Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu STB của Sacombank đã tăng hơn 30%. Sự bứt phá mạnh nhất tính từ cuối tháng 4 đến nay khi STB vượt qua mức giá 12.000 đồng/CP và đạt đỉnh điểm trong phiên giao dịch ngày 7.4, cổ phiếu STB đạt mức giá tới 13.150 đồng/CP.
Thị giá cổ phiếu Sacombank tăng mạnh đến từ thông tin nhân sự cấp cao? (Ảnh: IT)
Nếu xem xét kỹ toàn thị trường qua các phiên giao dịch vừa qua, thì dường như những thông tin khiến cổ phiếu STB có phiên tăng điểm lại liên quan đến vấn đề nhân sự điều hành nhà băng này, hơn là những thông tin đến từ đề án tái cơ cấu khi thông tin Novaland của đại gia bất động sản Bùi Thành Nhơn ngỏ ý muốn mua 20% cổ phần của Sacombank, cổ phiếu STB đã có liên tiếp 5 phiên tăng mạnh, vượt qua mức giá 12.000 đồng/CP.
Đến phiên giao dịch ngày 7.4, một lần nữa cổ phiếu STB lại dậy sóng khi nhóm của ông Đặng Văn Thành tuyên bố sẽ bỏ ra 20.600 tỷ đồng tham gia tái cơ cấu Sacombank, khiến cổ phiếu STB tăng trần lên 13.150 đồng/CP, mức giá cao nhất cho tới thời điểm hiện tại. Ngay sau đó, thị giá STB cũng giảm dần vì những thông tin nhóm ông Đặng Văn Thành có thể sẽ không tham gia “sân chơi” Sacombank.
Cuối cùng, khi danh sách một loạt nhân sự đến từ Vietcombank, Him Lam tham gia chính thức ứng cử vào HĐQT, BKS Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021 được Sacombank công bố vào ngày 26.4, trong đó nổi bật là nhân tố Nguyễn Đức Hưởng của LienVietPostBank khiến cổ phiếu STB một lần nữa tăng trần lên 11.850 đồng/CP.
Dù được duyệt đề án tái cơ cấu, STB vẫn phải trích lập khoảng 4.300 tỷ đồng/năm? (Ảnh: IT)
Trong khi đó, khi thông tin đề án tái cơ cấu của Sacombank được duyệt và công bố rộng rãi trên khá nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày cuối tháng 5 lại không giúp cổ phiếu STB tăng giá dù đề án này được đánh giá là “cực kỳ ưu đãi” đối với nhà băng này trong tiến trình tái cơ cấu. Thậm chí, trong các phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu STB lại có xu hướng giảm.
Tại phiên giao dịch chiều ngày 2.6, cổ phiếu STB chỉ còn 12.400 đồng/CP, giảm so với mức giá 12.700 đồng/CP mà STB đạt được sau khi đề án tái cơ cấu được công bố.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì cổ phiếu STB không có khả năng bứt phá mạnh dù đề án tái cơ cấu Sacombank vừa được công bố đánh dấu sự hỗ trợ khá lớn từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Lý do là vì, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán thì tổng giá trị “tài sản được tái cơ cấu” của STB tại thời điểm cuối năm 2016 còn rất lớn, vào khoảng 85,97 nghìn tỷ đồng. Theo đó, nếu ước tính giá trị thị trường của tài sản đảm bảo là khoảng 50% giá trị “tài sản được tái cơ cấu” trong trường hợp tốt nhất, Sacombank vẫn có thể lỗ khoảng 43 nghìn tỷ đồng và theo kế hoạch tái cơ cấu hiện tại, cho phép STB phân bổ dần số lỗ này trong tối đa 10 năm. Có nghĩa là Ngân hàng sẽ phải trích lập ít nhất 4.300 tỷ đồng mỗi năm.
“ Chi phí hoạt động bình quân của STB trong 2 năm qua sau sáp nhập là 5.413 tỷ đồng/năm. Do đó, để duy trì lợi nhuận danh nghĩa trong 10 năm tới sau khi trích lập dự phòng đầy đủ thì tổng doanh thu tối thiểu mà STB cần đạt được phải vào khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Đây sẽ là khó khăn lớn với STB bởi trong giai đoạn 2011-2014 trước sáp nhập, thu nhập lãi thuần bình quân của STB chỉ vào khoảng 6.382 tỷ đồng/năm và tổng thu nhập hoạt động là 7.364 tỷ đồng”, đại diện Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nhận định.