Dân Việt

Vì sao phải cân nhắc kỹ trước bất kỳ tác động nào đến Sơn Trà?

Lê Thí 08/06/2017 08:27 GMT+7
Chỉ cần 5-10 năm con người có thể xây dựng cả một thành phố to lớn, nhưng đến 100 năm chưa chắc có thể khôi phục một hệ sinh thái, dù rất nhỏ như… Sơn Trà!

Sơn Trà, còn gọi là Sơn Chà, là dãy núi phía đông bắc TP. Đà Nẵng có hệ sinh thái rừng tự nhiên độc đáo nằm cách trung tâm thành phố khoảng 8km, nay thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Bán đảo Sơn Trà là một bán đảo ba mặt giáp biển, mặt còn lại là đất liền với dân cư sinh sống đông đúc. Bán đảo có hệ tọa độ khoảng từ: 16°05’50”B đến 16°09’06”B và từ 108°12’45”Đ  đến 108°20’48”Đ, có diện tích độ 60 km2 (dài 13km, rộng 5km), với ba bộ phận. Phía đông là Hòn Nghê, phía tây là hòn Mỏ Diều, phía bắc là hòn Cổ Ngựa. Độ cao trung bình của núi 350m, đỉnh Bàn Cờ ở giữa cao nhất với 696m. Đây là ngọn núi độc đáo vì là bức chắn địa hình để kết hợp cùng núi Hải Vân tạo thành vịnh biển Đà Nẵng, là cơ sở hình thành thành phố cảng Đà Nẵng. Ngọn núi gần như nằm trong lòng thành phố, gần gũi với người dân qua bao đời, làm thành một phần quan trọng trong đời sống tình cảm và tâm linh của người dân Đà Nẵng:

"Chiều chiều mây phủ Sơn Trà.

Lòng ta nhớ bạn nước mắt và lộn cơm"...

img

Phong cảnh Sơn Trà. Ảnh: Lê Phước Chín

Sơn Trà còn là lá phổi xanh của thành phố trong hiện tại và tương lai. Rừng Sơn Trà có khả năng lọc một lượng không khí lớn để cung cấp cho cả 4 triệu dân.

Sơn Trà còn là vị trí “nhạy cảm” và cực kỳ quan trọng về mặt quốc phòng từ xưa tới nay. Nó được xem là “con mắt thần” cho cả khu vực Đông Dương.

Nhưng độc đáo nhất của bán đảo Sơn Trà lại là hệ sinh thái tự nhiên, đây là hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền với biển duy nhất ở Việt Nam, làm cho Đà Nẵng là nơi duy nhất ở nước ta có hệ sinh thái đặc biệt, độc đáo giữa lòng thành phố.

Sự độc đáo của Sơn Trà về mặt tự nhiên nhờ ở vị trí đặc biệt, trong khu vực chuyển tiếp giữa miền có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh ở phía Bắc (dãy Bạch Mã) với miền có khí hậu cận xích đạo gió mùa ở phía Nam. Cảnh quan tự nhiên của Sơn Trà vì vậy cũng mang tính chuyển tiếp.

img

Voọc Chà vá chân nâu Sơn Trà. Ảnh: Lê Phước Chín

Về khí hậu, Sơn Trà có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa mang tính hải dương rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 25,6 C, biên độ nhiệt hàng năm độ 8°C, biên độ nhiệt hàng ngày chỉ độ 2°. Tổng nhiệt hoạt động đạt gần 9.000°C/năm, số giờ nắng từ 2.000-2.200 giờ/năm. Lượng mưa trung bình hàng năm khá lớn gần 2.500mm.

Về hệ sinh thái, Sơn Trà có hệ sinh thái rất đa dạng vì có cả trên bờ, dưới nước, lưỡng cư. Đây là hệ sinh thái khép kín với 4 kiểu theo độ cao:

- Trên cùng là rừng mưa nhiệt đới (rừng nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh)

- Lưng chừng là rừng nửa khô hạn

- Dưới chân là rừng còi và thảm thực vật ven biển

- Dưới cùng là thảm cỏ và san hô.

Trên núi Sơn Trà hệ thực vật rất phong phú, đa dạng với 985 loài thuộc 483 chi và 143 họ, trong đó có 22 loài thực vật quý hiếm. Đặc biệt hệ thực vật ở đây có tới 143 loài dược liệu.

Vài con số cho thấy sự đa dạng của hệ thực vật tại đây: Sơn Trà chỉ chiếm 0,014% diện tích nhưng đóng góp 9,37 % tổng số loài cả nước, riêng loài thực vật kín có đến 919 loài chiếm 93,2% loài thực vật cả nước. Vườn quốc gia Cúc Phương có diện tích lớn gấp 10 lần Sơn Trà nhưng cũng chỉ có gần 2.000 loài thực vật, lại ít có loài quý hiếm như Sơn Trà.

Về động vật: Sơn Trà có 287 loài thuộc 94 họ, 115 loài chim, 38 bộ côn trùng trong đó có 29 loại đặc biệt. Riêng loại động vật có xương sống, Sơn Trà có 174 loài, thuộc 26 bộ, 68 họ, chiếm lần lượt 12,5%, 70,3% và 45,6%  so với cả nước.

Đặc biệt Sơn Trà là quê hương của loài Chà vá chân nâu  (Pygathrix nemaeus), loài động vật được Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là "nữ hoàng của các loài linh trưởng" nhờ vẻ đẹp khác thường với bộ lông 5 màu (nhiều màu nhất trong các loại khỉ ăn lá). Loài Chà vá chân nâu được tìm thấy ở Sơn Trà vào năm 1969. Đây là loại quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao được xếp hạng thứ 2 trong danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN). Sơn Trà là một trong rất ít nơi trên thế giới có loại động này. Hiện nay bầy voọc này có độ 300-400 con, sống theo bầy đàn từ 5 đến 10 cá thể và phân bổ từ độ cao 600m đến tận mép biển (trên thế giới voọc không sống dưới 100m).

Ngoài ra ven bán đảo Sơn Trà có một hệ sinh thái đặc biệt, đó là các rạn san hô với 52 loài thuộc 26 giống và 11 họ. Riêng vùng biển Mũi Nghê chỉ với diện tích 4,5ha  đã có 42 loài với sắc màu sặc sỡ, nhiều loài có hình dạng như những cây nấm khổng lồ đầy màu sắc. Đi kèm hệ san hô là các loại cá, nổi bật là cá bướm, cá thần tiên, cá bang chai, cá hồng, cá mú…

Sự đa dạng về hệ sinh thái đã làm cho Sơn Trà càng trở nên độc đáo đối với Đà Nẵng - “thành phố đáng sống”.

Chính vì vậy khi Tổng cục Du lịch công bố bản quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà thì dư luận phản ứng dữ dội, nhất là người dân Đà Nẵng và các nhà môi trường. Họ lo âu về tương lai của Sơn Trà. Sự lo âu này không phải không có cơ sở.

Xin nêu chỉ 2 việc tiêu biểu. Việc xây dựng hàng loạt các khu nghỉ dưỡng làm cho rừng bị bê tông hóa, mật độ dân cư tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái nhất là đến đàn voọc. Sự xung đột giữa người với voọc có nguy cơ xảy ra. Lúc đó đàn voọc quý hiếm sẽ là thứ bị hy sinh. Mặc khác do độ dốc lớn, phân bố phân tán nên việc thu gom nước thải để xử lý ở Sơn Trà rất khó. Nếu không được xử lý đúng mức, nước thải có nguy cơ phá hủy hệ sinh thái ven biển…

Sơn Trà là hệ sinh thái ven biển duy nhất của nước ta. Hệ sinh thái này nhỏ và tương đối biệt lập nên rất nhạy cảm trước tác động của con người. Một tác động nhỏ có thể tạo ra những phản ứng dây chuyền để gây nên những hệ quả lớn. Vì thế bất cứ sự tác động nào đến Sơn Trà đều phải cân nhắc rất kỹ.

Chỉ cần 5-10 năm con người có thể xây dựng cả một thành phố to lớn, nhưng đến 100 năm chưa chắc có thể khôi phục một hệ sinh thái, dù rất nhỏ như… Sơn Trà!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tít bài do Dân Việt đặt lại.