Những tưởng câu chuyện “đổi đèn mới lấy đèn cũ” chỉ có trong cổ tích, ấy vậy mà ngay giữa những ngày tháng 9 thập niên thứ hai của thế kỷ 21, tôi đã chứng kiến những người thợ cầu của TCty Xây dựng Thăng Long hồ hởi “đổi cầu mới lấy cầu cũ” mà cứ vui như tết, mà cứ mong đổi nữa…
“Phù thuỷ hô biến”
Bốn tiếng đồng hồ phải đổi xong một cây cầu mố, trụ bêtông cốt thép, nhịp bằng kết cấu dầm thép dài 100m, nặng 250 tấn (cầu Bà Bầu) bắc qua sông cho đoàn tàu hoả hàng trăm tấn chạy qua. Và ngay sau khi đổi xong cầu, tàu hoả lại tiếp tục chạy như không hề có một cây cầu mới vừa được thay thế...”.
Lời mào đầu của Phó Giám đốc Ban điều hành dự án gói thầu xây lắp số 2 thuộc Dự án nâng cao an toàn các cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM của liên danh nhà thầu Tekken - Yokogawa - TCty Xây dựng Thăng Long Nguyễn Minh Phúc kéo giật tôi ra khỏi cơn gà gật trên con đường từ TP.Đà Nẵng ra thị sát cầu Bà Bầu tại Quảng Nam.
Cầu mới đã được lắp ráp xong bên cạnh cầu Bà Bầu cũ. |
Thoạt nghe bạn có thể tin nổi không, tôi cũng ớ ra ngạc nhiên về cái sự đổi cầu mang đậm chất phù thuỷ này, dù thâm niên gắn bó với ngành giao thông không dưới 20 năm có lẻ.
Hoá ra dự án nâng cao an toàn các cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM do Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc TCty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, nguồn vốn ODA Nhật Bản, sẽ lần lượt thay thế, nâng cấp hệ thống cầu đường sắt đã cũ, không đảm bảo an toàn trên toàn tuyến.
Gói thầu xây lắp số 2 (gọi tắt là CP2) nâng cấp 10 cầu đường sắt, đường dẫn đầu cầu các cầu Phò Trạch, Truồi, Thừa Lưu (địa phận Thừa Thiên - Huế), Bầu Sấu, Châu Lâu, Bầu Thinh, Tam Kỳ, Bà Bầu và An Tân (địa phận Quảng Nam), Nam Ô (địa phận TP.Đà Nẵng) do liên danh nhà thầu Tekken - Yokogawa - TCty Xây dựng Thăng Long thực hiện, được khởi công vào ngày 1.5.2010 và dự định sẽ hoàn thành sau 30 tháng, vào 31.10.2012.
Các cầu đường sắt về quy mô chỉ là “muỗi” so với những cây cầu được liệt vào dạng kỷ lục Việt Nam, kỷ lục Đông Nam Á mà thợ cầu Thăng Long đã xây dựng, nhưng về độ khó có lẽ cũng không kém phần kỷ lục. Bởi giao thông trên đường sắt chỉ dừng dù một tiếng cũng đã gây thiệt hại kéo theo khó lường. Khó là ở chỗ vừa xây mới cầu, vừa phải đảm bảo tàu vẫn xình xịch chạy qua.
Am tường chân tơ kẽ tóc công nghệ làm các loại cầu bởi xuất thân từ kỹ sư, rồi là Giám đốc Cty cầu 3, từng làm cầu xuyên thế kỷ từ thời bao cấp, Phó TGĐ TCty Xây dựng Thăng Long Bùi Văn Rạng nhẩn nha giải thích bí quyết “hô biến” của các “phù thuỷ” đổi cầu mới lấy cầu cũ.
Trong vòng 4 tiếng đồng hồ, cầu mới sẽ được đưa vào thay thế cầu cũ ở đúng vị trí ban đầu |
Đầu tiên là phải làm mố và trụ cầu mới bằng bêtông cốt thép theo tim cầu cũ, chỉ tịnh tiến lên xuống để tránh mố, trụ cầu cũ. Cùng với việc xây mố và trụ cầu mới sẽ phải dựng một thân cầu bằng kết cấu thép trên hệ trụ tạm song song với cầu cũ. Đối diện với hệ trụ tạm đỡ thân cầu mới qua phía bên kia cầu cũ là một hệ trụ tạm nữa để đỡ cầu cũ (khi rời cầu này ra khỏi vị trí để đẩy cầu mới vào).
Sau đó phải nâng đường sắt tại hai đường dẫn đầu cầu và kê kích cầu cũ lên hệ mố trụ mới để định hình đường ray mới hai bên đầu cầu thật chuẩn. Bước quyết định của công nghệ “đổi cầu” là dời cầu cũ sang hệ trụ tạm được dựng sẵn và di chuyển cầu mới từ hệ trụ tạm vào vị trí mố, trụ đã xây mới. Đồng thời, phải căn chỉnh đường ray đã làm trên cầu với đường ray hai đầu cầu cho khớp nối như một để tàu chạy êm thuận. Tất cả thời gian “đổi cầu” chỉ được gói gọn trong 4 tiếng...
Thú thật nghe dân chuyên nghiệp cầu nói mà tôi thấy ù tai và cũng hình dung lơ mơ. Chỉ đến khi “giáo cụ trực quan” là cầu Bà Bầu hiện ra trước mắt và có đến gần chục “thầy giáo” thi nhau trao đổi tranh cãi về phương án chuyển cầu, tôi mới “vỡ” ra đầy đủ cách “hô biến” cầu cũ thành cầu mới của các phù thuỷ TCty Xây dựng Thăng Long. Khó là chắc, nguy hiểm là chắc.
Cứ tưởng tượng đi hai cây cầu nặng hàng trăm tấn sẽ được đặt trên con lăn và trượt ngang sang khoảng gần chục mét trên dòng sông đâu phải chuyện đùa. Không chính xác, không chuyên nghiệp thì đừng nói đến dám làm. Có lẽ vì thế mà đây gần như là công nghệ độc quyền của tổng Thăng Long.
“Bà Bầu” tiên phong
Cầu Bà Bầu (Quảng Nam) những ngày giữa tháng 9 như sôi lên bởi không khí khẩn trương chuẩn bị cho giờ phút “đổi cầu” được ấn định vào 10.10.2011. Chiếc cầu mới đã được lắp ráp dựng trên hệ trụ tạm, sừng sững bên cầu cũ. Hai mố cầu và trụ giữa sông cũng đã hoàn thiện.
Giám đốc công trường Nguyễn Huy Thanh không giấu nổi vẻ căng thẳng hiện lên nét mặt, tâm sự: “Em phụ trách 3 cầu Bà Bầu, Tam Kỳ và An Tân. Cầu Bà Bầu sẽ được “đổi” đầu tiên trong số 10 cầu của dự án nên chị cũng hiểu tầm quan trọng của người lính đi đầu”.
Các cán bộ, kỹ sư Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long trao đổi về phương án thi công |
Tôi lập tức gật đầu chia sẻ với Thanh nỗi lo tựa đá tảng này vì đã chứng kiến TGĐ TCty Xây dựng Thăng Long Phan Quốc Hiếu trịnh trọng trao nhiệm vụ cho Thanh: “Chú phải chuẩn bị thật chắc chắn. Chú nổ phát súng đầu tiên cho ngon, để đầu xuôi đuôi lọt. Không cần vội, nếu chưa chuẩn bị thật tốt có thể lùi thời điểm. Cái chính là cầu đầu tiên phải đổi cho êm...”.
Dường như ý thức được vai trò người lính đi đầu nên cả “bộ sậu” nhà thầu phụ thi công cầu Bà Bầu - Cty cổ phần cầu 5 (thuộc TCty Xây dựng Thăng Long) - đều có mặt tại hiện trường.
Giám đốc Cty cầu 5 Đặng Trần Thu bị gọi trêu là “cậu bé hiếu động” khi trèo cả xuống dưới trụ cầu xem xét các gối đỡ dầm cầu, trao đổi về biện pháp di dời cầu cũ. Đội trưởng Nguyễn Trí Dục (phụ trách thi công cầu Bà Bầu của Cty CP cầu 5) khẳng định sẽ thi công đạt tiến độ nếu sớm có quyết định cho tàu chạy chậm của TCty Đường sắt.
Thấy tôi ngạc nhiên không hiểu, Phúc giải thích: Đường dẫn hai đầu cầu được làm mới nên phải điều chỉnh đường ray hiện tại lên cao độ mới. Trong khi tàu hoả không thể dừng chạy để chờ điều chỉnh đường nên nhà thầu phải vừa chỉnh từng tí, vừa bảo đảm an toàn cho tàu chạy qua. Do vậy, phải xin cho tàu chạy chậm khoảng 10km/h thay vì 70km/h. Bên TCty Đường sắt đã hứa 15.9 sẽ giải quyết. Chắc sẽ kịp tiến độ để đổi cầu vào 10.10.
Như minh chứng độ ngặt nghèo của công nghệ làm cầu cho tàu đang chạy, một đoàn tàu hoả sầm sập lao tới. Dù được cảnh báo trước, cả đoàn đã kịp đứng dạt sang hai bên đường ray, vậy mà khi đoàn tàu chạy qua vẫn thấy rõ tác động của nó tạo ra thật nguy hiểm. Chả thế mà trên cây cầu mới được dựng cách cầu cũ vài mét, lưới bảo hộ giăng kín mít. Hồ Hữu Tình - kỹ sư giám sát cầu Bà Bầu của Cty CP cầu 5, kè kè cái mỏ dây an toàn to tướng - kể: Giám sát JOT của Nhật Bản cực kỳ nguyên tắc.
Họ không cho phép công nhân lên cầu làm mà thiếu dây an toàn, bảo hộ lao động. Đội trưởng Dục vui vẻ “tố” thêm: Ban đầu mình định dùng lưới bảo hộ luân chuyển từng nhịp cho tiết kiệm, giám sát người Nhật không chịu, cứ nhất quyết bắt trang bị lưới toàn bộ cầu mới cho công nhân làm. Nghĩ lại thấy họ đúng. Không thể tiết kiệm an toàn được, hơn sẽ chẳng bõ hao. Mỗi khi tàu chạy qua gây ra luồng gió và rung động rất mạnh.
“Đấy chỉ là những cái khó bề nổi, có thể khắc phục, song có những cái khó chìm dưới mặt nước, nguy cơ gây chậm tiến độ thi công - chỉ tay xuống trụ cầu Nam Ô có một phần thanh dầm cũ rơi xuống lòng sông vẫn thò đầu lên, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án Nguyễn Minh Phúc lộ vẻ lo lắng - Mùa lũ gần kề, song nhiều cầu bị vướng chướng ngại vật dưới lòng sông nên đang thi công phải dừng lại để điều chỉnh thiết kế. Nếu không xong phần hạ bộ trước mùa mưa lũ là mất đứt cơ hội vài tháng. Các nhà thầu đều rất cố gắng, nhưng quả là bất khả kháng...”.
Đa số các cây cầu đường sắt đều có nhiều chướng ngại vật dưới lòng sông |
Nỗi lo của Phó Giám đốc Phúc là có cơ sở khi mà 5/10 cầu có các kết cấu cầu cũ bị đánh sập trong thời gian chiến tranh và 4/10 còn bom mìn sót lại. Liên danh nhà thầu đang rất quyết tâm hoàn thành một số cầu vào tháng 6.2012 và hoàn thành toàn bộ 10 cầu trước tiến độ để ghi điểm với chủ đầu tư, mở ra cơ hội cho những gói thầu mới, nhưng vẫn phải trông đợi vào... may rủi. Nhìn khuôn mặt người phó giám đốc trẻ sớm nhuốm vẻ suy tư, tôi thầm cầu trời cho lũ năm nay đến chậm...
Tạm biệt “Bà Bầu” tiên phong đang chờ thời khắc thuận lợi để “vượt cạn” với các “bà đỡ” mát tay, tôi cứ thấy vui vui với suy nghĩ ngồ ngộ: Có phải ngẫu nhiên mà cầu Bà Bầu đã được chọn để tiên phong trong 10 cầu. Chắc là các thợ cầu Thăng Long gửi gắm vào “Bà Bầu” mong ước “cầu mẹ đẻ cầu con”.
Khi bài báo này lên khuôn, tôi nhận được tin liên danh nhà thầu Tekken - Yokogawa - TCty Xây dựng Thăng Long đã trúng tiếp gói thầu 7 cầu đường sắt trên địa phận Quảng Bình. Xin chúc mừng họ đã thoả lòng mong ước.