Đầu tư tiền tỷ… chỉ thu lá
Sau khi Dân Việt đăng bài “Táng tận lương tâm: Lừa nông dân trồng chanh dây dỏm, rồi biến mất” xảy ra tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pứh), nhiều nông dân khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã liên hệ với chúng tôi để chia sẻ, nhờ báo mạnh mẽ vào cuộc. Công ty ký hợp đồng bán giống, bán phân, bao tiêu sản phẩm với người dân lần này cũng chính là Công ty TNHH Tuấn Đại An (38 Lý Nam Đế, Tp.Pleiku) mà Dân Việt đã phản ánh. Theo các hộ dân, công ty này bán giống, bán phân cho người dân với giá rất cao, nhưng kết quả là chanh dây… không có trái.
Trồng chanh dây thu toàn lá
Anh Đinh Văn Cường (làng Mông, xã Ia Hla, huyện Chư Pứh) buồn rầu nói: “Vườn tôi trồng 3ha chanh dây với 1.800 gốc, đã chi gần 1 tỷ đồng vào đây nhưng chanh không cho quả, chỉ thấy toàn lá. Giờ hóa đơn nợ chất cả chồng không biết phải xoay sở làm sao, tôi mới đem “sổ đỏ” đi vay thêm ngân hàng về trả nợ phân bón cho các đại lý, tổng số nợ lên tới hơn 1 tỷ đồng rồi”. Theo anh Cường, vườn chanh dây của anh rất tốt nhưng mỗi cây chỉ có vài chục quả “tí ti, méo mó”. Mặc dù đau lòng nhưng vẫn phải chặt bỏ gần hết để trồng cây khác nuôi gia đình, chỉ chừa lại 3 sào để làm chứng cứ.
Còn anh Nguyễn Hồng Thao (làng Tai Pêr, xã Ia Hla) cho hay: “Công ty Tuấn Đại An xuống đây tổ chức hội thảo, hứa hẹn hấp dẫn lắm. Để bà con tin, họ còn đưa dân đi ra phố, xuống huyện Đắk Đoa thăm mô hình. Đến khi chanh dây không có trái, gọi thì họ hẹn, nhưng không thấy người xuống giải quyết. Tôi đầu tư vào vườn cây gần 400 triệu đồng rồi. Giờ chúng tôi bức xúc lắm, làm ăn đổ bể, nợ nần chồng chất khiến vợ chồng bất hòa”.
Cũng tại làng Tai Pêr, vườn chanh dây của anh Phạm Văn Dũng đã 8 tháng rồi mà mỗi cây chỉ ra vài chục trái, anh Dũng đã chặt bỏ 280/1.100 cây. Bà Hiền hẹn đưa giống mới về đề bù, tôi đào hố chờ trồng nhưng không thấy đâu. Tất cả tiền làm vườn tôi đều đi vay, hơn 400 triệu đồng đầu tư coi như mất sạch. Khó khăn quá, tôi đành nhượng lại tài sản trên đất ở 2 rẫy giá 70 triệu để chi tiêu, trả nợ”.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, không chỉ huyện Chư Pứh, mà nhiều nông dân khác tại các huyện Chư Sê, Ia Grai, B’Bang nhiều hộ dân cũng lâm cảnh lao đao vì trồng chanh dây do Công ty Tuấn Đại An cung cấp.
Thuốc xé nhãn mác được bán giá rất cao
Bị dân đòi tiền, công ty dọa kiện ngược
Theo tìm hiểu của PV, hợp đồng của Công ty Tuấn Đại An với các hộ dân tại xã Ia Hla (huyện Chư Pứh) cũng tương tự như hợp đồng mà chúng tôi tiếp xúc ở xã Ia Blứ: Giá thu mua bao tiêu là 6.000 đồng/kg, thanh toán ban đầu 50% phân bón và giống (36.000 đồng/cây ươm bằng hạt). Tất cả các hợp đồng đều được ghi bằng một nét chữ, người đứng ra ký kết là bà Bùi Thị Dịu Hiền – Giám đốc công ty. Điều lạ là trong số những hợp đồng trên, có hợp đồng đứng tên ông Lâm Hồng Hải – cũng ghi chức vụ giám đốc.
Anh Đinh Văn Cường cho biết, việc làm của Công ty Tuấn Đại An rất mờ ám. Việc đưa phân, thuốc về xã đều tiến hành vào ban đêm, các nhãn mác đều bị bóc ra hết, mỗi bao có giá rất cao từ 200 -500 nghìn đồng. Riêng một lít thuốc được chiết ra chai nhựa có giá 600 nghìn đồng, thậm chí 1 bao phân ngoại hiệu Humic công ty tính 3 triệu đồng. Do bao phân chưa bị xé nhãn mác, anh Cường gọi vào số điện thoại của công ty nhập khẩu trong Sài Gòn thì họ nói giá bán chỉ 400.000 đồng/bao. “4 tháng sau, chanh dây không ra trái, tôi gọi điện hỏi thì bà Hiền giám đốc nói: Em chăm nhiều lên, bón phân, thuốc nhiều vào, giống thực sinh nên lâu ra trái đó”, anh Cường bức xúc nói.
Nông dân buồn rầu chặt bỏ chanh dây
Tra cứu trên trang điện tử “Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho kết quả: Công ty TNHH Tuấn Đại An - Gia Lai, mã số DN 5901041353, địa chỉ 38 Lý Nam Đế - Tp.Pleiku. Người đại diện pháp luật Huỳnh Nam Anh Tuấn, ngày thành lập 18.7.2016 với các ngành nghề như: mua bao bì, nông sản, vận tải đường bộ. Một số trang thông tin khác ghi: Người đại diện và giám đốc là ông Lâm Hồng Hải, được đăng ký và quản lý bởi Chi cục Thuế Tp. Pleiku. |
Còn nông dân Võ Minh Tây (làng Tai Pêr, xã Ia Hla) cho biết, khi gọi vào máy một vị tự xưng là Phó giám đốc Công ty Tuấn Đại An thì ông này nói: “Người ta thuê tôi thôi, chứ tôi không phải người của công ty”. “Còn bà Hiền thì nói các người mù chữ à, hợp đồng ký rồi giờ nói thế này, thế nọ. Dù các người có đi kiện ở đâu công ty cũng thắng. Nếu mà công ty thắng thì người dân phải bồi thường danh dự, tiền của và khoản nợ 50% cũng phải trả, không trả thì đưa thi hành án vô đòi”, anh Tây thuật lại.
Tương tự, anh Đinh Văn Cường kể lại: “Tôi đầu tư cả tỷ đồng vào đây, giờ công ty nói hỗ trợ giống như cũ sao chấp nhận được, đâu phải chỉ thiệt hại về tiền giống. Chúng tôi đòi kiện thì bà Hiền dọa thuê luật sư kiện ngược, đòi nợ 50%. Bà Hiền còn thách thức “đố thằng Cường làm gì được, nó không đủ tuổi”. Trước đó, tôi hỏi sao bao phân 400 nghìn mà bán cho tôi 3 triệu, bà Hiền bảo: “Đại lý nào nói vậy tao thuê giang hồ vào dẹp tiệm”.
Nhận được đơn khiếu nại của nhiều nông dân, cách đây 2 tháng, UBND xã Ia Hla đã mời công ty Tuấn Đại An đến hòa giải nhưng bất thành. Phía công ty đồng ý xóa nợ đầu tư nhưng người dân không đồng ý, còn người dân yêu cầu công ty trả lại tiền thì công ty không chịu.