Cuốn sách là tâm huyết và ấp ủ trong suốt gần 10 năm của Trần Uyên Phương, Phó Giám đốc công ty Tân Hiệp Phát - con gái cả nhà Dr Thanh. Nội dung cuốn sách sẽ hé lộ về tất thảy những góc khuất của một gia đình, về kí ức tuổi thơ, con đường khởi nghiệp tự thân từ một thanh niên tay trắng xây dựng nên một tập đoàn trị hàng tỷ USD, cho đến cuộc sống của một gia đình kinh doanh không nhà lầu, xe hơi như người đời vẫn tưởng.
Á hậu Huyền My cũng đến tham dự buổi giao lưu với tác giả sách Chuyện nhà Dr. Thanh
Buổi giao lưu với tác giả hôm 14.6 tại TP.HCM có sự tham dự của nhiều nhà văn nổi tiếng như: Nhà văn, nhà biên kịch Lê Chí Trung; Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc; Nghệ sỹ nhân dân Đoàn Dũng; NSND Phạm Chí Trung, Á hậu Huyền My…
“Đọc tác phẩm “Chuyện nhà Dr Thanh”, người đọc không chỉ thấy tình cảm của người con gái dành cho người cha, mà còn thấy một gia tộc dám nghĩ, dám làm để vươn ra biển lớn” - bà Nguyễn Thái Thảo Nguyên, Giám đốc Nhà Xuất bản Phụ nữ chia sẻ.
Trong khi đó, nhà văn Lê Chí Trung lại bày tỏ sự đồng cảm với những trang viết của một người trẻ có tấm lòng và trái tim nhân hậu như Trần Uyên Phương. Ông chia sẻ trong cuộc đời viết văn của mình cũng có vài lần ông viết về người cha, về tình cảm gia đình cho nên khá hiểu tâm tình của Trần Uyên Phương khi viết nên tác phẩm này.
Tác phẩm không chỉ đơn thuần là một cuốn tự truyện kể về gia đình, về những trầm luân, sóng gió mà trên hết là tình cảm gia đình, cha mẹ, con cái…
“Giá trị văn học của cuốn sách thì dành cho độc giả cảm thụ. Tôi thì nhận thấy giá trị gia đình lớn hơn. Như chúng ta đã biết, ngày nay, nền tảng đạo đức gia đình đang bị đe dọa bởi sự thực dụng, bởi lối sống ảo ở trên mạng, bởi ở sự sa đọa nhân cách con người. Tôi nghĩ rằng cuốn sách viết về gia đình là một đóng góp lớn cho xã hội” - nhà biên kịch chia sẻ.
Nói về tác phẩm này, Đại tá - nhà văn Nguyễn Minh Ngọc có góc nhìn thú vị: "Tôi đọc bản thảo 3 lần và thấy đây là một cuốn sách rất thú vị, thú vị vì sự chân thành và chất liệu đầy đặn của nó. Tôi xếp cuốn sách là thể loại “siêu thể loại” vì nó chuyển tải khá nhiều thông điệp. Tác giả mặc dù không học văn, song lại biết sử dụng những cách hành văn, lối kể chuyện thông qua nghệ thuật đan cài, xẻ ngang, xẻ dọc… để lột tả những con người thực, tình cảm thực".
Tác giả Trần Uyên Phương (phải) tặng sách cho khách mời tại buổi giao lưu.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, Trần Uyên Phương một lần nữa bày tỏ sự cảm ơn trân thành đến những người đồng hành trong thời gian qua để cuốn sách sớm được ra mắt. "Cuốn sách như một món quà, một lời cảm ơn ba mẹ đã sinh ra anh chị em của Phương và nuôi lớn chúng tôi nên người', Uyên Phương cho biết.
Sau bao sóng gió, điều đọng lại lớn lao là tình thân gia đình thiêng liêng và trân quý. Trước mắt họ là những chân trời mới, những đỉnh cao mới để cùng nhau chinh phục.