Nhiều cơ hội hợp tác
Ông Từ Minh Thiện - Phó Trưởng ban quản lý Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP), cho biết, từ những ngày đầu thành lập đến nay, AHTP đã có nhiều hợp tác trong lĩnh vực NNCNC với các đối tác Nhật Bản, đặc biệt là trong việc chuyển giao công nghệ, khoa học – kỹ thuật. Gần đây nhất, trong khuôn khổ Diễn đàn nông nghiệp Việt - Nhật 2017, Ban quản lý AHTP đã ký hợp tác 3 bên với Công ty TNHH MTV FUJI CONSULTING JAPAN và Công ty NAKASHIMA BUSSAN, nhằm triển khai ứng dụng thử nghiệm hệ thống xử lý nước trong môi trường nông lâm nghiệp bằng công nghệ Fine Bubble, ứng dụng vi sinh vật trong nuôi trồng thủy sản.
TP.HCM đẩy mạnh các hợp tác chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Sản xuất giống lan cấy mô tại AHTP. Ảnh: T.H
Theo báo cáo từ AHTP, tỷ lệ vốn FDI trong nông nghiệp rất thấp trong cơ cấu ngành kinh tế và có xu hướng giảm. Bình quân mỗi năm chỉ thu hút 20 dự án và 130 triệu USD mỗi năm. Quy mô vốn đầu tư bình quân chỉ 6,6 triệu USD là quá thấp so với mức bình quân 14,7 triệu USD/dự án FDI. Chưa kể việc việc phân bổ vốn FDI không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các dự án thu hồi vốn nhanh như chăn nuôi, lâm sản, thủy sản. |
Theo đó, máy công nghệ hòa tan Fine Bubble giúp hòa tan oxy và giảm khí độc trong nước, được áp dụng trong nông nghiệp, giúp chất lượng sản phẩm cao hơn. Công ty đang thí điểm mô hình nuôi tôm ở Gò Công cho hiệu quả cao. Nếu sử dụng máy quạt thổi oxy thì phải dùng 8 giờ, còn với máy hòa tan chỉ cần 2 giờ, có thể giữ oxy trong 6 giờ, nên tiết kiệm điện năng tiêu thụ.
Đồng thời, công nghệ hòa tan Fine Bubble giúp giảm được khí độc, nâng chất lượng con tôm. Cùng nuôi trong 105 ngày, tôm nuôi ở ao dùng máy hòa tan có trọng lượng lớn hơn so với tôm nuôi ở ao dùng quạt thổi…
Ông Tajima Hisashi- Trưởng đại diện Văn phòng JICA TP.HCM đánh giá, khả năng hợp tác đầu tư của Nhật vào vào nông nghiệp Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn nhiều. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi lớn khi cung ứng nông phẩm vào thị trường Nhật Bản. Vấn đề còn lại là cần hoàn chỉnh thêm sản phẩm để hướng tới hình thành thành kho lương thực thế giới.
Vẫn cần một “đầu tàu”
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tìm kiếm cơ hội làm nông sản tại Việt Nam rồi xuất ngược về nước họ, thu giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, theo ông Từ Minh Thiện, TP.HCM không nên lạm dụng hướng đi này. Ông Thiện giải thích, năm 2008 hai nước ký Hiệp định hợp tác kinh tế VJEPA, một số doanh nghiệp Nhật qua Việt Nam tìm nơi sản xuất nông sản và xuất khẩu ngược lại Nhật.
“Nhưng nếu hợp tác với Nhật Bản mà cứ duy trì hoặc lạm dụng cách làm này thì e rằng không bền vững. Khi đó chúng ta sẽ đụng chạm đến quyền lợi của nông dân Nhật Bản. Ta nên đi theo hướng đẩy mạnh hợp tác về công nghệ, lao động… để hướng đến thị trường xuất khẩu lớn hơn, hoặc xuất qua một nước thứ 3. Khi đó chúng ta sẽ được Nhật ủng hộ nhiều hơn”- ông Thiện gợi ý.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Việt - Úc cho rằng, AHTP nên xem lại các hợp tác giữa hai bên, rà soát việc kết nối giữa doanh nghiệp Việt – Nhật để đánh giá tính hiệu quả. Đối với những dự án lớn, yêu cầu khoa học kỹ thuật cao cần đánh giá rồi mới nhân rộng. Do đó, vị này cho rằng, AHTP cần là “đầu tàu” đứng ra thí điểm các công nghệ chuyển giao từ Nhật Bản về Việt Nam. Từ đó, nông dân, doanh nghiệp trong nước học hỏi để áp dụng vào sản xuất. Song song đó, AHTP cũng là kênh trung tâm liên hệ với các đối tác và quảng cáo rộng rãi hơn các sản phẩm NNCNC trong các liên kết này.