Từ tay không đến cơ nghiệp 200 tỷ đồng
Chúng tôi đến thăm nông dân Nhị Văn Xum khi anh đang một mình chăm sóc vườn chôm chôm vào mùa rộ trái. Dưới gốc chôm chôm, anh kể về cuộc bươn chải đầy khó khăn để có cuộc đổi đời thần kỳ như ngày hôm nay.
Đại gia nông dân chân đất đang chăm sóc vườn chôm chôm rộ trái, hứa hẹn một mùa bội thu. Ảnh: Hồ Văn
Tự lực cánh sinh vượt khó làm giàu, tích cực làm từ thiện nên nhiều năm liền nông dân Nhị Văn Xum được công nhận là nông dân giỏi cấp tỉnh. Mới đây, anh được tỉnh Bình Dương tuyên dương trong hội nghị nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2014-2016. |
Anh Xum sinh ra trong gia đình nghèo ở miệt Đồng Tháp, quần quật quanh năm với mấy sào ruộng vẫn không đủ ăn. “Hồi đó gia đình tôi không dám nghĩ đến cơ hội làm giàu, chỉ mong đủ ăn, đủ mặc nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng mãi không có lối thoát. Năm 1997, cha tôi quyết định dắt díu cả nhà đến vùng đất hoang này chỉ mong thoát khỏi cái nghèo ở miệt quê cũ” - anh Xum nhớ lại.
Cơ hội đầu tiên của gia đình anh Xum là được vay vốn ngân hàng thông qua Hội Nông dân huyện. Tiền vay đủ mua 6ha đất để canh tác vườn chôm chôm giống Thái. “Cả nhà cật lực chăm sóc vườn cây không ngại nắng mưa. May mắn mùa đầu trúng đậm, không chỉ trả được tiền vay mà còn có thêm tiền tích lũy để mở rộng vườn cây” - anh Xum hồ hởi kể.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá bán trên thị trường, từ mùa thứ hai, anh Xum bắt đầu tìm mua sách, báo đọc và nhờ chuyên gia nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật canh tác theo quy trình VietGAP. Nhờ vậy mà các mùa tiếp theo, vườn chôm chôm rộ trái, giá bán cao gấp 3 lần so với chôm chôm thường. “Từ khi trồng theo VietGAP, với 6ha chôm chôm mỗi năm thu về từ 1 đến 1,2 tỷ đồng. Có được tiền tích lũy, tôi dành mua đất mở rộng vườn trồng thêm quýt - khi đó đang rất được giá” - anh Xum nói về cơ hội làm giàu.
Cứ thế, từ vườn chôm chôm đến vườn quýt rồi vườn cam, vườn tre lấy măng, nông dân Nhị Văn Xum có được trong tay các vườn cây với hơn 22ha. Nhẩm tính với chúng tôi, anh Xum cho biết, với 4 vườn cây gồm 6ha chôm chôm, 6ha quýt, 6ha cam và 8ha tre măng, mỗi năm cho thu nhập cỡ 5 tỷ đồng.
Có thăm vườn mới thấy sức làm việc đáng nể của anh Nhị Văn Xum, một mình anh với sự tiếp sức của vợ đã chăm sóc 4 vườn cây của gia đình. Để bớt sức tưới, anh lắp đặt hệ thống tưới tự động phun sương cho cả 4 vườn cây. Riêng việc thu hoạch, khi vào mùa “lúc ấy mình thuê nhân công thời vụ cho việc thu hoạch, vì một mình thu hoạch không kịp giao hàng cho thương lái” - anh Xum cho biết. Cũng từ việc này mà hàng chục lao động nghèo trong xã có được thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng khi tham gia lao động thời vụ cho anh Xum.
Cũng theo anh Xum, trái cây từ vườn nhà đều được thương lái bao tiêu, làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. “Mình trồng theo quy trình VietGAP nên chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo sạch và an toàn nên thương lái rất thích” - anh Xum khoe.
Không bằng lòng với những gì đang có, Nhị Văn Xum còn đầu tư mua thêm đất ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai để trồng thêm 12ha cam. “Mùa năm rồi vườn cam ở Trảng Bom trúng mùa cho thu hoạch 70 tấn/ha. Với giá bán hiện nay 25.000 đồng/kg, cả vườn cam cho thu về hơn 1,7 tỷ đồng. Tính cả 4 vườn cây ở Trừ Văn Thố và vườn cam ở huyện Trảng Bom, tôi thu về hơn 6 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lãi ròng trên 5 tỷ đồng/năm” - anh Xum thật thà chia vui cùng chúng tôi.
Chia ngọt, sẻ bùi với người nghèo
Nông dân Nhị Văn Xum bên vườn tre lấy măng. Ảnh: Hồ Văn
Ước mơ có được căn nhà khi còn nghèo đến nay anh đã thỏa lòng khi xây được cho vợ con căn biệt thự vào hàng đẹp nhất xã. Anh còn tậu được chiếc xe hơi Fortuner để đi thăm vườn và giao lưu cùng bạn hàng.
Theo tiết lộ của nông dân Nhị Văn Xum, đã có người định giá mỗi vườn cây của anh khoảng 70 tỷ đồng (bao gồm đất và vườn cây trên đất). Như vậy, với bốn vườn cây khoảng 35ha tính sơ sơ thì tài sản của anh Xum khoảng 280 tỷ đồng. “Mình là nông dân, đất đai và vườn cây là tài sản vô giá. Vì vậy, dù có giá hời nhưng không thể bán” - anh Xum khẳng định.
Với cơ ngơi hàng trăm tỷ đồng, có thể thuê người làm để sống đời hưởng thụ, nhưng nông dân Nhị Văn Xum lại tích cực làm từ thiện với bà con nghèo. “Mỗi tháng 4 lần, tôi cùng mẹ và vợ nấu hơn 300 phần cơm mời bà con nghèo tới ăn. Trước đó, chúng tôi góp tiền cho mẹ nấu cơm từ thiện tại Bệnh viện thị xã Bến Cát (Bình Dương) để giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Nhưng do di chuyển xa xôi, thêm mẹ tuổi cao, nên tôi quyết định chuyển nồi cơm từ thiện về nhà tiện cho việc nấu nướng. Làm từ thiện với tôi và gia đình không phải để lấy tiếng, mà mỗi lần như vậy chúng tôi thấy lòng thanh thản, có thêm niềm vui khi góp thêm một phần giúp đỡ bà con nghèo” - anh Xum tâm sự.
Giờ đây, bà con ở xã Trừ Văn Thố luôn gọi anh bằng cái tên trìu mến: “Đại gia nông dân chân đất”, “anh nông dân từ thiện”… và xem là tấm gương dạy dỗ con cái noi theo. Mỗi đợt nấu cơm từ thiện, nhiều bà con quanh xóm không hẹn mà cùng đến góp công, góp sức.
Chia tay chúng tôi, nông dân Nhị Văn Xum nói về ước mơ hằng ấp ủ: “Tôi đang có kế hoạch tiến tới làm thương hiệu riêng cho trái cây của mình, nhưng đây là một việc khó, phải học hỏi nhiều, cần có kinh nghiệm, mà mình là nông dân chân đất nên cần sự hỗ trợ, nhất là từ Hội Nông dân các cấp”.
Nói về anh nông dân Nhị Văn Xum, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng Huỳnh Văn Lâm cho biết, đó là tấm gương cho nhiều người, nhất là các nông dân trẻ học hỏi. “Ý chí vươn lên làm giàu của anh Xum đáng để cho nhiều thanh niên xem như là tấm gương phấn đấu. Hội cũng xem đây như là hạt nhân điển hình, cần nhân rộng đề phát triển phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi” - ông Lâm cho biết.
Thời gian và địa chỉ nhận tác phẩm dự thi Giải báo chí Tự hào Nông dân Việt Nam 2016-2017 - Thời gian: Từ 15.10.2016 đến 15.8.2017 - Địa chỉ nhận tác phẩm: + Báo Nông thôn Ngày nay, lô E2 khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội (đối với những tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay) Hòm thư điện tử: lehan8780@gmail.com (tiêu đề ghi rõ: Tác phẩm dự thi Giải báo chí Tự hào Nông dân Việt Nam) + Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam, 59 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội (đối với những tác phẩm đã đăng ở các báo) Điện thoại: 04.38246530 hoặc 097.262.8386 (Ông Trần Bá Dung- Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Giải báo chí) |