Nhiều bà con dân tộc Thái, Dao… cũng tìm về vườn mận của ông Sở để tham quan, học tập cách làm.
Thay thế cây…thuốc phiện
Ngay từ năm 1991, khi cây mận hậu mới “bén duyên” với đất Mộc Châu, ông Sở đã mạnh dạn nhận 300 gốc về trồng trên đất nương nhà mình. Ông Sở thổ lộ: “Đó là loại cây mới với chúng tôi, do nhà nước đưa về giúp dân thay thế cây thuốc phiện. Ngày ấy nhiều người nghi ngờ về hiệu quả cây này lắm, nhưng tôi nghĩ, nhà nước đã đưa về, không tin thì tin vào ai nữa…”.
Du khách được thỏa thích trèo lên cây mận hậu hơn 20 năm tuổi trong vườn nhà ông Sở để hái quả.
Chỉ sau 3-5 năm chăm bón, những gốc mận hậu của ông Sở đã cho thu hoạch. “Khi đó việc bán quả mận khó hơn bây giờ. Nhưng dù sao thì vẫn còn hơn là trồng ngô, lúa nương. Vì thế nên sau 2 vụ thu quả, tôi quyết định trồng thêm. Tôi không trồng ồ ạt mà mỗi năm chỉ thêm từ 100-200 cây. Đất còn lại để trồng lương thực ăn hàng ngày…”, ông Sở kể.
Những trái mận tươi của nhà ông Sở được bày bán ngay bên lề đường vào tiểu khu Pa Khen.
Nhớ về những “thăng trầm” của cây mận hậu ở Mộc Châu, ông Sở cho hay: Có thời kì, giá bán mận quả chỉ 500 – 1.000 đồng/kg, khiến người trồng mận lao đao. Nhiều hộ đã phá bỏ vườn mận để thay thế bằng các loại cây trồng khác. Nhưng tôi thì không chỉ tăng thêm diện tích mà còn đầu tư phân bón, kỹ thuật chăm sóc để cây mận cho năng suất, chất lượng cao hơn…”.
Người Pháp bày người Mông chăm mận
Từ năm 2014 đến nay, mận hậu Môc Châu ngày càng được nhiều người biết đến và tiêu thụ tốt nhờ có sự tham gia tích cực của tỉnh, huyện trong việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu. Bên cạnh đó cũng có thêm nhiều sản phẩm chế biến từ mận như rượu mận, ô mai mận, mứt mận…Qua đó, giá bán mận cũng tăng lên. “Đó là một cơ hội tốt cho nông dân trồng mận như gia đình tôi...Mùa hoa mận nở hay mùa quả mận chín đều có nhiều khách du lịch lên ngắm và chụp ảnh... ” – ông Sở chia sẻ.
Các thiếu nữ đến từ Hà Nội thuê áo váy Mông để mặc khi đi thăm và chụp lưu niệm trong vườn mận.
Hiện nay, ông Sở và nhiều người trồng mận ở Mộc Châu đang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tỉa đốn, chăm sóc, bón phân cho cây mận theo hướng dẫn của các chuyên gia của Pháp. Dự án này có tên là ASODIA, được thực hiện từ năm 2009. Áp dụng kỹ thuật này, những gốc mận được trồng từ nhiều năm trước đã được trẻ hóa và tạo tán đẹp hơn. Đặc biệt là năng suất, sản lượng của cây mận cũng cao hơn so với trước.
Du khách hứng khởi với ý tưởng trực tiếp hái mận trên cây và tự tay mang ra khỏi vườn.
Ông Sở phấn khởi khoe: “Đến nay tôi đã có hơn 1.000 cây mận hậu đang cho quả. Năm ngoái, tôi thu được hơn 80 tấn quả, bán được 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 600 triệu đồng. Năm nay, khả năng sẽ lãi cao hơn vì giá bán cao hơn năm trước.
Tháng 5 vừa qua, ông Sở được nhận Giấy chứng nhận hộ trồng mận tiêu biểu của huyện Mộc Châu.
Nhiều người Mông ở Mộc Châu này đã học theo ông Sở, tích cực chuyển đổi cây trồng, lấy nguồn thu bù vào việc phá bỏ cây thuốc phiện. Nhờ thế cuộc sống của những người Mông trồng mận hậu theo cách làm của ông Sở cũng khá lên. Nhà tôi cũng thoát được nghèo là nhờ làm theo ông Sở đấy…”, ông Hàng A Chua. |