Nhiều hộ dân ở 3 xã bãi ngang ven biển huyện Kim Sơn bị thiệt hại nặng nề vì tôm chết hàng loạt do bệnh hoại tử gan tuỵ cấp. Ảnh: T.Q
Bệnh hoại tử gan tụy cấp làm khổ người dân
Ông Trần Anh Khôi - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kim Sơn cho hay: Từ ngày 10.5, khi phát hiện tôm chết rải rác ở các hộ nuôi trên địa bàn huyện, Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình lấy 8 mẫu bệnh gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư.
Kết quả cho thấy, tôm đã bị nhiễm vi khuẩn V parahaemolyticus gây bệnh AHPND. “Tôm mắc bệnh là do thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng kéo dài, cường độ ánh sáng mạnh, nhiệt độ cao gây ra hiện tượng thiếu oxy khiến khả năng kháng bệnh của tôm giảm. Khi tôm yếu, các tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể tôm nuôi làm tôm mắc bệnh” – ông Khôi khẳng định.
Ông Trần Duy Hòa rắc vôi bột khử trùng tại các ao nuôi tôm của gia đình mới bị thiệt hại ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: Quân Phạm
Nuôi cá rô phi làm sạch môi trường ao, đầm tôm Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, để hạn chế dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm, bà con có thể thả nuôi cá rô phi trong ao, đầm tôm. Cách 1, thả trực tiếp cá vào ao tôm với mật độ 15 – 20m2 nước/con; cách 2, người nuôi có thể làm lồng nuôi với mật độ lớn ở giữa ao, đầm tôm. Trần Quang (ghi) |
“Để giảm bớt thiệt hại, chúng tôi đã khuyến cáo người dân tổ chức thu hoạch đối với các diện tích tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm, đồng thời tiến hành xử lý, quản lý chất lượng nguồn nước trong ao nuôi và có biện pháp che nắng khi thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài…” – ông Khôi nói.
Theo các hộ dân nuôi tôm ở 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn, ban đầu triệu chứng bệnh của tôm chưa rõ ràng. Tôm chậm lớn, lờ đờ, bỏ ăn, tấp mé và chết ở đáy ao/đầm nuôi. Sau đó, tôm bệnh có hiện tượng vỏ mềm, màu sắc cơ thể biến đổi, kiểm tra thấy gan tụy mềm nhũn, sưng to hoặc bị teo lại.
Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết: “Hoại tử gan tụy cấp là loại bệnh rất nguy hiểm trên tôm, đặc biệt là ở tôm thẻ. Tôm đã bị bệnh này thì không có thuốc chữa. Khi phát hiện tôm mắc bệnh, bà con cần báo ngay cho cơ quan thú y để có biện pháp kịp thời. Đặc biệt, bà con không được di chuyển giống, thả nuôi tiếp xuống các hồ xung quanh”.
Kiểm soát chặt khâu giống và nguồn nước
Theo ông Tiêu, đối với những ao nuôi có tôm chết nhiều (80 - 100%) bà con nên vớt hết tôm chết đem chôn tiêu hủy. Đối với các ao lót bạt, bà con phải khử trùng phơi khô ít nhất 10 ngày, ao đất phải 30 ngày, sau đó mới thả nuôi lứa mới.
Anh Đào Văn Cường bên ao nuôi tôm mới bị chết hàng loạt của gia đình ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn. Ảnh: T.Q
Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Đặng Thị Lụa cho hay: “Dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nước lợ đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nông, ngư dân không chỉ ở Ninh Bình mà ở nhiều vùng nuôi tôm khác trong cả nước.
Đáng nói là đến nay chúng ta chưa có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả đối với bệnh nguy hiểm này, bởi thế nên bệnh xuất hiện cũng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên để hạn chế dịch bệnh, trong quá trình nuôi bà con cần chú ý xử lý và kiểm soát nghiêm ngặt nguồn nước. Nước lấy vào ao nuôi phải là nước sạch; giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, được kiểm dịch…” – bà Lụa chia sẻ.
Cũng theo bà Lụa, dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp (bệnh chết sớm) trên tôm thường xuất hiện ở tôm giai đoạn hơn 20 ngày đến 45 thả nuôi. “Theo kinh nghiệm của nhiều chủ nuôi tôm lâu năm, họ thường ươm chăm sóc tôm bột ở bể hoặc ao nhỏ, khi được 35 – 40 ngày mới chuyển ra nuôi ở ao lớn. Một số người thì cân đối lượng thức ăn cho đàn tôm của mình bằng cách chia nhỏ lượng thức ăn ra và cho tôm ăn nhiều đợt hơn (theo khuyến cáo của cơ quan chức năng thì nên cho tôm ăn 2 – 3 lần/ngày) để tránh việc dư thừa thức ăn sẽ vô tình cung cấp dinh dưỡng cho loài vi khuẩn gan tụy cấp phát triển gây hại cho ao, đầm tôm” – bà Lụa nói.