2 giờ trưa, bên bếp lửa hồng, ông Vượng đang quấy từng nồi cám cho lợn. Trước đó, ông đã phơi bã rượu và nhặt từng khúc cây khô về để chẻ củi. Mọi việc bắt đầu từ 5 giờ sáng, khi xóm 15 (thôn Hàn Mạc, xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) vẫn say giấc nồng.
Ông Lê Công Vượng năm nay đã hơn 60 tuổi. Trong nhà chỉ có người vợ của ông – bà Nguyễn Thị Ngà cùng chung sống. Ngày nắng cũng như mưa, hai ông bà vẫn đều đặn duy trì việc chăn nuôi lợn. Khi bà Ngà đun cơm, ông Vượng bóp cám. Nấu xong, bà lại cho lợn ăn, còn ông Vượng rửa chuồng.
Nếu không có khủng hoảng, sau 5 tháng 12 ngày, con lợn sẽ đạt 1,2 tạ và đủ chuẩn xuất chuồng. Nhưng thị trường đã không chiều lòng người.
Hiện giờ, nhiều con vẫn đang với lên thành cũi đòi ăn khi thấy ông Vượng bước vào. Chúng vẫn đói nhưng ông Vượng cũng không cho ăn thêm vì tăng cân nhiều sẽ không bán được (loại quá 1,5 tạ) nếu phía Trung Quốc nhập hàng trở lại.
"Bây giờ tính, con lợn Tam Đảo hơn 40 kg mua giá 64.000 đồng/kg hơi mà bán giá 18.000 đồng/kg. Nuôi lên 150 kg mất 5 tháng 12 ngày. Mỗi tháng ăn hết 600.000 đồng. Lỗ mỗi con lợn hơn 3 triệu. Lợn hơn 2 tạ, lỗ trên 4 triệu/con. 100 con là lỗ 400 triệu, chưa có tiền thuốc tiêm, điện, nước, công chăm sóc. Thế là 200 con lợn của nhà đã khiến gia đình lỗ 1 tỷ đồng" – ông Lê Công Vượng cho biết.
Sau khi lỗ nặng, ông Vượng giảm số lượng lợn chăn nuôi chỉ còn hơn 50 con.
Thực tế, giá lợn đã liên tục xuống dốc trong sáu tháng nay. Từ mức 32.000 đồng/kg vào tháng 12/2016, giờ chỉ còn 18.000 đồng/kg lợn hơi (tháng 5/2017). Giá lợn đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay và cũng là thấp nhất trên thế giới.
Khu vực rộng 36km2 gồm các xã Hưng Công, Ngọc Lũ và các vùng lân cận (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) được coi là trung tâm chăn nuôi lợn lớn nhất miền bắc. Nhưng, những ngày qua người dân ở đây đang đứng ngồi không yên.
Bởi trong cơn khủng hoảng này, không chỉ có những hộ chăn nuôi như gia đình ông Vượng chịu thiệt hại mà đại lý bán cám cũng là đối tượng chịu lỗ lớn. Tình hình an ninh trật tự trở nên căng thẳng đến mức lực lượng công an đã xuống từng hộ dân và đề nghị họ kiềm chế.
"Mỗi ngày tôi đang lỗ 1,5 triệu đồng. Vấn đề hiện nay là người nuôi lợn không có tiền trả, trong khi tôi cũng phải vay vốn ngân hàng. Công an đã xuống tận nhà do e ngại vấn đề an ninh trật tự, dùng xã hội đen để đi đòi nợ. Họ đã đề nghị tôi cố gắng kiềm chế. Nhưng nếu tôi không đi đòi người chăn nuôi thì ngân hàng sẽ đến xiết nhà tôi" - ông Nguyễn Quốc Vương, chủ một đại lý bán cám lợn chia sẻ.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị cung cấp vốn chủ yếu cho người dân vùng chăn nuôi lợn. Đối với gói vay chăn nuôi, ngân hàng này đang đưa ra mức lãi suất 0,7%/tháng, thấp hơn nhiều so với khoản vay cho mục đích khác (0,9%/tháng). Nhận thấy ưu đãi, người chăn nuôi đã mạnh dạn vay tiền mở rộng quy mô đàn lợn. Mượn nhà, mượn danh trại của họ hàng là cách người chăn nuôi thuyết phục được ngân hàng cho vay tới 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi các hộ dân gặp khó khăn, lượng nợ xấu của ngân hàng này bị tăng lên như một lẽ dĩ nhiên. Điều này khó có thể được xã hội chấp nhận, đặc biệt trong lúc Chính phủ cũng đang dùng mọi biện pháp để kéo giảm con số nợ xấu xuống. Và, chi nhánh ngân hàng ở địa phương đã có cách để giải quyết vấn đề này.
"Ngân hàng không những không giảm nợ, giãn nợ mà lãi vẫn thu đầy đủ. Họ đã nhắn tin và gọi điện, đề nghị mang tiền lên vì đã hết hạn vay. Nhưng tháng nào cũng đóng lãi đầy đủ, như vậy là cố gắng hết sức rồi" – ông Nguyễn Quốc Vương nói.
Nhiều phướn được treo dọc theo con đường dẫn vào trung tâm chăn nuôi lợn. Không phải những lời mời gọi cho vay tín chấp, đây là băng rôn quảng cáo của các doanh nghiệp. Mất khả năng tái đàn, nhiều người đã chấp nhận làm việc tại các nhà máy sản xuất.
Một công ty sản xuất búp bê đồ chơi của Trung Quốc sẵn sàng trả cho mỗi người lao động mức lương 6 triệu đồng/tháng. Nếu làm thêm ca đêm và ngày chủ nhật, họ có thể nhận được 9 triệu đồng. Mọi công nhân đều được phục vụ miễn phí một bữa trưa theo chính sách đãi ngộ của công ty. Dù mức lương khá, nhưng không nhiều người chọn gắn bó với nhà máy. Có những người đã bị sưng mặt do tiếp xúc nhiều với sơn và nhựa.
Người dân địa phương cho biết, đa số người thân trong gia đình của họ chọn làm việc tại nhà máy của doanh nghiệp Việt Nam. Nhà máy 10 thuộc Công ty may Hồ Gươm có thể trả mức lương tháng khoảng 4 triệu đồng/tháng. Một doanh nghiệp khác chuyên sản xuất thú bông dành 3 triệu đồng cho mỗi tháng lao động của công nhân. Tuy nhiên, cánh cổng việc làm tại những nhà máy này đều khép lại đối với những người trên 50 tuổi.
Một lựa chọn khác của những người không trả được nợ là bỏ trốn. Theo người dân địa phương, đã có vài người rời làng và bỏ lại cha mẹ cho họ hàng chăm sóc. Còn ngôi nhà, giờ thuộc về ngân hàng.
Giữa xóm 15, vài người chăn nuôi đang chia sẻ nỗi buồn sau khi phải bán tháo lợn. Những con chỉ mới vừa 70kg cũng đã được bán cắt lỗ. Mức giá không được 18.000 đồng/kg. "Người 60-65 tuổi chắc không còn cơ hội để trả nợ. Đời thứ ba may ra mới trả hết" – một người nói. Chỉ tay vào chiếc xe cũi đang chạy, bà Ngà than thở: "Xe vẫn chạy mà lợn không lên. Vậy đấy!"
Trả lời báo chí hồi đầu tháng 5/2017, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết Bộ đã có khuyến cáo bà con nông dân ngừng tăng đàn, kiểm soát chặt chẽ thức ăn chăn nuôi và giảm đàn lợn nái xuống. Từ cuối năm 2016, văn bản của Bộ đã chỉ đạo các sở địa phương, UBND tỉnh, thành phố phải thông tin đến chính quyền các cấp, đến người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, tại trung tâm chăn nuôi lợn của miền bắc, bà Nguyễn Thị Ngà cho biết rằng chưa từng được nghe về khuyến cáo của cơ quan chức năng. Không những vậy, lãi suất thấp của ngân hàng còn là yếu tố khuyến khích người dân vay tiền để để mở trại.
"Chẳng có ai báo thừa lợn, thừa thịt. Không những thế, ngân hàng còn khuyến khích dân vay tiền giá rẻ để mở trại" – bà Ngà nói.
Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 do Bộ NNPTNT soạn thảo (phê duyệt năm 2008), định hướng phát triển chăn nuôi lợn đến năm 2020 được ấn định con số 35 triệu con. Trong khi đó, cuối quý I/2017, Tổng cục Thống kê cho biết cả nước chỉ có 29 triệu con lợn nhưng cả nước đã phải tham gia vào chiến dịch "giải cứu".
"Với số liệu 35 triệu con đến năm 2020, rõ ràng nông dân đã thực hiện tốt!" - ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp nhận định. Mặc dù số lợn thấp hơn tầm nhìn của Bộ NNPTNT, nhưng người chăn nuôi đang chịu lỗ lớn do giá lợn chỉ còn 18.000 đồng/kg hơi.
Cơn "lũ lợn" không chỉ ập đến với người chăn nuôi và các hộ kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, thiệt hại đã thực sự gõ cửa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Báo cáo tài chính của Tập đoàn Dabaco cho biết, lợi nhuận sau thuế đã giảm 14% xuống mức 59,44 tỷ đồng, chỉ trong quý IV/2016. Giá thịt lợn trên thị trường giảm khiến doanh thu từ hoạt động chăn nuôi gia công lợn và chế biến thực phẩm của Dabaco lỗ 10 tỷ đồng.
Đã nhiều lần cả nước chung tay giải cứu nông sản Việt. Thống kê cho thấy, chuối, dưa hấu và thịt heo là 3 mặt hàng được xúc tiến giải cứu chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017. Trước đó, danh sách mặt hàng ế thừa đã ghi danh thanh long, ớt, hành tím,...
Nhiều nguyên nhân đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhằm lý giải cho thực trạng đáng buồn hiện nay. Trong đó, đặc tính sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là nông hộ được coi là nguyên nhân sâu xa.
Giải pháp cho vấn đề hiện nay được đề cập đến trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là đột phá về khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường: truy xuất được nguồn gốc, quản lý được an toàn thực phẩm, quản lý được dịch bệch, đồng thời đảm bảo khả năng cạnh tranh tốt.
Điều được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là phải hình thành được liên kết 5 nhà: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng. Trong đó, chỉ có doanh nghiệp thu mua, chế biến, sản xuất để xuất khẩu mới biết rõ thị trường cần gì. Chính phủ cũng đã dành gói tín dụng 100.000 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng điểm yếu hiện nay của nông nghiệp là thực thi chính sách. "Những chính sách hỗ trợ chỉ nặng về tuyên bố nhưng thụ hưởng không có" – ông Tuấn nói.
Báo cáo Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016 được công bố bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, môi trường kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam đang đứng thứ 37/40, cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar trong khu vực.
Trong lúc chờ đợi chính sách của Nhà nước, ông Vượng đã mua thêm 6 con lợn nữa, nâng tổng đàn lợn của gia đình ông lên 60 con. Ông nghĩ rằng, người khác phải mua cám công nghiệp mất 10.000 đồng/ngày, còn ông tự nấu lấy vừa là cách để lao động, vừa giảm được 1.000-2.000 đồng chi phí. "Nhỡ sang năm lợn đắt thì sao?" – ông hỏi.
Ở nhà đối diện, một hộ dân khác đang nợ 1 tỷ đồng và đã chuyển sang nuôi giun.