Chiến tranh vùng Vịnh - cuộc chiến lớn nhất khép lại thế kỷ 20 nhiều biến động.
Ngày 5.6.2017, liên minh các quốc gia Ả Rập gồm Bahrain, UAE, Ả Rập Saudi và Ai Cập bất ngờ cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar, cáo buộc nước này tài trợ khủng bố. Nhiều chuyên gia lo ngại một cuộc chiến có thể xảy ra, gợi nhắc đến chiến tranh vùng Vịnh thập niên 1990 mà hậu quả nặng nề vẫn còn để lại tới ngày nay. |
Dùng 300 xe tăng mang đi đàm phán
Quân Iraq tràn sang Kuwait.
Thành phố Jeddah, Ả Rập Saudi một ngày cuối tháng 7 năm 1990. Không khí vẫn nóng hầm hập khi từng đợt gió từ sa mạc thổi vào. Bên trong thành phố, sức nóng của cuộc hội đàm tìm giải pháp cuối cùng cho xung đột Iraq-Kuwait còn nóng hơn bao giờ hết. Phái đoàn ngoại giao của Liên minh Ả Rập, dẫn đầu bởi Thủ tướng Ai Cập Hosni Mubarak được xem là cứu cánh cuối cùng nhằm tìm được tiếng nói chung cho hai quốc gia từng “trên bến dưới thuyền”.
Kuwait là một quốc gia bé nhỏ nhưng giàu tiềm lực dầu mỏ và nằm cạnh biên giới với Iraq, đế chế rộng lớn và có tiếng nói ở vùng Vịnh. Để chuẩn bị cho cuộc đàm phán hai bên, thay vì nghiên cứu tài liệu và tìm giải pháp tốt nhất, Iraq điều 100.000 quân, 300 xe tăng, 300 khẩu pháo hạng nặng giáp biên giới Kuwait. Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã tính tới phương án nếu cuộc đàm phán Jeddah thất bại, quân đội của ông biết sẽ phải làm gì tiếp theo: xâm lược Kuwait.
Kuwait chỉ có diện tích 11.000 km2, quá bé so với Iraq.
Trước đó hôm 25.7.1990, Saddam đã có cuộc gặp quan trọng với đại sứ Mỹ ở Iraq là April Glaspie. Lãnh đạo của chính quyền Baghdad nói mạnh mẽ: “Chúng tôi không xem Mỹ là kẻ thù. Chúng tôi luôn muốn làm bạn với Mỹ. Nhưng các phát ngôn của Mỹ cho thấy rõ ràng Washington không xem chúng tôi là bạn”. Không khí bắt đầu có dấu hiệu nóng lên từ thời điểm này.
Cái lắc đầu đầy ngao ngán của Thủ tướng Ai Cập Hosni Mubarak sau phiên họp kéo dài vài tiếng đồng hồ ở Jeddah báo hiệu kết cục chẳng lành cho mâu thuẫn Kuwait-Iraq. Chính quyền Saddam không tìm được bất kì tiếng nói chung nào với Liên minh Ả Rập và Kuwait. Sự bế tắc dồn ứ tới điểm xung đột xảy ra chỉ còn tính bằng giờ.
Đúng 1 giờ sáng ngày 2.8.1990, tức là chỉ 2 ngày sau khi cuộc đàm phán thất bại, Iraq ồ ạt kéo quân sang xâm lược Kuwait. Chiến tranh vùng Vịnh hay “Cuộc chiến giải phóng Kuwait” theo cách gọi của người Ả Rập, chính thức bắt đầu.
Một giếng dầu nghiêng thay đổi lịch sử
Cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Quan hệ Iraq-Kuwait vốn trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” từ thập niên 1960 đến khi xảy ra xung đột quân sự. Mâu thuẫn lãnh thổ do tàn dư của chế độ phong kiến để lại khiến nội bộ hai quốc gia nảy sinh nhiều bất đồng không thể giải quyết.
Năm 1958, Cộng hòa Iraq ra đời và chỉ ba năm sau, Kuwait cũng tuyên bố độc lập, trở thành thành viên của Liên minh Ả rập. Dù vậy, chính quyền Baghdad không công nhận biên giới với Kuwait do còn nhiều khu vực chưa cắm mốc rõ ràng.
Ở phía tây vịnh Ba Tư, hai bên tranh chấp hòn đảo Warbah và Bubiyan. Năm 1975, hai bên từng tìm cách giải quyết mâu thuẫn nhưng không đi kết quả cuối cùng.
Mâu thuẫn của hai nước chỉ lắng dịu phần nào trong thập niên 1980 khi Iraq dồn sức đánh Iran và Kuwait trở thành một đồng minh quan trọng với tư cách “anh em Ả Rập”. Chính quyền Kuwait tài trợ 17 tỉ USD để Iraq đánh một quốc gia “phi Ả Rập”. Điều ngạc nhiên là sau cuộc chiến này, bất đồng hai bên Iraq và Kuwait càng lớn.
Tại cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh Ả Rập vào tháng 5.1990, Tổng thống Saddam Hussein tố cáo các nước Ả Rập sản xuất dầu mỏ vượt mức quy định khiến giá dầu giảm thê thảm. Điều này gây thiệt hại cho Iraq trong cuộc chiến với Iran. Do đó, Saddam yêu cầu các nước Ả Rập phải xóa nợ hơn 10 tỉ USD cho Baghdad.
Saddam và quốc vương Ả Rập Saudi trước cuộc chiến.
Nguyên nhân Iraq xâm lược Kuwait có rất nhiều, từ các yếu tố trong lịch sử tới tranh chấp ở thời điểm trước cuộc chiến. Một trong những lí do được ủng hộ và Saddam cũng dùng làm tiền đề cho cuộc tấn công chính là mỏ dầu nghiêng ở Rumaila.
Theo đó, Rumaila là vùng đất tranh chấp giữa hai quốc gia nhưng Iraq tuyên bố phát hiện Kuwait đang khoan giếng dầu trái phép tại khu vực này. Chính quyền Baghdad tố cáo Kuwait hút trộm dầu và vi phạm chủ quyền quốc gia khi khoan nghiêng thay vì khoan thẳng đứng.
Rumaila là giếng dầu nằm sát biên giới hai nước, trữ lượng khổng lồ và chứa khoảng 17 tỉ thùng dầu. Mỏ dầu này nằm cách biên giới Kuwait 32 km nhưng Iraq cáo buộc nước láng giềng đã không khoan thẳng đứng trong phạm vi lãnh thổ mà khoan xiên để hút dầu trộm từ Iraq. Điều này đã dẫn tới chiến tranh vùng Vịnh sau đó ít lâu.
Iraq tổng tấn công Kuwait
Bìa tạp chí Time số đặc biệt về chiến tranh vùng Vịnh.
Ngày 2.8.1990, 3 sư đoàn Vệ binh Cộng hòa (RGFC) tràn qua biên giới Kuwait và tấn công thủ đô Kuwait. Một sư đoàn bộ binh và thiết giáp tấn công theo hướng nam và tiến tới đèo Al-Jalra. Ở phía tây, một sư đoàn thiết giáp khác yểm trợ. Đơn vị đặc nhiệm Iraq tấn công phủ đầu thành phố Kuwait City với các cơ sở trọng yếu bằng máy bay trực thăng.
Đơn vị tấn công đường biển tràn vào cung điện của quốc vương Kuwait nhằm ý định bắt cóc ông. Tuy nhiên, quốc vương Kuwait kịp bỏ trốn sang Ả Rập Saudi. Em trai của ông không may mắn khi bị quân đội Iraq sát hại ngay tại cung điện Dasman. Tối cùng ngày, các hải cảng tại Kuwait đã ngập bóng xe tăng Iraq.
Lực lượng pháo binh phòng không số 11 của Mỹ tham chiến ở cuộc chiến vùng Vịnh.
Kuwait không đủ lực chống trả và bị tiêu diệt nhanh chóng. Một số đơn vị chạy sang biên giới Ả Rập Saudi. Hai sân bay quân sự chính tại đây đã bị Iraq chiếm đóng nên không thể thực hiện các cuộc không kích.
Trong vòng 4 ngày, Iraq đã dồn hơn 200.000 quân tới Kuwait và được sự yểm trợ của 2.000 xe tăng. Ngày 8.8, Tổng thống Saddam Hussein tuyên bố sát nhập Kuwait thành “tỉnh thứ 19 của Iraq”.
Khi Iraq đang say sưa trong men chiến thắng, thế giới kịch liệt lên án hành động xâm lược bất ngờ này. Liên minh hơn 30 quốc gia do Mỹ đứng đầu, phần đông trong số này là các quốc gia Ả Rập, quyết định thực hiện chiến dịch “Bão táp sa mạc” giải phóng Kuwait. Cuộc chiến vùng Vịnh chính thức bước vào giai đoạn cam go nhất. Bất chấp đối đầu hơn 30 quốc gia, Iraq vẫn tỏ rõ lập trường kiên định và dồn dập đem quân tham chiến.
____________
“Bão táp sa mạc” là chiến dịch quy mô bậc nhất thế kỷ 20 với hơn 1.000 đợt không kích mỗi ngày. Trong chiến dịch quân sự này, lực lượng liên quân gồm 670.000 binh sĩ của 28 nước, trong đó Mỹ góp 425.000 binh lính. Số máy bay của liên quân là 2.250 chiếc (Mỹ đóng góp 1.800 chiếc).
Đón đọc kì 2: “Bão táp Sa mạc – chiến dịch quy mô lớn nhất chiến tranh Vùng Vịnh” xuất bản sáng 14.6.
Hai quốc gia này có lịch sử thân thiết từ lâu và thường có cùng quan điểm trong nhiều vấn đề khu vực.