Đóng gói gạo đưa đi xuất khẩu tại một doanh nghiệp.
Theo Bộ NNPTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5 năm 2017 ước đạt 538.000 tấn với giá trị đạt 245 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,3 triệu tấn và 1 tỉ USD, tăng 1,6% về khối lượng và tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng năm 2017 đạt 445 USD/tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam chiếm 47,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 815.000 tấn và 376 triệu USD, tăng 16% về khối lượng và tăng 16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 với hơn 11% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng 24% về khối lượng và tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Bốc xếp gạo xuất khẩu.
Trước đó xuất khẩu gạo cũng đón tin tích cực từ Bộ Công Thương, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với Bangladesh Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo giữa hai nước. Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn; hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng.
Ngay sau khi ký kết Bản ghi nhớ này, phía Bangladesh mong muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250.000 – 300.000 tấn gạo trắng 5%. Phía Bangladesh chính thức mời đầu mối của phía Việt Nam sang nước này trong thời gian sớm nhất để làm việc, đàm phán về giá cả và khối lượng, phương thức giao hàng... Đồng thời, phía nước bạn cũng cho biết mong muốn mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017.