Thông tin trên được công bố khiến bộ đôi cổ phiếu HAG và HNG của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) có phiên tăng ấn tượng. Trong đó, mã HAG bật tăng lên 9.170 đồng/CP và mã HNG tăng lên 10.650 đồng/CP, sau chuỗi ngày giảm giá vì thông tin phải bán đi “con gà đẻ trứng vàng” mía đường để trả nợ.
Trái cây có "cứu" nổi bầu Đức? (Ảnh: IT)
Trái cây sẽ là... “mũi nhọn”
Với bầu Đức, nhà đầu tư và giới tài chính không lạ gì khi mỗi năm doanh nhân phố Núi này đưa ra một “mũi nhọn” cho hướng đi của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Còn nhớ, khi đang còn kinh doanh chính ở mảng bất động sản, bầu Đức đã xác định “mũi nhọn” của HAGL là cao su và bắt đầu chuyển sang lĩnh vực này qua việc mở rộng diện tích trồng cao su khắp các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng sang Lào và Campuchia. Đến nay, HAGL Agrico (Công ty con của HAGL) sở hữu 48.793 ha cao su trong đó 20.361 ha tại Lào, 4.844 ha tại Việt Nam, và 23.588 ha tại Campuchia.
Dù vậy, 10 năm rồi thì doanh thu từ mảng cao su lại khá khiêm tốn. Nguyên nhân được bầu Đức chia sẻ với cổ đông là do giá rẻ nên chưa mở rộng diện tích... cạo mủ.
Không thể trách được bầu Đức khi ông đặt niềm tin vào “mũi nhọn” cao su bởi theo tính toán của doanh nhân phố Núi này thì: “Giá cao su trung bình từ 2.500 - 3.000 USD/tấn, khoảng 5 năm nữa, hơn 20.000 ha cao su ở Lào được khai thác hết. Nhân sản lượng, diện tích, giá cả bình quân sẽ ra con số doanh thu và lợi nhuận khổng lồ trong tương lai. Chưa kể là năm thứ 20, chỉ riêng gỗ cao su khai thác của HAGL cũng được 1 tỷ USD...” - bầu Đức đã chia sẻ với cổ đông khi cao su còn ở thời hoàng kim của cái được gọi là... “vàng trắng”.
Bước sang năm 2013, “mũi nhọn” của bầu Đức lại chuyển sang mía đường khi doanh thu bán đường của HAGL đạt 838 tỷ đồng, chiếm 30%. Sang năm 2014, mía đường mang về doanh thu cho HAGL lên tới 1.042 tỷ đồng, trở thành mảng kinh doanh chiếm tỷ trọng hàng đầu trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.
Sang năm 2015, “mũi nhọn” của HAGL lại chuyển thành bán bò với doanh thu đem về là 2.541 tỷ đồng, chiếm 41%. Tiếp sang năm 2016, mảng bán bò đem về cho HAGL 3.465 tỷ đồng doanh thu, chiếm 54% doanh thu thuần. Tuy nhiên, hệ số lợi nhuận gộp mảng bán bò này đã giảm mạnh từ khoảng 41,3% xuống gần 12,7%, điều này cho thấy mảng này cũng đang gặp vấn đề.
Trong khi đó, tại đại hội cổ đông năm 2016, bầu Đức lại cho biết sẽ tập trung chăm sóc 29.307 ha cọ dầu đã trồng. Tại Campuchia, HAGL có nhà máy chế biến dầu cọ với công suất 45 tấn buồng quả tươi/giờ có thể chế biến 270.000 tấn quả tươi/năm, đủ phục vụ cho diện tích khoảng 9.000 ha. Tại Lào, HAGL đang tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dầu cọ với công suất 30 tấn buồng quả tươi/giờ và dự kiến đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2017. Tuy nhiên, trong cơ cấu doanh thu năm 2017 thì vẫn chưa ghi nhận khoản thu nhập từ đầu tư mảng này.
Những ngày đầu tháng 6.2017, cổ đông của HAGL lại bất ngờ hơn khi “mũi nhọn” trong năm 2017 lại chuyển thành trái cây chứ không còn là bán bò. Trong bức tâm thư gửi đến ngân hàng, đối tác của HAGL Agrico, bầu Đức chia sẻ: “Trong năm, Công ty cũng rà soát và quyết định sử dụng quỹ đất còn dôi dư để trồng một số loại cây ăn quả có giá trị cao hơn và thời gian đưa vào thu hoạch ngắn hơn. Chúng tôi tin tưởng rằng đây là quyết sách hợp lý trong bối cảnh HAGL Agrico cần có một hướng đi đột phá và mang tính chiến lược để vượt qua khó khăn và bảo đảm khả năng cạnh tranh trong dài hạn...”.
Hiện, diện tích trồng trái cây của HAGL Agrico chưa được công bố nhưng một nguồn tin cho biết khả năng diện tích trồng trái cây của bầu Đức vào khoảng 6.000 ha, tập trung cả ở Việt Nam lẫn Campuchia và Lào với khoảng 10 loại trái cây như bơ, sầu riêng... chứ không chỉ có chanh dây, chuối và thanh long như công bố trong báo cáo của doanh nghiệp này về dự kiến doanh thu trong năm 2017.
Trái cây sẽ “cứu” bầu Đức?
Việc bầu Đức chuyển hướng sang trồng trái cây không mới với giới đầu tư, các cổ đông. Còn nhớ, hồi đầu tháng 2.2016, HAGL đã đề xuất tỉnh Gia Lai xin được chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng cỏ nuôi bò sang trồng cây ăn trái và xây dựng nhà máy nước ép trái cây. Tới cuối tháng 5.2016, Tập đoàn đã được đồng ý về chủ trương chuyển đổi 195,8 ha tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai của Bò sữa Tây Nguyên và 488,8 ha tại các xã Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, huyện Mang Yangi của Chăn nuôi Gia Lai. Tổng cộng 684,6 ha đất này sẽ được chuyển sang trồng cây ăn trái để cung cấp cho nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây ăn trái của HAGL.
Tới kỳ đại hội cổ đông năm 2016, bầu Đức cũng vẫn khá “úp mở” về việc chuyển hướng sang trồng trái cây ngoài những thông tin ngắn ngủi được chia sẻ: “Sẽ tận dụng những quỹ đất còn dôi dư, không hiệu quả để chuyển sang trồng trái cây...”.
Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau thì “mũi nhọn” của HAGL lại chuyển sang thành trồng trái cây. Hiện, nhà đầu tư chỉ biết được doanh thu dự kiến từ mảng kinh doanh này trong năm 2017 mà không có bất cứ thông tin nào về diện tích trồng. Cụ thể, công ty đặt mục tiêu thu hoạch 56.250 tấn chanh dây, mang lại doanh thu 1.050 tỷ đồng; thu hoạch 17.000 tấn thanh long, mang lại doanh thu 680 tỷ đồng và 50.000 tấn chuối, mang lại doanh thu 843 tỷ đồng.
Như vậy, tổng doanh thu từ trái cây của HAGL trong năm 2017 dự kiến lên đến 2.573 tỷ đồng, cao hơn tất cả các mảng kinh doanh chủ lực khác như bò (1.240 tỷ đồng); cao su (745 tỷ đồng).
Đáng nói, kế hoạch doanh thu từ trái cây của bầu Đức có gì đó hơi... là lạ. Chẳng hạn, với thanh long, bầu Đức dự kiến thu hoạch 17.000 tấn mang về doanh thu 680 tỷ đồng, tính bình quân ra thì giá mỗi kg thanh long của bầu Đức lên tới khoảng... 40.000 đồng/kg. Hoặc với chuối, tính bình quân thì mỗi kg chuối bầu Đức sẽ bán với giá gần 17.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm 2017 này ở Đồng Nai chỉ có mức giá 1.500 đồng - 4.000 đồng/kg chuối.
Riêng vói chanh dây, đầu năm 2016, chanh dây ở khu vực Tây Nguyên có thời điểm ở mức 10.000- 15.000 đồng/kg, rồi lên đỉnh điểm là 56.000 đồng/kg, nhưng sau đó lại giảm xuống còn 10.000 đồng/kg, rồi tiếp tục giảm sâu còn 4.000-5.000 đồng/kg khiến người dân khóc ròng. Dù vậy, giá mỗi kg chanh dây của bầu Đức cũng khá... ổn định ở mức gần 20.000 đồng/kg.
“Về tài chính, HAGL đã chơi một ván bài rất rủi ro khi sử dụng đòn bẩy tài chính cao và vay vốn ngắn hạn đi đầu tư dài hạn. Các khoản vay của HAGL đều có lãi suất rất cao và thời gian ngắn trong khi đó đầu tư vào những lĩnh vực có rủi ro cao và thời gian thu hồi vốn dài như cao su, dầu cọ, thủy điện… Điều tất yếu là dòng tiền tạo ra không đủ để trả lãi suất và các khoản nợ đến hạn. Theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 31.3.2017, tổng nợ phải trả của HAG là 34.426 tỷ đồng với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,1. Nợ vay ngắn hạn đang vượt xa nhiều lần doanh thu khiến HAGL mất cân đối tài chính trầm trọng”, một chuyên gia của Công ty Chứng khoán TP.HCM, bình luận. |