Dân Việt

Thứ trưởng Tú tiếp tục "trách" Bộ trưởng Huệ

25/09/2011 06:01 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã nói như vậy với báo chí sau hội thảo về quản lý xăng dầu

Ông bình luận như thế nào về phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ?

- Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Tôi vừa đánh giá cao vừa không tán thành, vừa thông cảm với tân bộ trưởng. Trước hết, tôi đánh giá cao tinh thần thẳng thắn quyết liệt và dũng cảm của tân Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đó là những đức tính cần thiết của một người cầm cân nảy mực ngành phức tạp như ngành tài chính. Nhưng tôi không tán thành hầu hết quan điểm liên quan đến đánh giá về lĩnh vực xăng dầu và quan điểm điều hành ngành xăng dầu của ông.

img
Giá nhập khẩu xăng dầu vẫn là "bí mật" của các doanh nghiệp 

Ông phản bác như thế nào đối với các ý kiến của Bộ trưởng Vương Đình Huệ?

- Do thời gian hội thảo có hạn nên khi tôi đề nghị được phát biểu, Bộ trưởng Huệ không đồng ý và tôi không có điều kiện phát biểu được hết ý kiến của mình. Nếu như được phát biểu thì tôi sẽ có nhiều ý kiến để tranh luận. Còn hôm nay tôi xin không tranh luận về những điều đã nêu ra tại hội thảo. Một cuộc tranh luận, thảo luận cần có ít nhất từ 2 người trở lên và công khai quan điểm. Hôm nay chỉ có mình tôi, tôi không muốn nói quan điểm của mình.

Ông có muốn nói gì thêm về quan điểm khác nhau giữa hai bộ ?

- Từ trước đến nay, hai bộ vẫn phối hợp chặt chẽ trong vấn đề điều hành xăng dầu, bởi vì hai lĩnh vực này liên quan chặt chẽ đến nhau, như giá cả hay lỗ lãi của DN sẽ tác động đến nguồn cung, hệ thống phân phối, bảo đảm dự trữ.

Về chuyện lỗ lãi của DN, Bộ Công Thương theo dõi chủ yếu thông qua các báo cáo của các DN và công tác quản lý tài chính DN của Bộ Tài chính. Theo thông tin báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, việc lỗ của các DN đã được tích lũy lại sau các đợt điều chỉnh của liên bộ là có thật.

Nghị định 84/CP không phải là nghị định thả nổi giá xăng dầu, đó chỉ là một bước trong lộ trình thị trường hóa xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ. Gần đây nhất, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nhắc lại vấn đề “chủ động điều hành linh hoạt giá xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 84/CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát giá xăng dầu thế giới”.

Có mấy vấn đề cần chú ý. Thứ nhất, Nghị định 84/CP cho phép DN điều chỉnh giá khi thị trường biến động ở mức 7%, từ mức 7% trở lên thì có sự tham gia của Nhà nước. Thứ hai, việc điều chỉnh giá DN chỉ trên cơ sở biến động 30 ngày chứ không phải trên cơ sở biến động tức thời. Thứ ba, chỉ được điều chỉnh giá tiếp sau tối thiểu là 10 ngày dù thị trường có bất cứ biến động nào. Thứ tư, việc điều chỉnh giá của DN phải được báo cáo liên bộ; tổ điều hành giá xăng dầu do Bộ Tài chính làm tổ trưởng và Bộ Tài chính có quyền phủ quyết.

Với tình trạng giá như hiện nay, các DN đã lỗ tích lũy rất lớn, nếu giảm giá DN đầu mối sẽ tiếp tục lỗ, không đủ khả năng tiếp tục cung ứng nguồn (việc này đã xảy ra trong đầu năm 2011). Các tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ sẽ lỗ, không đủ khả năng để tiếp tục bán hàng. Như vậy, tưởng như được lợi trong ngắn hạn (giá rẻ) nhưng không có xăng dầu cung cấp cũng như không có cây xăng nào bán phục vụ cho mục đích tiêu dùng thì suy cho cùng giá rẻ mà có hại cho người tiêu dùng.

Về việc Bộ Tài chính công bố doanh nghiệp xăng dầu lãi 780 đồng/lít như vừa qua, tôi khẳng định không có. Còn chúng ta chỉ có thể biết tại sao có số liệu này, thông qua cách tính nào sau khi Bộ Tài chính chính thức công bố.

Theo Người lao động