Dân Việt

Mỹ làm gì để Triều Tiên phóng thích công dân?

Trí Dũng 14/06/2017 11:11 GMT+7
Cựu tổng thống Clinton trực tiếp đến Bình Nhưỡng, còn Obama gửi thư tay để hối thúc Triều Tiên trả tự do cho công dân Mỹ.

img

Sinh viên Mỹ Otto Warmbier bị áp giải ra tòa án ở Triều Tiên năm 2016. Ảnh: Reuters.

Triều Tiên ngày 13/6 thả tự do sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người bị kết án 15 năm tù khổ sai hồi tháng ba năm ngoái, sau khi có hành vi gỡ bỏ một biểu ngữ tuyên truyền tại khách sạn ở Bình Nhưỡng, theo CNN.

Đây là một động thái lớn của Triều Tiên, bởi quá trình đàm phán của Washington để Bình Nhưỡng trả tự do cho các công dân Mỹ đang bị giam giữ không hề dễ dàng, được minh chứng bằng nhiều trường hợp diễn ra trước đây.

Euna Lee và Laura Ling

Hai nhà báo Mỹ này bị bắt ngày 17/3/2009 và bị truy tố với tội danh xâm nhập Triều Tiên bất hợp pháp để tiến hành chiến dịch bôi nhọ. Hai người bị kết án 12 năm tù khổ sai, không được phép kháng cáo.

Đến tháng 8/2009, cựu tổng thống Bill Clinton có chuyến đi với tư cách cá nhân đến Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là Kim Jong-il để tìm biện pháp giải cứu hai nhà báo.

Triều Tiên sau đó tuyên bố ông Clinton đã "đưa ra những lời xin lỗi chân thành". Cựu tổng thống Mỹ cũng đã cùng ngồi ăn tối suốt 3 giờ và chụp ảnh với ông Kim Jong-il. Ngày hôm sau, Lee và Ling được ân xá và phóng thích.

Kenneth Bae

 

Nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn Kenneth Bae, sinh năm 1968, là người thành lập công ty du lịch "Nations Tour" chuyên tổ chức các chuyến tham quan đến đặc khu kinh tế Triều Tiên.

Bae bị bắt vào khoảng tháng 11/2012 khi đang làm việc ở Triều Tiên. Nhà chức trách Bình Nhưỡng truy tố ông vì có những "hành động thù địch" chống lại nước này, đồng thời cáo buộc Bae lập các căn cứ ở Trung Quốc vì mục đích "lật đổ" chính phủ Triều Tiên, kích động công dân Triều Tiên chống lại nhà nước và tiến hành "chiến dịch bôi nhọ hiểm ác".

Truyền thông nhà nước Triều Tiên còn tuyên bố Bae đã lên kế hoạch lật đổ nhà nước Triều Tiên thông qua các hoạt động tôn giáo. Bị kết án 15 năm tù khổ sai, Bae bắt đầu có dấu hiệu suy sụp về sức khỏe.

img

Kenneth Bae trong phiên tòa xét xử ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Bill Richardson, cựu đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, đến Triều Tiên vào tháng 1/2013 để thay mặt Bae tìm giải pháp thỏa hiệp, nhưng nỗ lực của ông bị Bình Nhưỡng khước từ.

4 tháng sau, cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman, người tuyên bố là "bạn suốt đời" với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tuyên bố sẽ tìm cách can thiệp để Bae được thả tự do.

"Tôi sẽ kêu gọi Lãnh đạo Tối cao Triều Tiên, người mà tôi gọi là 'Kim', cho tôi một ân huệ và phóng thích Kenneth Bae", Rodman viết trên Twitter vào tháng 5/2013.

Tuy nhiên Triều Tiên không có bất cứ phản ứng nào sau tuyên bố này của Rodman. Tới tháng 1/2014, khi phóng viên của CNN hỏi Rodman về chuyến thăm Triều Tiên vừa diễn ra cũng như số phận của Bae, Rodman tuyên bố nhà truyền giáo này có lỗi nên đáng bị đi tù. Trước làn sóng phản ứng của dư luận, Rodman sau đó xin lỗi, giải thích rằng ông đã uống rượu và cảm thấy hối tiếc vì lẽ ra ông không nên có phát ngôn mang tính chính trị.

Đến tháng 11/2014, Bae và đồng hương người Mỹ Matthew Todd Miller được trả tự do sau khi James Clapper, lúc đó là Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, tới Bình Nhưỡng và trao một lá thư của Tổng thống Barack Obama cho lãnh đạo Triều Tiên.

Bae sau đó cho rằng chính những phát ngôn của Rodman đã khiến dư luận chú ý đến trường hợp của ông. "Tôi cảm ơn Dennis Rodman vì đã là chất xúc tác cho việc tôi được phóng thích", Bae tuyên bố hồi năm ngoái.

Aijalon Mahli Gomes

img

Cựu tổng thống Carter và Gomes trở về Mỹ từ Triều Tiên. Ảnh: CNN.

Gomes là giáo viên dạy tiếng Anh ở Hàn Quốc, bị Triều Tiên bắt giữ ngày 25/1/2010 với cáo buộc xâm nhập nước này trái phép qua ngả Trung Quốc. Gomes bị kết án 8 năm tù khổ sai cùng khoản tiền phạt 600.000 USD.

Tháng 8/2010, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter tới Bình Nhưỡng tìm cách thuyết phục lãnh đạo nước này trả tự do cho Gomes. Hai ngày sau, Gomes được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il ân xá và lên máy bay về nước cùng ông Carter.

Otto Warmbier

Warmbier là sinh viên Đại học Virginia, bị Triều Tiên bắt giữ ngày 2/1/2016 với cáo buộc có "hành động thù địch" chống lại nhà nước. Bình Nhưỡng sau đó công bố đoạn video cho thấy Warmbier xin lỗi và thú nhận "hành vi gỡ bỏ khẩu hiệu chính trị tại khách sạn quốc tế Yanggakdo".

Warmbier bị kết án 15 năm tù khổ sai hồi tháng 3 năm ngoái. Các quan chức Triều Tiên cho biết Warmbier bị ngộ độc sau phiên xử và rơi vào tình trạng hôn mê sau khi uống một viên thuốc ngủ.

Tiến trình vận động ngoại giao để Triều Tiên trả tự do cho Warmbier được khởi động từ ngày 6/6, khi Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ Joseph Yun gặp Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Pak Kil-yon ở New York và biết được tình trạng sức khỏe ngày càng xấu của anh này.

Sau cuộc gặp đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tham vấn với Tổng thống Donald Trump và chỉ đạo cho ông Yun chuẩn bị lên đường tới Triều Tiên với mục đích đưa Warmbier về nước, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Yun và một nhóm y tế tới Triều Tiên ngày 12/6 để yêu cầu Bình Nhưỡng phóng thích Warmbier vì lý do nhân đạo. Warmbier được trả tự do đúng vào ngày Rodman tới Triều Tiên, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định cựu ngôi sao bóng rổ không có vai trò gì trong quá trình này.

Bố mẹ của Warmbier hôm qua xác nhận sinh viên này đang trên một chuyến bay y tế để về nhà. "Thật buồn là nó đang bị hôn mê và chúng tôi được cho biết rằng nó đã bị như vậy từ tháng 3/2016. Chúng tôi mới chỉ biết điều này một tuần trước", bố mẹ Warmbier nói.

Triều Tiên đến nay vẫn còn giam giữ ba công dân Mỹ với cáo buộc hoạt động gián điệp và chống phá nhà nước. Hiện chưa rõ Washington sẽ có biện pháp đàm phán nào với Bình Nhưỡng để đảm bảo những người này được trả tự do.