Dân Việt

Từ Qatar, rùng mình nghĩ về Chiến tranh vùng Vịnh

Thanh Minh (tổng hợp) 12/06/2017 06:00 GMT+7
Việc cô lập ngoại giao Qatar có thể là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh mới ở vùng Vịnh, Giám đốc Chương trình quan hệ chính trị với các quốc gia vùng Vịnh tại Đại học Washington, ông Simon Henderson nhận định, mà kết cục thì chỉ cần gợi lại cũng đủ để rùng mình.

img

Người dân Pakistan xuống đường ủng hộ Qatar.

Những diễn biến mới nhất về cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar sau khi bị một loạt các quốc gia cô lập đang cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn về một cuộc xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngày 5.6, một số nước Arab đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc vương quốc này hỗ trợ khủng bố. Bên cạnh đó, Riyadh công bố lệnh cấm bay đối với hãng hàng không Qatar Airways, đóng cửa biên giới và các cảng của Saudi Arabia với Qatar. Ngay sau đó, Iran đã lên tiếng ngỏ ý hỗ trợ và sẵn sàng cung cấp ba cảng của mình cho Quatar sử dụng. Riyadh và Abu Dhabi coi động thái này là sự xác nhận của mối quan hệ "nguy hiểm" giữa Doha và Teheran. 

Ngày 10.6, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo xung đột giữa Qatar và các nước Arab trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc chiến, tuy nhiên ông cho rằng vẫn có cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng. Ông Gabriel nhấn mạnh: "Điều nguy hiểm là những xung đột này có thể dẫn đến chiến tranh". Ngoại trưởng Gabriel đề cập đến những "sự kịch tính gay gắt" trong quan hệ giữa các nước láng giềng tại vùng Vịnh.

Trước đó tạp chí Foreign Policy đăng bài phân tích của Giám đốc Chương trình quan hệ chính trị với các quốc gia vùng Vịnh tại Đại học Washington, ông Simon Henderson cho rằng việc cô lập ngoại giao Qatar có thể là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh mới. 

Ông Henderson nhận định: "Các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni từ lâu đã tìm cách gây chiến với Iran. Vấn đề Qatar có lẽ chỉ là cái cớ mà họ quyết định sử dụng". Theo ông Henderson, hiện chúng ta có khả năng đang đứng trước ngưỡng cửa một thời khắc lịch sử, có thể so sánh với vụ ám sát hoàng tử Áo Franz Ferdinand tại Sarajevo vào năm 1914. Sự kiện này như một cái cớ chính thức cho sự bùng nổ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Trong trường hợp này, mục tiêu hình thức của Saudi Arabia và UAE không phải Iran mà là Qatar, quốc gia từ lâu đã đứng ngoài thỏa thuận chung của các nước Arab vùng Vịnh liên quan đến mối quan hệ với Teheran. 

Nếu lịch sử lặp lại, một cuộc chiến mới xảy ra ở vùng Vịnh sẽ là một thảm hoạ không chỉ đối với khu vực này, mà còn lôi kéo nhiều quốc gia sa lầy vào chiến tranh, giới chuyên gia lo ngại.

img

Hình ảnh cuộc chiến trên không trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Còn nhớ, Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 (hay còn gọi là Chiến dịch Bão táp Sa mạc) là một cuộc xung đột giữa Iraq và liên minh gần 30 quốc gia do Mỹ lãnh đạo và được Liên Hợp Quốc phê chuẩn để giải phóng Kuwait. Sự kiện dẫn tới chiến tranh là việc Iraq xâm chiếm Kuwait ngày 2.8.1990, sau khi Iraq cho rằng (nhưng không chứng minh được) Kuwait đã "khoan nghiêng” giếng dầu của họ vào biên giới Iraq.

Hậu quả của cuộc xâm chiếm là Iraq ngay lập tức bị Liên Hiệp Quốc áp đặt trừng phạt kinh tế.Những hành động quân sự bắt đầu từ tháng 1.1991, dẫn tới 1 thắng lợi hoàn toàn của các lực lượng đồng minh, buộc quân đội Iraq phải rút khỏi Kuwait với tổn thất nhân mạng ở mức tối thiểu cho lực lượng đồng minh. Những trận đánh chính là những trận đánh trên không và trên bộ bên trong Iraq, Kuwait và những vùng giáp biên giới Ả Rập Saudi. Cuộc chiến không mở rộng ra ngoài vùng biên giới Iraq/Kuwait/Ả Rập Saudi, dù Iraq đã bắn tên lửa vào các thành phố của Israel.

Một ngày sau thời hạn chót do Nghị quyết của Liên Hợp Quốc đặt ra, liên minh tung ra một cuộc tấn công không quân ồ ạt với mật danh "Chiến dịch bão táp sa mạc" với hơn 1.000 lần xuất kích một ngày, bắt đầu từ sáng sớm ngày 17.1.1991. Năm tiếng đồng hồ sau những cuộc tấn công đầu tiên, đài phát thanh quốc gia Bagdad phát đi một giọng nói được xác định là của Saddam Hussein tuyên bố rằng "Cuộc chiến vĩ đại, cuộc chiến của mọi cuộc chiến đã bắt đầu. Bình minh thắng lợi đã rất gần khi cuộc thử thách cuối cùng đã đến."

Những vũ khí được sử dụng trong chiến dịch này gồm các vũ khí dẫn đường chính xác (hay "bom thông minh"), bom bầy BLU-82 "daisy cutters" và tên lửa hành trình. Iraq trả lời bằng cách phóng 8 tên lửa Scud vào Israel ngày hôm sau. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của liên minh là phá hủy các cơ sở không quân và phòng không của Iraq. Nhiệm vụ này được nhanh chóng hoàn thành và trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến, không quân liên minh hầu như không gặp phải trở ngại nào khi hoạt động.

Dù khả năng phòng không của Iraq tốt hơn so với dự đoán, liên minh chỉ thiệt hại một máy bay trong ngày mở màn chiến tranh. Máy bay tàng hình đã được sử dụng nhiều trong giai đoạn đầu tiên này nhằm tránh các hệ thống tên lửa đất đối không SAM dày đặc của Iraq; khi đã phá hủy xong những hệ thống đó, các kiểu máy bay khác có thể được đem ra sử dụng với độ an toàn cao hơn. Đa số các phi vụ tấn công xuất phát từ Ả Rập Saudi và sáu nhóm tàu sân bay của liên minh ở Vịnh Pecxich.

Ngày 10.3.1991, Chiến dịch bão táp sa mạc bắt đầu dời 540.000 quân Mỹ ra khỏi Vịnh Pecxich.

Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo là các lực lượng Mỹ có 148 binh sĩ tử trận, cộng một phi công được ghi nhận là mất tích (hài cốt đại úy phi công Michael Scott Speicher người được coi là mất tích đã được tìm thấy vào tháng 7 năm 2009 tại vùng núi hẻo lánh ở miền tây Iraq) (145 người Mỹ chết vì tai nạn). Vương quốc Anh có 24 binh sĩ tử trận, Pháp 2, và các quốc gia Ả Rập có tổng cộng 39 thương vọng.

Khoảng 30% trong số 700.000 nam và nữ phục vụ trong lực lượng Hoa Kỳ tại Chiến tranh vùng Vịnh vẫn chịu nhiều hội chứng trầm trọng mà nguyên nhân vẫn chưa được hiểu rõ.

img

Ước đoán ngay vào lúc đó cho rằng có đến 100.000 người Iraq bị thiệt mạng. Hiện tại ước đoán rằng Iraq bị thiệt hại nhân mạng là khoảng từ 20.000 đến 35.000. Tuy nhiên, các con số khác thì vẫn cứ cho rằng con số người thiệt mạng có thể cao đến 200.000.

Một báo cáo do Không quân Mỹ uỷ nhiệm đã ước tính là có khoảng từ 10.000-12.000 binh sĩ Iraq tử trận trong chiến dịch của không quân và khoảng 10.000 thương vong trong cuộc chiến trên bộ. Sự phân tích này dựa vào các báo cáo về tù binh chiến tranh Iraq.

Chính phủ Iraq tuyên bố có khoảng 2.300 thường dân thiệt mạng trong chiến dịch của không quân, đa số người chết là do một cuộc không kích bằng máy bay tàng hình F-117 vào một nơi mà được tin là trung tâm thông tin liên lạc của Iraq tại Baghdad nhưng cũng là nơi phục vụ như một nơi trú ẩn máy bay.

Theo Dự án nghiên cứu sự chọn lựa khác cho quốc phòng thì có đến 3.664 thường dân Iraq và khoảng 20.000 đến 26.000 binh sĩ bị giết chết trong cuộc xung đột này.

Chi phí chiến tranh của Mỹ do Hạ viện tính toán là 61,1 tỷ USD. Các nguồn khác ước tính lên tới 71 tỷ USD. Khoảng 53 tỷ  USDtrong số đó do các nước khác chi trả: 36 tỷ  USDdo Kuwait, Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh khác; 16 tỷ USD bởi Đức và Nhật Bản (hai nước này không gửi lực lượng chiến đấu vì các điều khoản trong các hiệp ước chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai). Khoảng 25% số đóng góp của Ả Rập Saudi được thanh toán dưới hình thức các dịch vụ cung cấp cho lực lượng liên quân như thực phẩm và vận chuyển. Quân đội Mỹ chiếm 74% tổng lực lượng liên quân, và vì thế tổng chi phí của họ cũng cao hơn. Anh, ví dụ, chi 4,1 tỷ USD trong cuộc chiến này.

Giờ đây, quay trở lại cuộc khủng hoảng ở Qatar với những lo ngại sẽ dẫn đến chiến tranh, nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ có thể giúp giải nhiệt tình hình hiện tại và ngăn chặn chiến tranh.

Theo quan điểm của ông Henderson, "Mỹ phải hành động nhanh chóng và ngăn chặn các bước tiến tới chiến tranh chứ không phải chờ cho đến khi cuộc chém giết bắt đầu". 

Trong khi đó, Mỹ có khả năng không đóng vai trò trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab khác. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Washington tin rằng tốt nhất là các nước trong khu vực tự giải quyết cuộc khủng hoảng này. Người phát ngôn này chỉ nhấn mạnh Mỹ đang tìm cách giải quyết cuộc xung đột này và đảm bảo rằng Mỹ và các đối tác Arab vẫn đoàn kết trong nỗ lực chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.