Vụ ám sát còn là bằng chứng mới nhất về sự điều chỉnh chiến lược của Taliban định hướng vào lộ trình triệt thoái quân đội Mỹ và NATO khỏi Afghanistan, vừa gây khó dễ cho Mỹ, NATO và chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai ở Afghanistan lại vừa gây áp lực buộc Mỹ và NATO phải thực sự rút quân đội khỏi Afghanistan.
Theo chiến lược này, Taliban tránh giao tranh quân sự trực tiếp và trên quy mô lớn với quân đội Mỹ và NATO, nhưng tăng cường tập kích và tấn công vào quân đội Mỹ và NATO, vào người nước ngoài, cơ quan chính phủ và những chức sắc có tiếng ở Afghanistan.
Ông Rabbani được người kế nhiệm uỷ thác sứ mệnh đàm phán hoà bình với Taliban. Cho nên việc Taliban sát hại ông Rabbani cho thấy Taliban hiện tại không quan tâm đến tiếp xúc và đàm phán trực tiếp với chính quyền của ông Karzai mà vẫn tiếp tục coi Mỹ mới là đối tác đối thoại chính để từ đó gây dựng vị thế có lợi nhất khi đi vào giải pháp chính trị và chia sẻ quyền lực với chính quyền Afghanistan.
Vì thế, điều đáng lo ngại hiện tại ở Afghanistan không chỉ có tình hình an ninh tồi tệ chung, mà trước hết là sự gia tăng hoạt động quân sự của Taliban theo định hướng chiến lược nói trên.
Thực tế cho thấy Taliban không đủ khả năng đánh đuổi Mỹ và Nato ra khỏi Afghanistan, nhưng Mỹ và NATO cũng không thể tiêu diệt được Taliban, thậm chí không làm Taliban bị suy yếu về quân sự đến mức không còn là mối đe doạ về an ninh đối với chính quyền Afghanistan sau khi Mỹ và rút hết.
Cho nên, cái khó xử của Mỹ và NATO ở Afghanistan chỉ là bỏ thì thương, vương thì tội trong khi đối với chính quyền Afghanistan lại là nguy cơ mang tính tồn vong.
Huệ Như