiện anh Trinh là đầu mối cung cấp vịt trời cho các quán ăn, nhà hàng không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn phát triển sang tỉnh Khánh Hòa, Bình Định. Qua trò chuyện, anh Trinh còn cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất để kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt, anh đang cung cấp vịt trời giống và bao tiêu sản phẩm cho các hộ có nhu cầu nuôi vịt trời.
Ông Mai Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), cho biết: “Chỉ mới bắt tay vào nuôi vịt trời từ đầu năm 2014 nhưng Nguyễn Duy Trinh đã gặt hái được thành công, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Mô hình nuôi vịt trời của anh Trinh còn giải quyết việc làm cho 2 lao động chính với mức thu nhập ổn định 4,5 triệu đồng/tháng và nhiều người làm công thời vụ. Ngoài ra, anh Trinh còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều bà con có nhu cầu nuôi vịt trời. Anh là một trong những tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi của xã”. |