Không như quan niệm của người Kinh, quan tài là vật dụng tượng trưng cho tang tóc, xui rủi... vì vậy việc để quan tài trong nhà là sự cấm kỵ. Với cộng đồng thiếu số người Hrê thì quan tài mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Theo đó các bậc sinh thành khi còn sống được con, cháu làm quan tài tặng cho là một sự báo hiếu đáng trân trọng và đầy tự hào.
Một buôn làng của người Hrê ở huyện Ba Tơ.
Đưa tay mân mê chiếc quan tài để ở góc nhà, cụ Phạm Thị Hui (80 tuổi, ở xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ) giọng đầy hồ hởi: “Quan tài này do con trai của già làm tặng cách đây mấy năm rồi. Để làm cái quan tài này, nó phải mất hơn 2 tháng".
Theo lời các già làng ở huyện Ba Tơ thì tập tục làm quan tài cho mẹ cha khi còn sống để báo hiếu có từ hàng trăm năm nay. Và hiện nhiều bản làng trong cộng đồng người Hrê ở miền núi Quảng Ngãi vẫn còn giữ tập tục này.
Quan tài của người Hrê.
Già Phạm Văn Vê (81 tuổi, ở xã Ba Xa, huyện Ba Tơ) kể: "Ngày xưa khi rừng còn nhiều gỗ quý thì cha mẹ sẽ tự vào rừng chọn tìm loại cây gỗ mà mình ưng ý, chủ yếu là các loại lim, trắc, gõ… Sau khi gia đình sẽ làm lễ cúng xin "thần rừng" xong, người con, cháu trai lớn (trên 18 tuổi) sẽ đốn hạ rồi chọn lấy 1 đoạn, với đường kính từ 50-70cm, dài khoảng 2-3m mang về nhà để làm". Theo đó một phần phía trên sẽ cắt làm nắp, rồi khoét bỏ phần ruột phía trong tạo khoảng trống để cha mẹ mình nằm vừa khi qua đời.
Các bậc sinh thành người Hrê rất vui và tự hào khi được con, cháu làm quan tài để báo hiếu.
Ông Phạm Văn Xí - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Ba Xa, cùng huyện bày tỏ: “Cách đây 4 năm, tôi cũng làm 2 cỗ quan tài cho bố, mẹ mình. Không phải là tôi không có tiền để mua mà muốn tự tay làm tặng để trả công ơn sinh và nuôi nấng mình".
Không chỉ mang ý nghĩa báo hiếu, với người Hrê thì quan tài tự làm còn là món quà cưới đầy ý nghĩa để tặng nhau nhằm bày tỏ, thể hiện mong muốn thắt chặt tình thân giữa 2 nhà.