Dân Việt

Kiếm cả triệu đồng mỗi ngày giữa mùa nắng nóng nhờ bẫy con da trơn

Quân Phạm 03/06/2017 06:12 GMT+7
Cùng với nghề bắt cua đồng, cáy, soi ếch... nghề đặt ống bẫy lươn đồng (một loài da trơn sống ở các vùng đầm lầy, ruộng trũng, ao hồ) ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang rộ lên trong những năm gần đây. Theo ghi nhận của phóng viên Nhà nông/báo điện tử Dân Việt, nhờ làm nghề này mà nhiều hộ ở một số xã của huyện Kim Sơn đang có thu nhập cao lên đến trên dưới 500.000 đồng/người/ngày.

img

 Anh Tuấn đang chuẩn bị “đồ nghề” đi bẫy lươn tại các cánh đồng ở trong xã Hùng Tiến (Kim Sơn).

Thời gian gần đây, do nhu cầu sử dụng loại đặc sản này nhiều nên giá lươn đồng tại Ninh Bình và nhiều nơi liên tục tăng cao. Theo khảo sát của phóng viên Nhà nông /báo điện tử Dân Việt, giá lươn đồng tại Ninh Bình luôn dao động từ 80.000 đồng đến trên dưới 100.000 đồng/1kg tùy loại. Vào thời điểm khan hiếm, giá lươn đồng tăng đến 120.000 đồng/1kg.

img

Dựa vào khẩu vị, sở thích của lươn đồng, các thợ đặt ống lươn luôn chọn làm mồi bằng cá, ốc, ếch để bẫy chúng. “Chỉ cần làm nhuyễn mồi cá, ếch cho vào ống, khi đặt xuống các nơi có lươn sống đảm bảo sẽ dụ và bẫy được chúng dễ dàng” – anh Tuấn chia sẻ với phóng viên Nhà nông/báo điện tử Dân Việt.

Anh Phạm Hữu Tuấn (35 tuổi) ở xã Hùng Tiến ( huyện Kim Sơn) cho hay: Nghề đặt ống lươn này diễn ra quanh năm, cứ có nước là có thể đặt ống bắt lươn được. Nhưng vào thời gian này lươn đồng sẵn hơn vì thế mà việc đi săn bắt cũng thuận tiện và được nhiều hơn.

“Lươn sinh sống ở đồng, ruộng, ao… ban ngày chúng trú sâu dưới bùn đất đến đêm mới ngoi lên kiếm thức ăn. Dựa vào sở thích ăn, uống của chúng mà các thợ bẫy tìm các mồi cá, ốc, giun đất… sau đó đưa về băm nhuyễn cho vào ống  (một dụng cụ bắt lươn) mới đưa đặt tại các cánh đồng để dụ và bẫy chúng” – anh Tuấn tiết lộ.

img

Dựa vào kinh nghiệm bẫy mà mỗi người có cách đặt và địa điểm đặt bẫy khác nhau để bắt lươn.

Anh Tuấn cho biết thêm, để hành nghề bẫy lươn, thợ đánh ống chỉ cần bỏ chi phí khoảng vài trăm nghìn mua ống nhựa sau đó cắt đoạn khoảng 40 – 50 cm. Một đầu ống được bịt kín, đầu còn lại cài hom để khi lươn chui vào không thể chui ra được. Trung bình, một thợ làm nghề này thường đặt từ 100- 300 ống, mỗi ngày cũng bắt được từ 3kg đến 5kg lươn đồng.

Theo những thợ săn lươn cho biết, công đoạn đi kiếm mồi và cho mồi vào ống là tốn thời gian nhất. Đối với những người đặt từ 300 ống trở lên, họ phải huy động người nhà trong gia đình vào làm cùng mới có đủ thời gian đi đặt ống.Với giá lươn trung bình như trên, thì những người thợ săn lươn dễ dàng bỏ búi từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/ngày.

img

Cận cảnh một chiếc bẫy đã được anh Tuấn đặt tại cánh đồng thuộc xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn.

“Nghề đặt ống lươn tuy khá vất vả nhưng lại có thu nhập rất tốt. Riêng cá nhân tôi ngày nào đi bắt được ít nhất cũng kiếm được trên 200.000 đồng, ngày nhiều cũng đút túi trên dưới 500.000 đồng”- anh Tuấn khoe thêm với phóng viên Nhà nông.Hơn 10 năm đi săn bắt lươn đồng, anh TrầnVăn Quyền (46 tuổi) ở xã Đồng Hướng (Kim Sơn) được biết đến là một trong những thợ bẫy lươn đồng chuyên nghiệp.

Anh Quyền cho biết, săn lươn đồng thì có rất nhiều cách, phổ biến nhất mọi người thường dùng là đặt ống lươn. Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn mua ống nhựa là có thể hành nghề và có thể kiếm nửa triệu mỗi ngày. “So với mấy năm trước, mấy năm trở lại đây lươn đồng được thu mua với giá cao nên mọi người làm nghề này cũng ăn nên làm ra”- anh Quyền chia sẻ.

img

Sản phẩm sau một ngày đặt bẫy của anh Tuấn là các ống đầy ắp lươn to, đẹp.

Cũng theo anh Quyền, do các sản phẩm lươn được bà con bắt ở đồng tự nhiên nên có chất lượng thịt rất tươi, thơm, ngon nên luôn được thị trường ưa chuộng, bởi thế mà người đi bẫy con trơn này luôn yên tâm về đầu ra, bà con cứ bắt được bao nhiêu đều có thương lái đến tận nhà cân.

img

 Theo tìm hiểu của phóng viên Nhà nông/báo điện tử Dân Việt, sau khi các thợ thu ống về, lươn sẽ được các thương lái đến nhà cân với giá cao.

Theo chị Trần Thị Thủy, một thương lái thu mua lươn trong huyện, thời điểm này đang vào đầu mùa lươn, mỗi ngày chị thu mua tại các điểm trên địa bàn huyện Kim Sơn được khoảng gần 1 tấn lươn. “Lươn bắt từ đồng ruộng nên thịt chắc và thơm ngon đặc trưng nên khách hàng ở thành phố rất thích, cứ thu mua bao nhiêu tôi đều bán hết” – chị Thủy khẳng định..