Dân Việt

Chặt 1.300 cây xanh, đừng để lần nữa phải “hối hận” vì vội vàng

Thanh Hằng 06/06/2017 14:07 GMT+7
Những tưởng chuyện chặt cây xanh ở Hà Nội sẽ không bao giờ còn tái diễn. Vậy mà chỉ 2 năm sau, giờ đây Hà Nội lại chuẩn bị đi vào vết xe cũ.

Thông tin về việc Hà Nội sẽ chặt 1.300 cây xanh để mở rộng đường Phạm Văn Đồng như một cú sốc với những người yêu thiên nhiên, yêu Hà Nội. 

Và như một “phép thử” của “ông Trời”, chính thời điểm này, Hà Nội đã rơi vào đợt nắng nóng lịch sử tới 41-42 độ, như cách để mọi người cùng trải nghiệm cảm giác nắng nóng khi thiếu vắng cây xanh sẽ ra sao…

Người Pháp, ngay từ đầu đặt chân đến Hà Nội đã rất chú trọng đến cây xanh đô thị. Từ những năm đầu thế kỷ XX, thành phố đã quy định nếu phá hoại cây trên phố sẽ bị phạt tiền cùng với trồng lại giống cây đó. Vì thế, cả thế kỷ qua, người dân Hà Nội đã được thừa hưởng những con phố xanh mát mắt với những đặc trưng riêng: sao đen ở Lò Đúc, xà cừ mát mắt trên phố Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, và Phan Đình Phùng, Trần Phú lại phủ xanh màu của sấu… 

Tốc độ đô thị hóa đang ngày càng thu hẹp lá phổi của thành phố khiến Hà Nội càng khát cây xanh.

Cứ hình dung ngày nắng nóng đi trên một con phố không có bóng cây, ta sẽ hiểu được nỗi “cháy da bỏng thịt” nhường nào. Những người lao động, người đi bộ càng rất cần những bóng cây để nép vào tránh nắng. Cả những người đi xe máy trên đường, mỗi khi gặp đèn đỏ cũng đều cố chúi vào dưới bóng của một cây xanh dù rất nhỏ. 

Công viên Lê Nin, công viên Thống Nhất, công viên Bách Thảo… luôn thu hút người dân cũng chính nhờ những cây xanh tỏa bóng. Mà những công viên thì chỉ như những mảnh vụn trên địa bàn thành phố đang ngày càng đông đúc dân hơn…

Thế nhưng những năm gần đây, việc phá bỏ cây xanh có vẻ được quyết đáp quá dễ dàng. Mà mỗi “dự án” là cả ngàn cây đi tong. 

img

Toàn bộ hàng cây xà cừ tuyệt đẹp trên đường Nguyễn Trãi đã bị chặt hạ. D.V

2 năm trước, Hà Nội như “chảo lửa” vì quyết định chặt 6.400 cây xanh và đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận ra sao. 

Để rồi, trong phiên họp HĐND TP.Hà Nội ngày 7/7/2015, chính lãnh đạo Hà Nội phải thừa nhận có sự nóng vội trong việc chặt cây xanh cùng bài học kinh nghiệm phải lấy ý kiến các nhà khoa học và nguyện vọng của người dân trước khi tiến hành… 

Những tưởng chuyện chặt cây xanh ở Hà Nội sẽ không bao giờ còn tái diễn. Vậy mà chỉ 2 năm sau, giờ đây Hà Nội lại chuẩn bị đi vào vết xe cũ. 

Kiến trức sư Pierre Cambon - nguyên cố vấn Tòa thị chính thành phố Toulouse (Pháp) từng “rất kinh ngạc khi biết tin về dự án chặt cây xanh ở Hà Nội”. Bởi “một cây trưởng thành ở đô thị, chưa kể cổ thụ, có giá trị vượt quá với giá trị thương mại thông thường từ gỗ mà nó có thể mang lại….”. 

Và giờ đây, trước quyết định chặt hàng loạt cây với số lượng rất lớn nữa, không biết Pierre Cambon có thể nói gì?

Bởi với 6.400 cây chặt lần trước, cộng thêm 1.300 cây lần này, tức là chỉ trong 2 năm, Hà Nội sẽ xóa sổ gần chục nghìn cây - một con số mà bất cứ ai nghe thấy cũng phải giật mình, vì biết đến bao giờ mới có thể bù lại, chứ chưa nói phải trồng thêm? 

Hà Nội từng nói sẽ rút kinh nghiệm từ vụ chặt cây năm 2015, nhưng giờ đây, kế hoạch chặt 1.300 cây vẫn theo kịch bản cũ: lãnh đạo thành phố quyết định chứ chưa lấy ý kiến các nhà khoa học, giới quy hoạch kiến trúc, kiến trúc cảnh quan, đô thị. 

Cho đến nay, cũng chưa thấy công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường - điều không thể thiếu trước khi tiến hành một vấn đề liên quan môi trường. Cũng chưa thấy khảo sát, thăm dò ý kiến người dân trong vùng bị ảnh hưởng. 

Hôm qua, khi các báo phỏng vấn, Bí thư Thành ủy Hà Nội mới cho biết “TP.Hà Nội đang lấy ý kiến người dân”. Nhưng lấy ý kiến ở đâu và khi nào thì … chưa ai biết! 

Trong khi Hà Nội và cả những hàng cây của thành phố là tài sản chung của người dân vì tác động trực tiếp đến chính đời sống của từng người. 

Đặc biệt, lãnh đạo TP.Hà Nội cho rằng, muốn giữ lại hàng cây đó nhưng chạy đường trên cao thì không giữ nổi. Sự thực có phải như vậy?

Trước đây, để xây dựng Bảo tàng Hà Nội, Hà Nội còn tổ chức thi thiết kế để chọn phương án khả thi nhất, mà sao dự án này lại không?

Nếu các nội dung được công khai, minh bạch với các yêu cầu cụ thể, chắc chắn sẽ thu hút sự tham gia của nhiều nhà thiết kế có tầm, kể cả ở nước ngoài. Và ai bảo sẽ không có phương án vừa làm được đường, vừa giữ được cây xanh, lại còn tiết kiệm tiền vì không phải phá bỏ, di dời hàng vạn mét khối gỗ, hàng nghìn tấn lá cành? 

Thực tế, sau khi có thông tin Hà Nội sẽ chặt 1.300 cây xanh, đã có những ý kiến tâm huyết trên báo chí hiến kế các phương án khác. Cũng chưa thấy Hà Nội công bố kế hoạch “hậu chặt cây” là số cây này để làm gì khi mà theo dự kiến, sẽ có 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4 m đến 1,2m?

Cách tiến hành một dự án lớn, liên quan đến môi trường sống của người dân Thủ đô như vậy khiến nhiều người không khỏi lo âu: Liệu sau khi chặt hạ 1.300 cây xanh, lãnh đạo TP.Hà Nội có một lần nữa phải thừa nhận trong sự hối hận muộn màng về việc có sự nóng vội như 2 năm trước? 

Lại nữa, nếu cứ sau vài năm lại có cả ngàn cây bị chặt vì “phát triển”, thì sự phát triển này có xứng đáng để đánh đổi, khi mà người dân sẽ phải đối mặt với những hậu quả vô cùng to lớn do biến đổi khí hậu, mà đợt nắng kỷ lục trong gần 50 năm qua những ngày này là một minh chứng! Kế hoạch Hà Nội sẽ trồng 1 triệu cây bao giờ mới thành hiện thực khi có những dự án chặt cây làm “thâm thủng” thế này?