Tiếp nối đà tăng mạnh của phiên giao dịch hôm qua 6.6, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục trở thành tâm điểm của sự chú ý trong phiên sáng nay 7.6 khi đồng loạt các cổ phiếu như VCB, STB, BID, CTG, ACB… đều bứt phá mạnh.
Giải quyết nợ xấu ổn thỏa sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng bứt phá (Ảnh: IT)
Cổ phiếu “vua” bỗng chốc “hot” nhất sàn
Đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong các phiên giao dịch gần đây khiến giới đầu tư hy vọng cổ phiếu “vua” sẽ trở lại vai trò dẫn dắt thị trường như vài năm trước. Trong đó, tâm điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng lớn nhất về thị giá và khối lượng giao dịch khớp lệnh đều là những ngân hàng đang sở hữu nhiều nợ xấu như Sacombank, BIDV, VietinBank,...
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 7.6, cổ phiếu STB của Sacombank (ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cao nhất hệ thống (4,9%), tiếp tục tăng thêm 300 đồng/CP, lên mức 13.800 đồng/CP. Đây cũng là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu STB, từ mức giá 12.400 đồng/CP lên mức 13.800 đồng/CP (tăng 11,3%) và cũng là mức giá “đỉnh” của cổ phiếu STB từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, trong suốt phiên giao dịch, có thời điểm STB tăng tới 13.950 đồng/CP.
Tương tự, VietinBank là nhà băng sở hữu khối lượng nợ xấu nội bảng lớn thứ 3 trong số các ngân hàng với hơn 7.917 tỷ đồng nhưng trong 4 phiên liên tiếp gần đây, cổ phiếu CTG của VietinBank đã tăng 850 đồng/CP, lên mức 19.500 đồng/CP trong phiên giao dịch sáng nay. Đây cũng là mức giá cao nhất từ đâu năm đến nay của CTG, so với đầu năm, cổ phiếu nhà băng này đã tăng khoảng 20%.
Còn cổ phiếu BID của BIDV cũng đã tăng thêm 200 đồng/CP lên mức 19.550 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất tính từ đầu năm đến nay của cổ phiếu BID. Cũng trong phiên giao dịch này, khối lượng giao dịch khớp lệnh của BID cũng lên tới hơn 4,3 triệu đơn vị.
Các mã cổ phiếu “vua” khác như, MBBank, ACB... cũng tăng mạnh. Chẳng hạn, MBB của MBBank đã có 3 phiên tăng liên tiếp, từ mức giá 19.000 đồng/CP lên mức 20.000 đồng/CP; Tương tự, mã ACB của Ngân hàng Á Châu cũng có 3 phiên tăng liên tiếp, từ mức giá 24.700 đồng/CP lên mức 26.100 đồng/CP.
Trong khi đó, trên sàn OTC, trước đó giới đầu tư đã từng chứng kiến gần như toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường này có giá dưới mệnh giá; nhiều cổ phiếu bán đấu giá cổ phần với giá khởi điểm chưa tới 5.000 đồng/CP nhưng vẫn ế. Thì đến thời điểm hiện tại, một loạt cái tên như Techcombank; VPBank; SGBank, HDBank và LVBank... cũng đã trở lại ngưỡng 10.000 đồng/CP, thậm chí còn bứt phá mạnh.
Sẽ trở lại vai trò dẫn dắt thị trường?
Đánh giá về đà tăng của cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây, đa số các công ty chứng khoán đều có cái nhìn lạc quan về khả năng trở lại vai trò dẫn dắt thị trường của nhóm cổ phiếu này. Theo Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) thì, nhịp tăng đồng loạt của nhóm cổ phiếu vua gần đây có thể do hai yếu tố: Đầu tiên là các mã ngân hàng vừa trải qua những phiên giảm khá đều. Kế đó là Bộ Tài chính có Thông tư hướng dẫn điều kiện kinh doanh mua bán nợ. Đây có thể xem là thông tin hỗ trợ đối với cổ phiếu ngân hàng, dù thực tế yếu tố này chỉ có thể tác động trong tương lai dài hạn...
“Trong dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu cho biết các tổ chức tín dụng, VAMC sẽ được bán khoản nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, kể cả khoản nợ xấu đó thấp hơn giá trị ghi sổ. Ngoài ra, VAMC được mua cả nợ xấu hạch toán trong bảng và ngoài bảng và được phép bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua. Đây là thông tin tích cực giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu nên tạo đà tăng cho nhóm cổ phiếu này”, đại diện Công ty IVS, bình luận.
Dù vậy, phí IVS cũng lưu ý, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý và có đánh giá cụ thể đối với từng ngân hàng. Có một điểm mà nhà đầu tư cần lưu ý chính là lãi dự thu của các ngân hàng rất lớn, và những ngân hàng nào có khoản lãi này càng cao bao nhiêu thì khi xử lý được nợ xấu thì đó lại là tin không tích cực bấy nhiêu...
Trong khi đó, phía Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì cho rằng, một số động lực tăng trưởng ở nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng thời gian gần đây đến từ tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng đạt 6,53% (tính tới ngày 25.5) và là mức tăng mạnh nhất trong những năm gần đây. Với chỉ thị điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm vừa được ban hành, tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2017 có thể sẽ cao hơn mục tiêu 18% đặt ra từ đầu năm.
Riêng về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, kỳ vọng sẽ sớm được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01.07.2017; đặc biệt là thông tư 53/2017/TT-BTC hướng dẫn thực thi Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ vừa được ban hành, theo VDSC thì là tín hiệu tốt nhưng phía công ty này lại cho rằng tỷ lệ thu hồi nợ xấu sẽ khó có bước tiến lớn trước năm 2018.