Dân Việt

Tan tành "mộng" làm giàu từ cây "tin đồn" sachi, bí Đài Loan

Lê Kiến 15/06/2017 06:10 GMT+7
Nhiều cây trồng được “thổi giá” lên cao, nông dân thấy lợi đua nhau mua về trồng và hệ lụy là lao đao vì giá rớt, điển hình như cây sachi, bí đao Đài Loan, mắc ca... “Cơn bão giá” khiến nhiều người hoang mang trước câu hỏi, trồng cây gì bây giờ?

img

Quả Sacha Inchi hay còn có tên là Sacha đậu phộng, Inca Inchi, Penut inca… có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Ảnh minh hoạ

Vỡ mộng làm giàu từ cây “tin đồn”

Cách đây hơn 1 năm trước, nhiều hộ dân ở làng Brếp (xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai) đỗ xô trồng cây sachi với tâm lý vô cùng phấn khởi, hy vọng không lâu nữa sẽ giàu. Bởi, theo tin đồn và qua giới thiệu từ người bán cây giống “sachi là cây siêu thực phẩm và được mệnh danh là vua các loại hạt, mỗi kg có 800.000 - 900.000 đồng/kg. Chỉ cần trồng 1 lần có thể thu quả nhiều năm”. Khoảng 20 hộ nơi đây không ngần ngại mà đi tiên phong trồng sachi.

Nay trở lại làng Brếp, trên nét mặt của các hộ dân không còn hồ hỡi như trước mà hiện lên nỗi u sầu. Ông Vốt - Trưởng thôn Brếp buồn rầu nói: “Dân vỡ mộng làm giàu với cây sachi rồi. Họ đã ngán cây này, không ai chăm sóc, để chết khô luôn”. Theo ông Vốt, họ buồn không phải vì cây không cho trái mà vì “bán không có ai đến mua”. Lúc đầu mới thu, có người đến hỏi mua nhưng giá chỉ có 40.000 đồng/kg chứ không 800 nghìn đồng như trước đây. Về sau, giá giảm xuống 30.000 đồng/kg thì không có ai đến hỏi luôn. Đến nay có chừng 50% hộ dân đã bỏ mặc cây sachi chết.

Ông Rý - Trưởng thôn Tleo (xã Kdang, huyện Đắk Đoa) cũng cho biết, thôn có rất nhiều hộ trồng sachi, thậm chí có hộ phá cà phê để trồng nhưng giờ họ hối hận vì giá không được như tin đồn.

Tại huyện Chư Sê, nhiều hộ dân cũng không ngần ngại bỏ hàng chục triệu đồng mua giống hồ tiêu lạ (tiêu lốt, lá giống lá lốt -PV) nay cũng ngập ngừng tìm chưa có đầu ra. Lúc trước, một số đại lý ở ngoại tỉnh hứa thu mua giá không dưới 140.000 đồng/kg. Mới đây, hàng trăm hộ dân ở các huyện Chư Sê, Chư Pứh, Kông Chro… điêu đứng, trắng tay vì giống bí đao Đài Loan – cây cho năng suất nhưng không biết bán cho ai, đành để thối ngoài đồng.

img

Nhiều nông dân quay lưng với cây sachi. Ảnh: Lê Kiến

Ngay cả “cây tỷ đô” mắc ca được xem là hướng đi mới giúp thoát nghèo nay người trồng cũng chật vật tìm đầu ra. Nhiều hộ dân liên hệ với đơn vị bao tiêu sản phẩm nhưng không thấy hồi âm đành gọi điện cầu cứu Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Trao đổi với Dân Việt, ông Hà Ngọc Uyển – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Gia Lai nói: Đối với các cây trồng lạ, mới nhất là cây sachi, tỉnh không có chỉ đạo, khuyến cáo trồng. Bởi những cây lạ không rõ xuất xứ, chưa có quy trình hướng dẫn trồng, nhất là đầu ra không đảm bảo. Phần lớn, các hộ dân đều nghe đồn giá cao nên đổ xô trồng tự phát và thiệt hại là khó tránh khỏi. 

Nông dân hoang mang tìm cây làm giàu?

Ông Vốt làng Brếp (xã Đắk Djrăng) chia sẻ: Bà con giờ không biết cây gì để làm giàu cả, một vườn trồng 4-5 loại cây trồng xen nhau như “nồi lẩu thập cẩm”, chờ cây nào có giá cao thì để lại, giá thấp thì chặt bỏ. Riêng vườn ông trồng 4 loại: hồ tiêu, chanh dây, cà phê và sachi.

Anh Trần Đình Giang – thôn Thiên An (xã Ia Blứ, Chư Pứh) nói: Sau khi cây hồ tiêu chết, rớt giá, bầu bí trồng bán không được khiến nhiều hộ dân hoang mang. Nhiều người tự mày mò, đi mua nghệ, cây đinh lăng về trồng… nhưng chưa biết đầu ra thế nào. Nhà tôi cũng đã trồng 2.000 gốc đinh lăng.

Giá ảo, “dân chết thật”

Năm 2016, so với nhiều nông dân là một năm “bạo phát về giá nông sản”. Có thời điểm, hồ tiêu đạt trên 200.000 đồng/kg, chanh dây trên 50.000/kg, các loại bí trên 10.000/kg… riêng cây sachi còn bị thổi giá trên trời 700-800.000 đồng/kg khiến nông dân đỏ mắt, ồ ạt trồng bất chấp đầu ra. Nay họ cũng “đỏ mắt” vì những cây này, giá “bạo khởi rồi bạo tan”.

Tại Gia Lai, cây hồ tiêu vượt quy hoạch hơn 10.000ha, nhiều cây trồng "lạ” tự phát còn chưa có thống kê đầy đủ. Ông Hà Ngọc Uyển khuyến cáo: Đối với các loại cây trồng người dân cần sàng lọc nên trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả chứ không nên ồ ạt theo phong trào. Lâu nay người dân hay trồng tự phát không theo khuyến cáo và tác hại đã thấy rõ, cung vượt cầu thì “người nông dân sẽ chết”. Vì vậy, người dân cần phải trồng theo quy hoạch, có sự khuyến cáo của cơ quan chức năng. Riêng cây hồ tiêu, người dân không nên trồng mở rộng mà cần tập trung chăm sóc diện tích hiện có.

Theo ông Trương Hồng - quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên: Người nông dân cần tỉnh táo, tìm hiểu những thông tin liên quan đến thị trường của đối tượng cây trồng để quyết định có trồng hay không. Nên trồng loại cây trồng nào có thị trường tương đối ổn định, tránh chạy theo những thông tin không chính thống. Người dân nên thận trọng đối với các loại cây trồng xuất theo đường tiểu ngạch như dưa hấu, bí đao, chanh dây… vì rủi ro trong tiêu thụ rất lớn.

“Hiện nay có tình trạng người ta nâng giá trị ảo của cây lên rất cao để bán giống, sau khi bán giống một năm, họ lãi hàng tỷ đồng rồi sẽ “chuyển hướng”. Trong khi sản phẩm người nông dân làm ra không biết bán cho ai, hậu quả nặng nề. Về mặt chính quyền cần định hướng cho người nông dân, cung cấp cho họ những thông tin về các loại cây trồng mới để hạn chế tối đa rủi ro” - ông Hồng nói.