Thác Khô cạn (Dry Falls), thác nước lớn nhất thế giới nay đã khô cạn, là một vách đá hình móng ngựa nằm ở hẻm núi đá bazan bị xói mòn, cao gấp hai lần và rộng gấp ba lần thác Niagara, theo BBC. Cụm thác Niagara bao gồm ba thác nước ở biên giới Mỹ - Canada, có chiều cao trung bình 51 m và tổng chiều rộng hơn 1.100 m. Ngày nay địa điểm này được bảo tồn trong khu vực Công viên Quốc gia thác Khô cạn - hồ Mặt Trời. Ảnh: Zack Frank
Các nhà địa chất khám phá ra rằng, đập băng của hồ Missoula vỡ ra tạo thành một dòng nước cao 90 m di chuyển với tốc độ 100 km/h. Nó cuốn trôi nhiều lớp đất đá trên đường đi, tạo thành hẻm núi đồ sộ chỉ trong một tuần. Ảnh: Zack Frank
Dãy Cascade chia tiểu bang Washington, Mỹ, thành hai vùng có khí hậu rất khác nhau. Ở phía tây là một số khu rừng rậm rạp mọc đầy rêu với những ngọn núi tuyết kéo dài từ Canada đến bang Oregon. Nhưng ở phía đông của dãy núi Cascade là vùng đất ít người biết đến, bị chi phối bởi môi trường đồng cỏ bán sa mạc rộng lớn. Ảnh: Zack Frank
Khoảng 15.000 năm trước, một đập băng khổng lồ giữ lại một phần nước của hồ Missoula cổ xưa trong khu vực phía đông dãy Cascade. Hồ Missoula có lượng nước bằng nửa hồ Michigan ngày nay. Sau khi kỷ Băng Hà kết thúc, đập băng bị phá vỡ giải phóng lượng nước lớn làm xói mòn đất đá, tạo thành hẻm núi đá bazan sâu 200 m, dài 96 km. Ảnh: Zack Frank
Lũ lụt Missoula, trận lũ lớn do đập băng ở hồ Missoula bị phá vỡ, tạo ra những biến đổi không nhỏ về cấu trúc địa chất nước Mỹ. Những dấu hiệu ảnh hưởng của nước lũ xa tới tận thành phố Portland, cách dãy Cascade hơn 320 km về phía tây nam. Ảnh: Zack Frank
Trầm tích của các lớp đất đá bị cuốn trôi hiện nay nằm rải rác khắp Washington và các vùng của Oregon. Ảnh: Zack Frank
Khoảng 100 năm trước, con người bắt đầu tiến vào hẻm núi chứa Thác Khô cạn để thành lập một số thị trấn nhỏ và các khu cắm trại xung quanh một số hồ nước ngọt trong khu vực. Ảnh: Zack Frank