Dân Việt

Lạ: Chỉ cần ghi nhật ký, trồng lúa sẽ tăng thêm 5.000 tỷ lợi nhuận

Thuận Hải 16/06/2017 19:40 GMT+7
Ghi chép nhật ký đồng ruộng - thói quen tưởng như đơn giản nhưng lại có thể giúp “giải cứu” nhiều vấn đề của ngành nông sản Việt Nam hiện nay: Giá thành sản xuất cao, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, khó kiểm soát chất lượng…

Việc nhỏ – lợi ích lớn

Thạc sĩ Lê Thanh Tùng – Phó Trưởng phòng Cây lương thực – Thực phẩm (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) chia sẻ, từ năm 2008, Cục Trồng trọt đã in và phát thí điểm 150 cuốn sổ tay ghi chép nhật ký đồng ruộng cho các nhóm sản xuất ở ĐBSCL.

img

Thu hoạch lúa ở huyện Cái Bè (Tiền Giang).  Ảnh: T.H

Chương trình tập huấn hướng dẫn ghi chép sổ tay sản xuất lúa cũng là tiền thân của các chương trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP (ra đời năm 2010) hay mô hình cánh đồng lớn, ra đời năm 2011. Đây cũng là bước chuẩn bị để đi đến sản xuất lớn và theo chuẩn an toàn.

Sau đó, từ năm 2010 - 2013, Cục Trồng trọt đã in thêm 120.000 cuốn phát miễn phí cho nông dân các tỉnh ĐBSCL để phục vụ sản xuất lúa theo cánh đồng lớn và VietGAP. Khác với Nhật ký đồng ruộng của bộ tiêu chuẩn VietGAP, nội dung sổ ghi chép tình hình sản xuất lúa đã được đơn giản hóa tới mức tối đa, nông dân chỉ cần ghi làm gì, công bao nhiêu, tiền bao nhiêu… Từ đó, có thể tính được giá thành sản xuất, hiệu quả mùa vụ, truy xuất nguồn gốc…

Tuy nhiên, đáng tiếc là khi thu lại những cuốn sổ đã phát ra, nhiều cuốn chỉ có tên nông dân, địa chỉ đồng ruộng, còn các thông số khác bà con bỏ trống. Hỏi nguyên nhân tại sao không ghi chép đầy đủ, có người cho rằng đi làm đồng cả ngày mệt nên quên. Cũng có người không biết mình chi ra bao nhiêu tiền, vì cứ lấy phân lấy thuốc “chịu” ở các đại lý, đến cuối mùa mới “tính sổ”. Cũng có người thật thà: Vì tui không biết chữ!

Còn theo ông Lê Thanh Tùng, việc ghi chép nhật ký chưa được nông dân tuân thủ phần vì thói quen sản xuất, phần vì nhiều bà con cho rằng, việc ghi chép chưa mang lại lợi ích gì trước mắt. Thế nhưng, nếu có sổ tay ghi chép, sau mỗi mùa vụ, bà con sẽ có thể nhìn lại việc đầu tư, sản xuất, rồi tham khảo thêm các khuyến cáo của cơ quan chức năng, từ đó điều chỉnh mức đầu tư về giống, phân bón, thuốc BVTV… để giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận.

“Có giảm thì cũng thêm được bao nhiêu đâu, một vài trăm đồng mỗi kg lúa thì cũng không thấm tháp gì”, ông Nguyễn Thành Một – nông dân sản xuất 4 công lúa ở vùng nguyên liệu Thoại Sơn (An Giang) phân trần.

img

Sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP do Bộ NNPTNT cấp phát. 

“Tích tiểu thành đại”

Cục Trồng trọt phân tích, đúng là 100-200 đồng thì không nhiều, nhưng nếu tính trên tổng thể toàn vùng ĐSCL, con số này không hề nhỏ. Cụ thể, mới đây, Bộ Tài chính đã công bố giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 2017 tại các tỉnh ĐBSCL. Theo đó, địa phương có giá thành sản xuất lúa lớn nhất là Bến Tre, ở mức 5.192 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với mức 4.992 đồng/kg vụ hè thu năm 2016.

Tiếp đó là Trà Vinh, ở mức 4.687 đồng/kg, tăng 180 đồng/kg; Tiền Giang ở mức 4.498 đồng/kg, tăng 173 đồng/kg so với mức 4.325 đồng/kg cùng kỳ năm trước. Bình quân toàn vùng ĐBSCL, giá thành sản xuất lúa hè thu 2017 ở mức 3.992 đồng/kg, tăng 154 đồng/kg so với mức 3.838 đồng/kg cùng kỳ 2016.

Nếu làm tròn số mỗi kg lúa chỉ tăng 150 đồng, tức mức tăng thêm là 150.000 đồng/tấn. Vụ hè thu, ĐBSCL sản xuất khoảng 9,5 triệu tấn lúa. Như vậy, mức chi phí giá thành tăng thêm khoảng 1.425 tỷ đồng.

Một năm làm 3 vụ lúa, ĐBSCL sản xuất ra khoảng 25 triệu tấn lúa. Nếu giảm chi phí giá thành được 200 đồng/kg lúa thì lợi nhuận cho bà con đã tăng thêm 5.000 tỷ đồng, đó là chưa kể tới chuyện giảm tỷ lệ hao hụt, thất thoát trong thu hoạch…

PGS-TS Phạm Văn Dư, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, tập thói quen ghi chép nhật ký đồng ruộng có thể là việc làm không dễ với nông dân, nhưng không ai có thể làm thay được. Việc ghi chép phải trung thực, vì chỉ có trung thực mới đem lại hiệu quả. Do đó, để hình thành thói quen ghi chép cho nông dân, những người không xem việc cày bừa cấy hái là một nghề, cần thời gian nên cần tiến hành càng quyết liệt, càng sớm càng tốt.