Bỏ tiêu trồng dâu
Sáng sớm mùa hè tháng 5 Quảng Trị đã nóng oi ả, ai nấy đều mệt mỏi. Thế nhưng khi chúng tôi ghé thăm, đứng giữa vườn dâu, gương mặt ông Trần Văn Quốc (59 tuổi) lại sáng lên niềm hạnh phúc.
Ông Quốc thu hái dâu trong vườn nhà. Ảnh: N.V
Trong lúc vườn tiêu đang tàn lụi, ông Quốc lóe lên ý nghĩ trồng dâu ngâm rượu bán. Khi người dân quanh vùng đang cố gắng vực dậy vườn tiêu thì ông Quốc phá sạch, dành đất để đào hố, mua phân về trồng 1.000 gốc dâu trên diện tích 1ha vào năm 2008. |
Sinh ra trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ thôn Tân Phú, xã Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị), trước đây ông Quốc là công nhân Nông trường Tân Lâm. Sau khi nông trường cổ phần hóa, ông Quốc vào Nam ra Bắc lăn lộn kiếm sống với nhiều công việc khác nhau. Cuối cùng ông quay về quê hương và dừng chân, đánh vật với vườn tược.
Nơi đây đất đỏ baza, hồ tiêu là loại cây được nhiều nông dân trồng. Ông Quốc cũng làm theo, nhưng ngày qua ngày vườn tiêu nhà ông mắc nhiều thứ bệnh. Dù đã dùng nhiều loại thuốc phòng trừ bệnh nhưng tiêu vẫn chết dần, chết mòn, năng suất giảm, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Mất nguồn thu nhập chính, cuộc sống gia đình ông Quốc khốn đốn.
Thế rồi cơ duyên với cây dâu tằm đến với ông Quốc bất chợt. Ông kể, cách đây khoảng 30 năm, trong một lần ra thăm quê vợ ở Nghệ An, thấy có cây dâu tằm ra quả ngon nên ông xin vài nhánh về trồng chơi. Mang về đất Tân Phú trồng, dâu tằm hợp thổ nhưỡng, lớn nhanh, ra trái nhiều. Tìm hiểu sách báo, ông Quốc biết được trái dâu là phương thuốc nam rất tốt cho sức khỏe. Ông hái dâu đem ngâm rượu thì cho ra loại rượu thơm ngon, ai nấy đều khen. Trong lúc vườn tiêu đang tàn lụi, ông Quốc lóe lên ý nghĩ trồng dâu ngâm rượu bán. Năm 2008, khi người dân quanh vùng đang cố gắng vực dậy vườn tiêu thì ông Quốc phá sạch, dành đất để đào hố, mua phân về trồng 1.000 gốc dâu trên diện tích 1ha.
Thấy vậy, hàng xóm đặt cho ông cái tên Quốc gàn. Vợ ông thì suốt ngày khóc lóc van xin ông dừng làm vì sợ ôm cục nợ. Bà Hồ Thị Lan - vợ ông nhớ lại: “Lúc đó tôi như ngồi trên đống lửa. Con cái đang tuổi ăn học, điều kiện gia đình khó khăn, ông ấy làm liều lỡ không thành công, ôm cục nợ thì cả nhà chỉ có nước ra ở bờ ở bụi. Ngăn ông ấy không được nên tui đành đồng cam cộng khổ làm...”.
Nổi danh Quốc “dâu”
Là mô hình trồng trọt mới, nên ông Quốc phải tự mày mò trồng dâu theo hàng lối (tỷ lệ 3-3-3), cắt tỉa cẩn thận. Sau vài năm, ông thu hái lứa dâu đầu tiên đem ủ rượu. Do ông chưa biết kỹ thuật, rượu liên tục hỏng, lúc quá ngọt, lúc quá chua. Sau mỗi lần thất bại, ông Quốc tự rút ra kinh nghiệm để đi đến thành công.
Bây giờ, 2.000 gốc dâu trong vườn của ông thu được 6 tấn quả tươi, nếu ngâm rượu sẽ cho ra 2.000 lít, còn bán quả tươi sẽ thu khoảng 300 triệu đồng (bình quân 50.000 đồng/kg quả tươi). Sau khi trừ chi phí, ông bỏ túi khoảng 200 triệu đồng. Ông Quốc dự định đến năm 2019 sẽ tăng diện tích lên 4ha, tương đương 4.000 gốc dâu và đăng kí thương hiệu, nhãn mác cho rượu dâu. Ngoài tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, ông Quốc còn thuê 4 lao động địa phương với lương 4,5 triệu đồng/tháng.