Tham dự diễn đàn có các chuyên gia đến từ Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông quốc gia, lãnh đạo các địa phương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các Viện, trường Đại học, đại diện PVFCCo SW và hơn 300 bà con nông dân trong khu vực.
Diễn đàn nhằm mục đích chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp thiết thực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, canh tác cho người nông dân, các nông trường, hợp tác xã, khu vực bị ảnh hưởng mặn nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia nhấn mạnh, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã hiện hữu rất rõ, thay đổi nhanh chóng theo từng năm, đã gây ra những tác hại to lớn đến sản xuất nông nghiệp trên cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Những tháng đầu năm 2016, năm xảy ra đợt rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc; đến giữa năm thì tình hình hạn mặn lịch sử tấn công đến vùng Nam Trung Bộ và ĐBSCL; đã gây ra những thiệt hại rất to lớn cho ngành Nông nghiệp, gây thất thu hàng ngàn tỷ đồng. “ Chúng ta không thể chống lại BĐKH mà chỉ có thể tìm các giải pháp thích ứng trong canh tác để giúp nông dân giảm thiểu thiệt hại”, ông Khởi phát biểu.
BĐKH với 2 biểu hiện là ElNino và LaNina đã tác động tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Năm 2016, UBND tỉnh Hậu Giang đã phải quyết định công bố tình trạng thiên tai cấp độ 1 đối với 4/8 huyện, thị của toàn tỉnh. Do tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đã làm hàng ngàn hộ nông dân bị thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn hecta lúa bị ảnh hưởng.
Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp căn cơ, thích ứng với tình hình thời tiết bất lợi hiện nay là rất cấp thiết với tỉnh thuần nông như Hậu Giang. Ngoài việc sử dụng giống chịu mặn, chế độ canh tác thích hợp thì sử dụng phân bón hợp lý cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường khả năng chống chịu mặn cho cây, tiết kiệm chi phí, hạn chế phát thải khí N2O và NH3góp phần làm cho môi trường trong sạch hơn.
Diễn đàn đã dành nhiều thời gian để người nông dân trực tiếp trao đổi với các nhà khoa học về các vấn đề có liên quan tới kỹ thuật canh tác, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, về các mô hình sản xuất thích ứng, tình hình dịch bệnh, nhất là đối với cây ăn trái cũng như các chủ trương chính sách của nhà nước và những vấn đề liên quan đến sản phẩm phân bón Phú Mỹ; nhằm góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững.