Hàng trăm ha tôm thẻ, sú ở 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn chết do bị nhiễm khuẩn. Ảnh: Quân Phạm
Những ao tôm thẻ, tôm sú mới được nông dân 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn thả nuôi gần 2 tháng, trong đó nhiều diện tích nuôi sắp đến gần đến ngày cho thu hoạch bỗng nhiên chết hàng loạt, khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần.
Vào thăm khu nuôi tôm của gia đình anh Đào Văn Cường ở xóm 6 xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến những vuông tôm hoang tàn, xơ xác.
Anh Đào Văn Cường bên ao nuôi tôm mới bị chết hàng loạt của gia đình ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn. “Chỉ sau một đêm cuối tháng 5.2016 vừa qua, cả ao tôm chết hàng loạt khiến gia đình tôi thiệt hại cả trăm triệu đồng” – anh Cường chia sẻ.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Cường cho hay: "Gần 2 mẫu đầm tôm nuôi sắp đến ngày thu hoạch giờ chết cả khiến vợ chồng tôi trở tay không kịp. Cách đây khoảng 10 ngày, khi cho ăn thấy tôm chết nổi đỏ mình rải rác khắp ao, hai vợ chồng tìm mua thuốc về xử lý nhưng không kịp. Bao nhiều công sức, tiền của đầu tư vào tôm giờ coi như mất trắng. Không biết bao giờ gia đình mới trả hết nợ”.
Ông Trần Duy Hòa rắc vôi bột khử trùng tại các ao nuôi tôm của gia đình mới bị thiệt hại ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn (Ninh Bình).
Trao đổi với phóng viên Nhà nông/Dân Việt, ông Hoàng Ngọc Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải, huyện Kim Sơn cho biết, toàn xã có trên 289ha nuôi tôm, song thiệt hại đợt tôm chết vừa qua đã lên đến trên 90% diện tích với 247 hộ bị thua lỗ nặng.
Theo ông Thành, nguyên nhân ban đầu dẫn đến việc tôm chết hàng loạt có thể do thời tiết nắng nóng và nước trong ao nuôi bị xâm nhập mặn quá mức.
“Hiện, chúng tôi chưa có giải pháp gì giúp đỡ người nuôi tôm. Trước mắt xã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh tiếp tục lấy mẫu nước để điều tra nguyên nhân, sau đó mới có giải pháp khắc phục cụ thể” - ông Thành khẳng định.
Sau đợt dịch, nhiêu ao, đầm nuôi tôm của người dân ở 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn xơ xác, tiêu điều.
Nhiều hộ nông dân bị thiệt hại cả trăm triệu đồng vì tôm chết trắng.
Theo ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh, để xử lý hiệu quả các ao nuôi tôm bị chết, bà con Kim Sơn nên thu hoạch các diện tích tôm có thương phẩm, còn các loại tôm nhỏ nên vớt hết tôm chết đem chôn tiêu hủy.
“Đối với các ao lót bạt, bà con phải khử trùng phơi khô ít nhất là 10 ngày, ao đất phải 30 ngày. Sau đó bà con mới tiến hành thả nuôi tiếp theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật ở địa phương. Để tránh thiệt hại không đáng có, tôi khuyên bà con nên chọn mua giống tôm ở những địa chỉ kinh doanh giống uy tín mới đảm bảo được chất lượng tôm tốt và tránh được dịch bệnh nguy hiểm” – ông Tiêu khuyến cáo.